Khi những đàn ong bị xua đuổi
Câu chuyện người dân đuổi ong ở Tiên Thọ (huyện Tiên Phước) mới xảy ra cùng những lần ong bị đẩy đuổi ở các huyện Bắc Trà My vào tháng 7.2014, hay ở huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) vào đầu tháng 8.2014 đang mâu thuẫn với chủ trương kêu gọi phát triển các đàn ong của ngành NN&PTNT.
Sự việc người dân kiên quyết đuổi ong ở xã Tiên Thọ đã khiến UBND xã buộc trại ong phải di cư ngay tức khắc trong ngày hôm sau. Chủ trại ong có lẽ không còn con đường nào khác, đành phải di cư những đàn ong ngay trong đêm 17.8. Bởi, nếu không đưa đàn ong đi, thiệt hại của trại ong sẽ lớn hơn khi người dân bức xúc đến đập phá hay phun thuốc diệt ong như những lời tuyên bố.
Sự thật thì đã có 2 đàn ong bị diệt bởi thuốc trừ sâu, khi ong đang ở trên những ruộng lúa của người dân nơi đây. Đến khi đàn ong đã đi, người dân vẫn khẳng định những ruộng lúa bị hư hại là do ong, bàn tính làm đơn gửi cơ quan chức năng đòi bồi thường thiệt hại. Ở đây, khó có thể trách người dân, bởi sự tiếp cận với những thông tin khoa học còn quá hạn chế. Vì thế khi thấy ong bu đen quanh bông lúa, sau lại thấy lúa lép hạt, trơ bông lên trời, họ không trách con ong thì biết trách ai?
Nói như ông Phạm Bá Hùng - Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ thì ông dám khẳng định ong không gây hại cho cây trồng, bởi khoa học đã chứng minh điều đó. Nhưng khổ nỗi người dân thiếu sự tiếp cận với khoa học, nên nhận thức chưa đầy đủ là điều hoàn toàn dễ hiểu. Một đoàn khảo sát, kiểm tra hiện tượng lúa bị lép hạt vì lý do nào rất cần được ngành NN&PTNT huyện Tiên Phước tiến hành ngay. Chỉ có như thế, câu hỏi của người dân mới được trả lời thỏa đáng, và chuyện kiện thưa sẽ được giải quyết hợp lý hợp tình.
Trong khi đó, trách nhiệm của ngành NN&PTNT ở đâu trong câu chuyện những đàn ong bị đẩy đuổi? Chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp phát triển những đàn ong, nhưng ngành NN&PTNT, mà cụ thể hơn là các cơ quan khuyến nông từ huyện đến tỉnh đã không có một sự chuẩn bị nào. Sự chuẩn bị ấy chỉ đơn thuần là những đợt tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về những tác động, lợi ích của đàn ong. Chỉ cần một động thái đi trước đơn giản như thế, có lẽ những chủ trại ong không phải khốn đốn liên tục di cư đàn ong do sợ đập phá, giết ong. Và thiệt hại của những trại nuôi ong sẽ giảm đáng kể, đồng thời chủ trương được thực hiện trong sự đồng tình của người dân.
Lê Diễm - Báo Quảng Nam