Khởi nghiệp với tinh bột nghệ trắng
Tìm hiểu kỹ những dược tính tuyệt vời của củ nghệ trắng, chị Phạm Thị Mỵ Nương (xã Tiên Ngọc, Tiên Phước) đã đầu tư thiết bị máy móc, thương mại hóa các sản phẩm từ loại củ này để cung cấp đến nhiều người sử dụng.
Chị Nương quê ở huyện Núi Thành, về làm dâu tại Tiên Phước được 5 năm nay. Hồi vừa sinh đứa con đầu lòng, mẹ chồng cho chị uống nước tinh bột nghệ trắng pha với sữa đặc để nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
“Sau khi sinh, người mẹ thường được bồi bổ nhiều món ăn khác nhau, nhưng hình như chỉ có ở Tiên Phước, người ta dùng tinh bột nghệ trắng làm thực phẩm bồi bổ chính. Ban đầu tôi uống để gia đình yên tâm, nhưng sau đó thấy công dụng rõ rệt. Hỏi ra mới biết, người dân địa phương mỗi khi mệt mỏi đều dùng tinh bột nghệ trắng uống để lấy lại sức” - chị Nương nói.
Từ đó, chị Nương có hứng thú tìm hiểu về loại củ này. Chị biết được nghệ trắng là loại mọc hoang ở các khu vực đồi núi, thậm chí là sống được trong rừng keo của người dân. Nhiều người dân Tiên Phước đi đào củ nghệ trắng về, dùng gai của thân cây mây nước để chà thành bột, sau đó ngâm nước và lắng bột nhiều lần rồi lấy tinh bột.
Ông Đỗ Kim Hùng (thôn 2, xã Tiên Ngọc, Tiên Phước), người có nhiều năm làm tinh bột nghệ trắng chia sẻ: “Trong tinh bột nghệ trắng có chất giải uất hành khí, trừ hoàng đản, lợi mật, phá ứ, lương huyết. Vì vậy ông bà ngày xưa dùng tinh bột nghệ trắng để chữa các bệnh liên quan đến tức ngực, trướng bụng, đau mạn sườn; chảy máu cam, nôn ra máu, tiểu ra máu; xơ gan đau nhức, viêm gan mạn tính; đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều; động kinh; vàng da do ứ mật; đau nhức gân cốt… Công dụng nhiều như vậy nhưng ngày nay ít người sử dụng tinh bột nghệ trắng”.
Chị Nương cho rằng, tinh bột nghệ trắng ít được thị trường biết đến là do cách chế biến mất khá nhiều thời gian, lại không đảm bảo vệ sinh nên chị không ngần ngại đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất. Chị nhập máy rửa củ, máy xay vắt liên hoàn, máy sấy lạnh, máy xay bột khô siêu mịn và máy hút chân không, đóng gói. Khi sản xuất ra lô hàng đầu tiên, chị lấy tên sản phẩm là tinh bột ngải, vì đây là tên bản địa mà người dân Tiên Phước thường gọi. Tuy nhiên, khi đưa ra thị trường, chị vấp phải một khó khăn là rất ít người biết đến củ ngải, dù chị triển khai nhiều chiến lược truyền thông, marketing sản phẩm nhằm giới thiệu đến khách hàng.
“Vài tháng liên tiếp, đơn hàng của mình bị đứng. Có chăng là người dân Tiên Phước vô tình thấy hàng của mình thì họ mua ủng hộ sản phẩm địa phương còn khách lạ gần như không có. Mình nhìn lại cái sai ở đây là tên sản phẩm, dù mang ý nghĩa địa phương nhưng không phổ thông thì cũng không ai biết đến. Chính vì vậy, mình đã đổi lại tên sản phẩm, đổi lại toàn bộ nhãn mác, bao bì thành tinh bột nghệ trắng” - chị Nương nói.
Hiện nay, chị Nương đã liên kết với 10 hộ dân, triển khai trồng nghệ trắng trên 7ha. Ước tính sau 2 năm trồng, chăm sóc, 1ha sẽ thu hoạch khoảng 20 tấn nghệ tươi; 1 tấn nghệ tươi sẽ sản xuất được 40kg tinh bột nghệ. Với giá bán hiện tại là 700 nghìn đồng/kg tinh bột nghệ trắng, sản phẩm với thương hiệu Tiên Ngọc NOSA của chị Nương đã có mặt trên kệ hàng của các đại lý tại TP.Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và TP.Hải Phòng.
“Mình làm cam kết với các hộ dân phải trồng củ nghệ trắng theo phương pháp hữu cơ, chỉ dọn cỏ chứ không được sử dụng phân hay thuốc hóa học. Thuận lợi khi triển khai trồng nghệ trắng là loài này có thể sống dưới tán rừng keo nên người dân có thể tận dụng đất rừng hiện có để trồng. Hiện tại, nhu cầu của thị trường về tinh bột nghệ trắng khá lớn, nên sắp tới, mình sẽ đẩy mạnh việc liên kết trồng củ nghệ với các hộ dân theo mô hình tổ hợp tác, đồng thời nghiên cứu cho ra các sản phẩm mới như viên tinh bột nghệ trắng mật ong, viên hoàn nghệ trắng… để khách hàng tiện sử dụng” - chị Nương tâm sự.
Phan Vinh - Báo Quảng Nam