www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Khắc khoải về nơi rất nhiều nỗi đau da cam

Đến xã Tiên An, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, ai nấy không khỏi băn khoăn khi thấy nơi đây có nhiều nạn nhân chất độc da cam đến thế. Họ là những nạn nhân không may nhiễm chất độc da cam, cuộc sống nghèo khổ vừa lo mưu sinh, lại vừa tìm mọi cách chống chọi với bệnh tật. Nhưng có một điều họ luôn trăn trở, đó là tương lai của con, cháu mình - những nạn nhân gián tiếp bị ảnh hưởng chất độc đioxin rồi cuộc sống sẽ ra sao? Nhìn bề ngoài đó là những ngôi nhà cũng bình yên giống như bao ngôi nhà xung quanh nhưng mọi chuyện chỉ bắt đầu từ chính những thân phận kém may mắn.

Rất nhiều nỗi đau

Chúng tôi không quá khó khăn để tìm đến ngôi nhà của ông Đinh Văn Sáu, một nạn nhân chất độc da cam ở khu 2 thôn 4, xã Tiên An, bởi khi mới hỏi về ông, bà con trong thôn đều biết, ông là một người bị phơi nhiễm chất độc da cam từ những năm chiến tranh. Chúng tôi đến nhà ông, thấy người đàn ông vừa cặm cụi nhặt rau, vừa chăm sóc cho đứa con tật nguyền của mình. 

 


Chị Phan Thị Tiến bên đứa con út ba tuổi của mình.

 

Năm 1975, sau thời gian chiến đấu tại chiến trường miền Tây quảng Nam, ông sau trở về quê hương Tiên Phước, lập gia đình và sinh được 3 người con trai. Rồi sức khoẻ của ông ngày càng giảm sút, còn các con ông có đứa bị dị tật, có đứa phát triển không bình thường. 

Đứa đầu đã 20 tuổi mà không biết nói, cứ ngu ngơ như đứa trẻ lên hai lên ba. Ông gạt nước mắt tâm sự: “Thời kỳ ấy gia đình tôi vô cùng khó khăn, nhưng tôi đã bỏ qua mọi lời dị nghị, đàm tiếu, xoay sở đủ nghề để kiếm tiền chạy chữa và chăm sóc các con, với hy vọng chúng sẽ được bình thường như bao đứa trẻ khác”. 

Nhưng rồi niềm hy vọng tưởng chừng như rất bình thường ấy đã không trở thành hiện thực, khi đứa con thứ 3 của ông đã qua đời sau 2 năm điều trị ở khắp các bệnh viện trong nam ngoài bắc. Hai đứa con còn lại dù đã được đi học nhưng không biết đọc, biết viết. 

Mọi chi tiêu hàng ngày của gia đình chỉ biết trông cậy vào mấy sào ruộng. Những lúc con cái khỏe mạnh ông lại lần hồi đi làm thêu làm mướn kiếm tiền thuốc thang cho con.

 

Vợ chồng ông Đinh Văn Sáu và chiếc máy xát gạo, nguồn kinh tế chính của gia đình. 

 

Thời gian gần đây, ông được chính quyền hỗ trợ vay vốn hộ nghèo, mua được một chiếc máy xát gạo nhỏ để kiếm kế sinh nhai và lo cho mấy đứa con bệnh tật. Nhưng ở vùng quê này, được mấy lúc mà dùng đến chiếc máy ấy, nên cuộc sống gia đình ông vẫn còn vô vàn khó khăn. 

Rời nhà ông Sáu, chúng tôi đến thăm nhiều gia đình khác cũng bị nhiễm chất độc da cam như nhà vợ chồng cô giáo Lê Ngọc Đa - Vũ Thị Hạnh, nhà bà Trần Thị Hiền, nhà đông Nguyễn Ngọc Đại ở thôn 2, nhà ông Lê Dưỡng, nhà ông Phan Văn Tiến, ở thôn 1, nhà ông Ba Điểu, nhà chị Trần Thị Tiến khu tái định cư, và rất nhiều những hộ gia đình khác nữa, đến đâu cũng thấy sự kém may mắn của những thân phận nơi đây. 

Đặc biệt như trường hợp gia đình chị Trần Thị Tiến, 41 tuổi ở khu tái định cư. Chồng chị là anh Lê Văn Khoa đi bộ đội, trong thời gian đó anh không may bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe yếu. Anh chị sinh đứa con thứ 4 được 3 tháng thì anh mất, mọi công việc gia đình dồn hết lên đôi vai gầy của chị.

Đứa con út đã ba tuổi mà chưa biết lẫy lật, chưa biết nói, mắt không mở ra được. Đi khám khắp nơi bác sỹ bảo bị nhiễm chất độc da cam, bây giờ sức khỏe rất yếu, chỉ nằm một chỗ ai đút thì ăn, ai cho uống thì uống.

 

Một góc khu tái định cư thôn 2, xã Tiên An

 

Không chỉ thế, mấy đứa trước cũng bắt đầu có dấu hiệu phơi nhiễm chất độc, trong khi nhà chị lại quá nghèo, không thể đưa hết đứa này tới đứa khác đi khám bác sỹ. Họa vô đơn chí, đã nghèo còn gặp khó khi mới mấy tháng trước đây khi đi làm mướn trên rẫy, chị Tiến bị cây đổ đè gãy chân. Ngôi nhà chị ở hiện tại có được là do nguồn vốn hỗ trợ của khu tái định cư, chị phải vay mượn thêm họ mạc gia đình mới đủ để làm. 

Nói chuyện với chúng tôi, chị rơm rớm nước mắt: “Chỉ biết mong nhà nước, chính quyền quan tâm giúp đỡ, chứ một mình nuôi mấy đứa con bệnh tật thế này, trong khi tôi cũng vừa bị tai nạn mới tháo bột bữa trước. Giờ nhà chẳng còn gạo ăn, mấy bữa ni phải nhờ bà con hàng xóm cả!”.

Cũng bị nhiễm chất độc da cam, ông Đặng Đức Thành ở thôn 1 đã tự vượt qua nỗi đau. Tranh thủ những lúc không bị cơn đau hành hạ, ông đi làm phụ hồ, làm thuê những việc vặt để đỡ đần cho vợ con.

Ông mắc rất nhiều các chứng bệnh như: suy tim, huyết áp cao, da lở loét, chân sưng to và đi lại rất khó khăn... trong khi đó số tiền trợ cấp nhận được chỉ với 270 ngàn/tháng ông đều giành dụm lại không dám chi tiêu. 

Ông ngậm ngùi chia sẻ: “Ngày nào mình còn làm việc được thì sẽ không để các cháu phải chịu đói, chịu khổ. Sau này mình đi rồi, cũng còn được ít tiền để lại cho các cháu. Vợ con cũng đã khổ vì mình quá nhiều rồi!”… Nỗi lo sợ các con không còn nơi nương tựa khi vợ chồng ông già yếu, mất sức lao động đã ám ảnh ông trong từng bữa ăn, giấc ngủ…
Gặp những thân phận và nỗi đau ấy ở nơi vùng khó khăn, mới thấy được những vật vã khắc khoải của con người. Nỗi đau về thể xác thì có thể chịu đựng được, còn những giằng xé về tinh thần cứ đè nặng trái tim con người đã bao nhiêu năm nay.

Cần lắm sự sẻ chia của cộng đồng

Những nạn nhân như ông Sáu, ông Thành, chị Tiến, ông Ba Điểu và nhiều gia đình khác nữa đang từng ngày, từng giờ cố gắng thoát khỏi sự nghiệt ngã của số phận. 

Có một cơ sở để nuôi dưỡng, bảo trợ các đối tượng này là mong muốn rất chính đáng của những nạn nhân chất độc da cam. Hiện tại, chính quyền địa phương đã có nhiều cách làm để góp phần xoa dịu nỗi đau cho từng gia đình, từng hoàn cảnh nhưng mới chỉ dừng lại ở việc động viên, thăm hỏi, tặng quà...

Cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền và của mỗi người dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Cần lắm sự sẻ chia của cả cộng đồng, để vơi bớt đi những đau khổ của những kiếp người kém may mắn nơi vùng núi rừng Tiên Phước kia.
 

                                             Theo Hữu Cường - VTC news