Khơi lại giấc mơ trầm
Giấc mơ tỉ phú từ trầm hương của các chủ vườn dó bầu Quảng Nam tưởng chừng đã tắt ngấm từ lâu, khi cây dó bầu không kéo nhựa trầm sau hàng chục năm bỏ công chăm bẵm...
Nhưng hôm nay giấc mơ làm giàu từ cây dó bầu một lần nữa sống dậy trong tâm trí nhà vườn xứ trầm Tiên Phước, khi những mô hình nuôi cấy tạo trầm sinh học cho kết quả khả quan.
Thời lận đận của cây dó bầu
Tiên Phước là miền trung du xinh đẹp bậc nhất xứ Quảng với những ngôi nhà cổ có lối vào bằng đá bên luống trà, có hoa trái xum xuê, ao hồ xanh mát.
Vùng đất bán sơn địa là xứ sở trầm hương, nơi này sinh ra những thôn làng kiếm sống bằng nghề ngậm ngải săn trầm một thuở. Về xứ này, không khó để bắt gặp những vườn trồng cây dó bầu lẩn khuất sau mỗi nếp nhà bên lưng đồi của bà con.
Ở tuổi 66, ông Phùng Văn Chính, trú xã Tiên Lãnh, đã sống gắn bó hơn nửa đời người với cây dó bầu. Mở lại ký ức từ thuở thiếu thời, ông Chính bảo loài cây này ngày trước mọc nhiều vô kể.
Mỗi đợt săn trầm, cả làng hàng trăm con người tay nải, rìu rựa càn quét từng ngóc ngách các cánh rừng tìm kiếm giấc mơ đổi đời. Cây dó bầu trên rừng khi ấy rất nhiều, có những cây lâu năm to hơn vòng ôm người lớn.
Đoàn người đi tới đâu, cây dó ngã xuống tới đó. Cây sống bị chặt hạ, còn cây chết bị đào phăng cả gốc rễ để tìm trầm. Nhưng trong cả ngàn cây, may mắn lắm mới gặp đôi ba cây có trầm hương.
Trong đoàn săn trầm hàng trăm con người, chỉ có đôi ba người thỏa giấc mộng giàu sang. Không ít kẻ đã bỏ mạng âm thầm giữa rừng thiêng nước độc trong những năm tháng tìm trầm.
Khi cơn sốt săn trầm quét qua, nhiều cánh rừng xứ Quảng gần như tuyệt diệt cây dó bầu. Mảnh đất sống cho loài cây này càng thu hẹp dần khi phong trào trồng rừng xóa đói giảm nghèo với cây keo lan tới vùng trung du.
Nhưng mặc cho thời thế đổi thay, mùi hương trầm và ảo vọng sang giàu vẫn còn sức hút mãnh liệt với bà con xứ này. Có thời điểm phong trào trồng loài cây này rộ lên, nhà ít trồng vài chục tới vài trăm gốc, nhà trồng nhiều lên tới hàng ngàn gốc.
Tính chung cả tỉnh sau hơn 20 năm đã có hàng triệu gốc dó bầu được trồng, riêng Tiên Phước có tới hơn 500ha. Đến nay, khi cây dó bầu đã phát triển đạt tới kích thước đủ lớn thì các chủ vườn nhận ra không dễ hái trầm!
Vào nhà mang ra ít giác trầm vụn, ông Chính cho hay số này được gom góp trong vườn trồng nhưng chẳng đáng giá bao nhiêu so với công sức hơn 20 năm chăm bẵm. Khi đã kéo nhựa tạo trầm, cây dó có giá vài chục tới hàng trăm triệu đồng.
Nhưng trong điều kiện sinh trưởng bình thường, loài cây này không khác gì gỗ tạp, chỉ đáng để làm củi đốt trong những căn bếp xứ này. "Bỏ thì thương, vương thì tội", cây dó bầu vẫn tiếp tục lớn lên cùng với niềm hy vọng mờ nhạt của các chủ vườn ngày này qua tháng nọ.
Ép cây dó tạo trầm hương
Loay hoay phạt cỏ trong vườn dó bầu, ông Phạm Văn Trí (58 tuổi) bảo rằng loài cây này sinh trưởng trong điều kiện bình thường hầu như không tự tạo ra trầm hương.
Họa hoằn đôi lúc mưa sa gió giật, một vài thân cành bị gió quật gãy đổ, nơi ấy sau thời gian được cây dó tiết ra lớp nhựa mỏng bao lấy mà thành trầm.
Ngày trước thấy bà con nở rộ phong trào trồng cây dó bầu, ông Trí hưởng ứng trồng theo nhưng khi cây lớn không ai biết cách tạo trầm nên chỉ bán lai rai cho thợ mua cấy thuốc.
Sau thời gian dài trồng không mang lại hiệu quả, ông Trí đã bán 160 gốc dó bầu cho một hợp tác xã trầm hương sinh học. Cũng như ông Chính và một số hộ khác, ngoài số tiền thu được từ bán cây, ông Trí được hợp tác xã trả tiền thuê chăm sóc vườn và tiền thuê đất.
Góp cả ba khoản lại cũng được số tiền không nhỏ đối với bà con ở miền trung du này. Chưa hết, hợp tác xã bỏ tiền đầu tư hệ thống giếng bơm, ống dẫn tưới nước cho cây, nhờ đó những loại cây khác trong vườn bà con trồng cũng được hưởng lợi từ hệ thống tưới tiêu.
"Người ta mua vườn rồi thuê lại mình đi cấy trầm, tạo công ăn việc làm để mình giữ vườn cho họ. Tôi thấy mô hình này cả hai bên đều có lợi, họ mua giá cao nên mới vui vẻ bán cho hợp tác xã" - ông Trí tâm sự.
Dẫn ra gốc dó bầu lớn sau nhà, ông Chính chỉ lên một thân cây dó to chi chít hàng trăm vết khoan. Ông bảo gốc này được thợ trầm địa phương bỏ tiền mua lại rồi khoan lỗ đổ axit với vụn sắt vào để kích thích ra trầm.
Nhưng khi tiếp xúc với chất độc, cây chỉ tiết ra một lớp trầm rất mỏng rồi chết. Trong khi đó, hàng trăm gốc dó bên cạnh được hợp tác xã mua lại vừa cấy vi sinh đang phát triển tươi tốt. Dưới những mắc cấy, cây dó còn nhú ra cành lá non.
Lấy đục khẽ nhẹ mắt cấy mấy gốc trầm cấy vi sinh 3 tháng trước, những vân gỗ xám màu đang dần thành hình loang ra xung quanh. Với kinh nghiệm của mình, người nông dân này cho biết cây dó đã bắt đầu tạo ra giác trầm.
Theo ông Lê Minh Gin, quản lý dự án nuôi cấy trầm sinh học của hợp tác xã này, hiện nhu cầu về sản phẩm trầm hương trên thế giới rất cao. Đặc biệt là các thị trường ưa chuộng hàng xa xỉ như Trung Đông, Trung Quốc.
Mỗi ký trầm hương chất lượng tốt khi được phân phối tại thị trường Trung Đông có thể lên tới hàng ngàn USD. Do nhu cầu lớn, các đối tác nước ngoài đang ráo riết săn tìm nguồn cung trầm hương từ Việt Nam và một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
"Sau giai đoạn thử nghiệm, nếu mô hình nuôi cấy vi sinh tạo trầm hương cho kết quả khả quan thì chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các hộ dân mở rộng quy mô vùng nuôi cấy trầm sinh học để tạo nguồn cung ổn định cho đối tác nước ngoài" - ông Gin chia sẻ.
Thu nhập tốt từ nuôi cấy trầm hương
Ông Nguyễn Hùng Anh, phó chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, chia sẻ hiện địa bàn huyện có khoảng 500ha trồng cây dó bầu và tập trung ở các xã Tiên An, Tiên Cảnh, Tiên Lộc, Tiên Mỹ, Tiên Lãnh...
Thời gian qua nhờ áp dụng các phương pháp nuôi cấy tạo ra trầm hương và phát triển sản phẩm từ trầm hương mà nguồn thu của bà con từ cây dó bầu tốt hơn nhiều so với trồng cây keo. Trung bình mỗi gốc dó bầu từ 5 - 7 năm có giá 4 - 5 triệu đồng, cây lớn sinh trưởng trên 7 năm có thể tới chục triệu đồng.
Theo ông Hùng Anh, mỗi hộ làm nghề đều có bí quyết riêng để ép cây dó tạo trầm, chủ yếu là khoan đục vào cây để cấy vi sinh. Theo đó, loại trầm chất lượng thấp, dùng làm hàng mỹ nghệ có thể thu hoạch sau 12 tháng từ lúc nuôi cấy. Những loại trầm chất lượng tốt, chứa nhiều tinh dầu cần phải để 3 - 5 năm mới được thu hoạch.
Nhiều cách tạo trầm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Văn Trưởng, chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước, cho hay hiện trong vùng các thợ trầm có nhiều cách thức nuôi cấy để tạo ra trầm hương bao gồm sử dụng vi sinh và hóa chất.
Trong đó, trầm hương được tạo bằng phương pháp nuôi cấy sinh học cho chất lượng tốt và có giá trị cao, có thể lên tới khoảng 18 triệu đồng/kg nếu nuôi cấy lâu năm, cho nhiều tinh dầu.
Với những cây tạo trầm tự nhiên sẽ có giá trị rất cao, từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi cây. Tuy nhiên, việc cây dó tự tạo ra trầm rất hiếm hoi, hầu hết phải dùng tới công nghệ nuôi cấy để kích thích tạo trầm.