www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Kỷ niệm 60 năm chiến dịch Vượt sông Tranh

Chiến dịch Vượt sông Tranh (tháng 10.1961) rồi tiếp nối Chiến dịch Vượt sông Tiên (tháng 9.1962) là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ đó tổ chức đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang theo Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, mở ra bước ngoặt với khả năng tiến về giải phóng đồng bằng, ghi dấu sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng cách mạng cùng sự ra đời của các đơn vị vũ trang Tiên Phước, Quảng Nam và Khu 5.

 Đã có quá nhiều tài liệu được phổ biến về các chiến dịch kể trên. Vì vậy, bài viết này chỉ tập trung vào câu chuyện của một nhân chứng và những bài học sinh động với góc nhìn riêng về sự kiện Chiến dịch Vượt sông Tranh diễn ra cách đây 60 năm.

 

Đại tá Quách Tử Hấp dự lễ kỷ niệm Chiến dịch Vượt sông Tranh năm 2011. Ảnh: Đ.N
Đại tá Quách Tử Hấp dự lễ kỷ niệm Chiến dịch Vượt sông Tranh năm 2011. Ảnh: Đ.N 

 

 Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Quách Tử Hấp (1925 - 2012) là nhân chứng quý giá mà chúng tôi có dịp được tiếp cận một thời gian dài để trợ bút xây dựng cuốn hồi ký cho ông khi còn tại thế - cuốn “Lên đàng - Hành trình vạn dặm” (NXB Văn học, Hà Nội - 2012).

Trong cuốn sách này ghi lại nhiều sử liệu của cuộc đời một người anh hùng, từ lúc thiếu niên ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam đến khi trưởng thành, tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền rồi chiến chinh qua nhiều vùng đất.

Đặc biệt như một cơ duyên lịch sử, Quách Tử Hấp là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Quân chính Khu 5, Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 1 Ba Gia anh hùng, Tỉnh đội trưởng đầu tiên của Quảng Nam - Đà Nẵng hồi đầu kháng chiến chống Mỹ.

Khi Chiến dịch Vượt sông Tranh, rồi Vượt sông Tiên diễn ra, Quách Tử Hấp là một trong những cán bộ lãnh đạo cốt cán của lực lượng vũ trang Quảng Nam, với vai trò Tỉnh đội trưởng kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1.

Nói Quách Tử Hấp là cán bộ cốt cán là vì khi Trung đoàn 1 ra đời (gọi là Công trường 1), ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 kiêm Tỉnh đội trưởng, không có tỉnh đội phó mà chỉ có tham mưu, gồm Đinh Châu (Nguyễn Hữu Đức) làm Tham mưu trưởng, Trần Kim Anh là Tham mưu phó.

Sau này, khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách cuối năm 1962, Đinh Châu về làm Tỉnh đội trưởng của Quảng Đà. Trong giai đoạn này, trên địa bàn Quảng Nam, Trung đoàn 1 có Tiểu đoàn 60, sau thêm Tiểu đoàn 90 từ Bắc vào (đây là tiểu đoàn gồm các chiến sĩ đi tập kết, nên nhiều người được gọi là thượng sĩ Đông Dương); Tỉnh đội có các đại đội độc lập như H21, H30 và sau sáp nhập hình thành Tiểu đoàn 70. Tỉnh đội và Trung đoàn 1 lấy vùng sông Tranh giáp Tiên Phước, Hiệp Đức làm nơi đứng chân chủ yếu.

Trong hồi ký “Lên đàng - Hành trình vạn dặm”, Đại tá Quách Tử Hấp kể lại Chiến dịch Vượt sông Tranh với nhiều tình tiết sống động mà ông tổng hợp từ nhiều nguồn, đặc biệt là đã nắm bắt kỹ từ Đại tá Trần Kim Anh (nguyên Tỉnh đội trưởng Quảng Nam), người trực tiếp chỉ huy cánh quân chủ lực của tỉnh trong chiến dịch này. Có thể tóm tắt về lực lượng tham chiến cũng như diễn biến chiến dịch cô đọng như sau:

“Tháng 10.1961, ta mở chiến dịch đánh vào tây Tiên Phước, giải phóng Lãnh - Ngọc. Trước khi Chiến dịch Vượt sông Tranh diễn ra, về toàn cục tôi được biết lúc ấy, Quảng Nam - Đà Nẵng có ban phụ trách quân sự, chia làm 3 cánh, phía bắc là Quảng Đà có các anh Châu (Đức), anh Thọ và Khánh (Tốc) phụ trách, cánh trung do anh Thái (tục danh Thái đầu bạc) và anh Song phụ trách, cánh nam do anh Trần Mười (tức Trần Kim Anh) phụ trách.

Mỗi cánh có một vài đại đội gọi là H, như H21, H22, H29, H30... Do địa bàn cánh nam có tầm quan trọng là cửa ngõ thông lên căn cứ của khu, nên có ban cán sự do Bí thư Tỉnh ủy Mười Khôi (Phạm Tứ) cùng Hồ Truyền - Bí thư Tiên Phước chỉ đạo về mặt quân sự.

Vào ngày 28.10.1961, Đại đội H21 do đồng chí Trần Kim Anh chỉ huy từ căn cứ Nước Oa - Trà My tiến về bờ tây sông Tranh. Tại đây, đội công tác Tiên Lãnh do đồng chí Huỳnh Văn Đào phụ trách đã sẵn sàng phối hợp tác chiến tiến công giải phóng 2 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc. Lễ xuất quân diễn ra hết sức cảm động, mệnh lệnh từ đồng chí Mười Khôi - Bí thư Tỉnh ủy vừa truyền xuống đã có hàng loạt cánh tay giơ cao thể hiện quyết tâm đánh thắng, giải phóng cho đồng bào Lãnh - Ngọc.

 

Bìa cuốn hồi ký “Lên đàng - Hành trình vạn dặm” của Đại tá Quách Tử Hấp.
Bìa cuốn hồi ký “Lên đàng - Hành trình vạn dặm” của Đại tá Quách Tử Hấp. 

 

 Chiều 29.10, Trung đội 39 và 17 áp sát bờ sông sẵn sàng chi viện hỏa lực cho Trung đội 45 vượt sông trước. Đúng 19 giờ ngày 29.10, tại bến đò Nà Ráy, khu vườn Du, 5 chiếc thuyền dưới sự chỉ huy của cô Ba Sừng (tức cô Trịnh Thị Kim Lan) bắt đầu xuất kích đưa bộ đội sang sông.

Mưa càng lúc càng nặng hạt, trời tối như mực, nước mỗi lúc một chảy xiết, đơn vị phải dùng dây rừng căng qua sông để làm điểm tựa cho các chiến sĩ níu. Vừa áp bờ bên kia, 30 chiến sĩ của Trung đội 45 đã chia thành 2 mũi, một mũi tiến về thôn 9, mũi thứ hai tiến chiếm khu vực Hòn Giẻo ở thôn 4, hình thành thế bao vây, áp đảo quân địch, đồng thời giữ vững đầu cầu cho hai Trung đội 39 và 17 tiếp tục vượt sông.

Trước thế bao vây áp đảo của ta, tổng đoàn dân vệ do hai tên Hóa, Vui chỉ huy đã rơi vào thế bị động, binh lính địch hoảng loạn bỏ chạy về hướng các thôn 8 và 9 để thoát thân. Ta truy kích và đánh thẳng vào hội đồng tề các thôn này. Đến 2 giờ sáng ngày 30.10, lực lượng ta áp sát hội đồng hương chính địch ở thôn 3.

Sau mươi phút nổ súng, các lực lượng ta đã tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân địch ở Tiên Lãnh. Tên cảnh sát và xã trưởng có nhiều nợ máu với nhân dân phải đền tội. Tên Võ Nghi cùng một số đồng bọn tháo chạy về quận lỵ Tiên Phước. Tuy nhiên, lực lượng tề ngụy còn lại khá đông, phản ứng mạnh. Khi vượt sông Tranh, Quảng Nam dùng mũi nhọn H21, do đồng chí Trần Kim Anh chỉ huy.

Sau khi sắp giải phóng Phước Lãnh (nay là Tiên Lãnh) thì địch phản ứng mạnh ta mới điều thêm H30 từ cánh trung vào. H30 do đồng chí Ngô Văn Sành (tức Minh Dồ) làm Đại đội trưởng, đồng chí Sam làm Chính trị viên. Hai tên Hóa, Vui, chỉ huy của tổng đoàn dân vệ, sau khi bị truy kích đã tập hợp lại lực lượng, tổ chức phục kích hòng tiêu diệt quân ta trên đoạn sông đơn vị H30 đổ bộ mà theo chủ quan chúng cho rằng ta sẽ rút ra khi trời sáng để trở về căn cứ.

Song, cùng thời điểm này, một đơn vị do Ban Quân sự tỉnh điều động từ Trà My tiến xuống để đón và phối hợp với H30 đã bày sẵn trận địa. Tám giờ sáng 31.10, lực lượng tổng đoàn do Hóa, Vui chỉ huy đã phải tháo chạy khỏi trận địa rút về Hội đồng thôn 2 Tiên Ngọc. Tại đây hai tên này đã phải đền tội.

Trong khí thế chiến thắng, ngày 2.11, đơn vị H30 chia thành 2 mũi tiến công vào Hội đồng xã Tiên Ngọc, khiến bọn địch ở đây hoảng loạn rút chạy về quận lỵ, Tiên Ngọc hoàn toàn giải phóng. Ta chủ trương trụ lại, tổ chức lực lượng bảo vệ vùng mới giải phóng, với thế trận: Trung đội 45 chốt chặn tại dốc Đá Chẹt, Trung đội 39 và 17 trấn giữ địa bàn trọng yếu hai thôn 8 và 10 Tiên Lãnh. Lực lượng của tỉnh và khu sau đấy tiếp tục về tăng cường, tạo thành thế liên hoàn, bảo vệ dân và sẵn sàng đánh địch phản kích. Lúc này, H21, H30 ở lại hình thành nòng cốt để thành lập Tiểu đoàn 70 vào ngày 3.2.1962”.

Chiến dịch Vượt sông Tranh diễn ra trong bối cảnh miền Nam đứng lên Đồng khởi sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng nhằm phát động đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang. Nhiều bài học được đúc kết từ trải nghiệm và thẩm định của những nhân chứng lịch sử như cố Đại tá Quách Tử Hấp, Đại tá Trần Kim Anh có giá trị cho nghiên cứu không chỉ về quân sự mà còn ở các lĩnh vực khác.

Đại tá Quách Tư Hấp - Nguyên tỉnh đội trưởng Quảng Nam (bên phải) cùng đồng chí Chu Huy Mân - Nguyên Tư lệnh quân giải phóng khu 5, kiểm tra khẩu đội pháo 105 ly trên đồi Trái tim, huyện Hoà Ân, tỉnh Bình Định (3/1973). Ảnh: XUÂN QUANG
Đại tá Quách Tư Hấp - Nguyên tỉnh đội trưởng Quảng Nam (bên phải) cùng đồng chí Chu Huy Mân - Nguyên Tư lệnh quân giải phóng khu 5, kiểm tra khẩu đội pháo 105 ly trên đồi Trái tim, huyện Hoà Ân, tỉnh Bình Định (3/1973). Ảnh: XUÂN QUANG 

Giá trị những bài học…

Bài học đầu tiên là việc nắm bắt lòng dân, chọn đúng địa bàn và thời cơ để đột phá khẩu.

Tỉnh ủy và Tỉnh đội Quảng Nam chọn Tiên Phước là địa bàn đột phá khẩu cho đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang với quy mô chiến dịch là vì nắm chắc được lòng dân. Nhiều người biết, hiệp định đình chiến và cuộc rút quân tập kết đã khiến ta mất địa bàn từng nắm giữ, phải “chôn súng xuống”. Kẻ thù đã gây ra tang thương và tổn thất lớn cho đồng bào, đồng chí, phá vỡ hầu hết cơ sở, giờ gây dựng lại hết sức gian nan.

Đất Tiên Phước, đã ghi bao tội ác của bọn Quốc dân đảng và bè lũ tay sai Mỹ - Diệm tàn sát nhiều gia đình cách mạng, quần chúng trung kiên và đồng bào vô tội, mà Hầm Heo, Gò Vàng… còn ghi dấu u uất. 

Phải đến sau khi có Nghị quyết 15, những cán bộ trụ bám quyết “đào súng lên”, phong trào cách mạng đất Quảng mới được phục hồi. Chính vì tội ác và sự kìm kẹp của giặc quá tàn khốc nên khi bộ đội ta thâm nhập trở lại các xóm làng trên vùng chiến khu xưa, dân thấy bộ đội về thì mừng chảy nước mắt. 

Mở chiến dịch vào địa bàn mà nhân dân đang khát khao giải phóng sẽ có nhiều thuận lợi, đồng thời chọn đúng điểm rơi khi mà phong trào vũ trang đánh địch bắt đầu dậy lên ở miền Nam sau đêm đen bị đàn áp, tố Cộng diệt Cộng.

Do vậy, theo Đại tá Quách Tử Hấp, khi quân ta tiến về giải phóng Lãnh - Ngọc và sau nữa là Sơn - Cẩm - Hà, đông đảo nhân dân hưởng ứng, mừng vui úy lạo cho bộ đội, chuẩn bị sẵn hàng trăm vắt cơm, ủng hộ hàng tạ gạo cho lực lượng cách mạng…

Bài học tiếp theo là việc chuẩn bị lực lượng của địa phương để phối hợp vũ trang tuyên truyền và đảm bảo hậu cần chiến dịch.

Đầu năm 1961, Huyện ủy Tiên Phước được củng cố, tiểu đội vũ trang đầu tiên của huyện ra đời với 14 đồng chí. Tiểu đội ra quân trận đầu, tập kích đèo Ba Dốc đánh tan trung đội Bảo an, diệt và làm bị thương 17 tên, bắt sống 2 tên, thu được 15 súng.

Chiến công đầu tiên này làm nức lòng đồng bào, và quan trọng là tạo được niềm tin của nhân dân vào kháng chiến. Nhiều thanh niên địa phương đã thoát ly gia nhập tiểu đội và chỉ một thời gian ngắn, tiểu đội phát triển thành trung đội, lấy phiên hiệu Trung đội 401. 

Tháng 4.1961, Tỉnh ủy đã chỉ thị cho Huyện ủy Tiên Phước thành lập các đội công tác địa phương nhằm tiến hành vũ trang tuyên truyền. Đây chính là hạt nhân xây dựng cơ sở bí mật, tạo thế đứng cho lực lượng bộ đội tỉnh khi về với Tiên Phước.

Theo Đại tá Quách Tử Hấp, vấn đề móc nối cơ sở, kết hợp bộ đội chủ lực và du kích địa phương đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân cần được coi là bài học kinh nghiệm quý báu qua Chiến dịch Vượt sông Tranh. Để minh chứng điều này, ông có ghi lại hai câu chuyện rất thú vị:

“Chuyện thứ nhất: Người bắt ong

Khi vượt sông Tranh, thì có một người đi bắt ong dẫn đường. Thực ra đó là cơ sở do ông Huỳnh Anh Đào bố trí. Trong vai người bắt ong, tạo thế đi hợp pháp, linh hoạt, và nếu sau trận đánh không thắng lợi thì người ấy vẫn trở lại làm cơ sở. Chính người bắt ong đã gợi ý cho bộ đội ta cần bố trí một lực lượng giữ đầu cầu bên sông để tiêu diệt bọn phục kích.

Chuyện thứ hai: Người đưa đò

Bộ đội ta vượt sông là nhờ đội quân đưa đò của cô Ba Sừng (Trịnh Thị Kim Lan). Cũng để đề phòng chuyện liên lụy đến người dân nếu lỡ không thành công, cô Ba Sừng phải tự lén đi “lấy trộm” 5 chiếc đò (chứ không nói mượn) đồng thời vận động 8 cô gái cùng mình đưa bộ đội sang sông. 

Cô Ba Sừng thực sự là con rái cá, một mình một chiếc đò lại dầm mình suốt đêm trên sông lạnh. Ở tuổi 20, Ba Sừng lúc ấy thực là cô gái mạnh mẽ, kiên cường, giàu tình nghĩa. Cô Ba cũng từng là người đội 30 ký gạo và bơi đứng sang sông để tiếp lương thực cho bộ đội”.

Thêm một bài học đúc kết quan trọng khác: từ Chiến dịch Vượt sông Tranh cho thấy thực tế chiến trường ở Quảng Nam, bộ đội địa phương cũng có thể mở chiến dịch đi kèm phát động đấu tranh chính trị, binh vận, phát động quần chúng nổi dậy làm nên thế và lực mới cho cuộc kháng chiến, mở ra cơ hội đồng khởi giải phóng, tiến về đồng bằng.

Âm vọng

Có những con người được lịch sử gọi tên làm nhân chứng ngay ở những thời khắc, sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Chính cuộc đời từng trải chiến chinh của họ làm cho lịch sử mang sắc màu chân thực và sống động. Đại tá Quách Tử Hấp là một con người như vậy.

Thượng tướng Nguyễn Chơn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (bên phải) và Đại tá Quách Tư Hấp - Nguyên tỉnh đội trưởng Quảng Nam xem kỷ niệm thời chiến năm 1973 khi ông cùng đồng chí Chu Huy Mân đang kiểm tra khẩu đội pháo 105 đánh chiếm đồi Trái tim, tỉnh Bình Định.
Thượng tướng Nguyễn Chơn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (bên phải) và Đại tá Quách Tư Hấp - Nguyên tỉnh đội trưởng Quảng Nam xem kỷ niệm thời chiến năm 1973 khi ông cùng đồng chí Chu Huy Mân đang kiểm tra khẩu đội pháo 105 đánh chiếm đồi Trái tim, tỉnh Bình Định. 

Ông đã có cơ duyên là Tỉnh đội trưởng, kiêm trung đoàn trưởng “đầu tiên” khi Quảng Nam thành lập các lực lượng bộ đội chủ lực trong kháng chiến chống Mỹ, là người từng chỉ huy và sau là thuộc cấp của Thượng tướng Nguyễn Chơn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 2 anh hùng, ghi nhiều dấu ấn ở chiến trường Quảng Nam, khu 5 nói chung và Tiên Phước nói riêng.

Với Chiến dịch Vượt sông Tranh, tuy không phải là người chỉ huy trực tiếp ở cánh quân nào, nhưng với cương vị kể trên Quách Tử Hấp nắm khá rõ từ việc bố trí lực lượng đến diễn biến chiến dịch, mà sau được đối chứng khá kỹ tư liệu cùng Đại tá Trần Kim Anh, nguyên Tỉnh đội trưởng Quảng Nam, người tham chiến trong cánh quân chủ yếu vào Lãnh - Ngọc của Tiên Phước.

Đặc biệt, vào dịp 30.10.2011, nhân 50 năm kỷ niệm Chiến dịch Vượt sông Tranh, Đại tá Quách Tử Hấp trở lại dự lễ ở Tiên Phước. Nơi đây, ông gặp lại cô Ba Sừng, người chỉ huy các cô gái lái đò sông Tranh năm xưa. Thật xúc động khi vừa gặp mặt, xa cách bao năm mà cô Ba còn nhận ngay ra ông, kêu lên thật rõ “Anh Tấn!” (bí danh của Quách Tử Hấp khi trở lại miền Nam). 

Tại buổi lễ kỷ niệm, Đại tá Quách Tử Hấp đã kể những kỷ niệm ấn tượng về các cô gái lái đò, về câu chuyện người dân vắt hàng trăm nắm cơm cho bộ đội, có người úy lạo hàng tạ gạo nuôi quân. Đại tá Quách Tử Hấp đã khẳng định một cách sâu sắc rằng: “Lòng dân thật vô hạn. Công ơn của dân với cách mạng thật vô cùng. Tôi có hẹn với bà con Tiên Phước là 55 năm kỷ niệm chiến dịch Vượt sông Tranh sẽ trở về. Mà có về được không, lúc đó tôi đã ở tuổi 92, biết còn sống không?”.

Như lời tiên tri, chỉ một năm sau, ngày 9.4.2012, Đại tá Quách Tử Hấp đã ra đi vào cõi vô cùng, và mới đây Đại tá Trần Kim Anh cũng về miền mây trắng. Rất tiếc giờ đây vừa tròn 60 năm sự kiện Chiến dịch Vượt Sông Tranh vắng mặt các nhân chứng “tầm vóc” của câu chuyện một thuở hào hùng.

“Không có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử…”

Lịch sử kháng chiến của đất này có đoạn chảy qua sông Tranh, sông Tiên…

Lịch sử đã chảy qua những đời người để hòa vào dòng sông lớn của quê hương, đất nước và dân tộc.

 

Nguyễn Điện Nam - Báo Quảng Nam