Kết nối sản phẩm miền núi với thị trường
Ngày hội quảng bá đặc sản miền núi Quảng Nam 2023 được xem là cơ hội để các nhà cung cấp, cơ sở sản xuất đến từ các huyện vùng cao trong tỉnh gặp gỡ đối tác, tìm hiểu thị trường, kết nối khách hàng, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm khu vực này.
Hai ngày qua bà Tô Thị Mai Lý - chủ Cơ sở sản xuất trà túi lọc nấm Linh Chi (thị trấn Prao, Đông Giang) tất bật chuẩn bị hàng hóa để mang sang Tiên Phước tham dự Ngày hội quảng bá đặc sản miền núi của tỉnh.
“Sản phẩm của cơ sở chúng tôi là dược liệu nên tương đối kén khách hàng vì liên quan đến sức khỏe. Việc tham dự hội chợ sẽ là cơ hội tốt để tôi thăm dò, tìm hiểu thị trường, hy vọng chuyến đi này sẽ thành công” - bà Lý chia sẻ.
Diễn ra từ ngày 29/9 - 1/10 tại huyện Tiên Phước, Ngày hội quảng bá đặc sản miền núi Quảng Nam 2023 dự kiến thu hút 80 gian hàng của hơn 30 doanh nghiệp, cơ sở làng nghề, chủ thể OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp... đến từ các địa phương Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My… Hầu hết sản phẩm tham gia ngày hội được chế biến từ các loại nông lâm thủy sản, thực phẩm, dược liệu…
Theo ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương, sự kiện không chỉ là dịp để các doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP… giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình mà cũng là cơ hội để các địa phương miền núi giới thiệu những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội đến với người dân và du khách. Qua đó, góp phần thúc đẩy hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh.
Thời gian qua, các địa phương miền núi cũng đã chủ động quy hoạch, định hướng, đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương mình, kể cả tăng cường bảo hộ sản phẩm bằng cách dán mác “chỉ dẫn địa lý”.
Đồng thời tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, kể cả lồng ghép vào trong các hoạt động lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc phát huy những giá trị, lợi thế sản phẩm miền núi đến với thị trường, khách hàng vẫn chưa như kỳ vọng. Do đó, việc tổ chức Ngày hội quảng bá đặc sản miền núi Quảng Nam là cần thiết, bởi đây là cơ hội để các địa phương giới thiệu đến du khách những sản phẩm truyền thống, đặc trưng nhất của mình.
Đồng thời giúp các chủ thể, doanh nghiệp, người dân có điều kiện giao lưu, nâng cao hiểu biết trong công tác xúc tiến, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường thu hút đầu tư để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
“Mặc dù nhiều sản phẩm miền núi Quảng Nam rất có giá trị kinh tế do khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp, nhưng do địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, việc canh tác vẫn dựa trên phương thức tự cung, tự cấp là chủ yếu, hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giao thương hàng hóa bị hạn chế.
Vì vậy, việc tổ chức ngày hội sẽ hướng đến nhiều mục tiêu, từ giới thiệu, trưng bày sản phẩm đặc trưng đến tăng cường liên kết, thúc đẩy kết nối thị trường… để những sản phẩm miền núi tiếp cận đối tác, khách hàng hiệu quả” - ông Minh phân tích.
Vĩnh Lộc - Báo Quảng Nam