www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Huỳnh Thúc Kháng qua tư liệu mộc bản

Trong dòng chảy chung của lịch sử dân tộc, từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) là người tiêu biểu cho nhân cách trí thức và tinh thần yêu nước, ý thức dấn thân hành động vì độc lập, tự do của dân tộc. Cả cuộc đời của cụ Huỳnh Thúc Kháng gắn liền với những biến động của thời cuộc; cụ vừa là nhân vật lịch sử nổi tiếng, vừa là chứng nhân trước các biến thiên xã hội qua suốt nửa đầu thế kỷ 20.

Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) còn lưu trữ nhiều tài liệu mộc bản và các tài liệu khác bằng chữ Hán và tiếng Pháp liên quan đến hoạt động của cụ. Đặc biệt, trong đó có một số bản viết tay của Huỳnh Thúc Kháng trong thời gian cụ hoạt động tại Viện Dân biểu Trung kỳ. Các tài liệu này thuộc khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn và phông Tòa Khâm sứ Trung kỳ. Đây sẽ là căn cứ chính xác để độc giả nói chung và các nhà nghiên cứu nói riêng có cơ hội tìm hiểu thêm về những hoạt động tiêu biểu của Huỳnh Thúc Kháng giai đoạn trước năm 1945.

Tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn

Bản dập Mộc bản Triều Nguyễn về Khoa thi Hương năm Canh Tý (1900) tại trường thi Thừa Thiên (Hồ sơ H62/7, Quốc triều Hương khoa lục, quyển 5, mặt khắc 27, Mộc bản Triều Nguyễn) ghi rõ: khoa thi Hương tại trường thi Thừa Thiên có 42 người đỗ. Thông tin về Huỳnh Thúc Kháng được ghi như sau: quê quán: làng Thạnh Bình, Hà Đông, Quảng Nam; đỗ cử nhân năm 25 tuổi; đỗ đầu Khoa thi Hội; đỗ Tam giáp khoa thi năm Giáp Thìn (1904).

Công văn lưu đày Huỳnh Thúc Kháng ra Côn Đảo (ngày 11.1.1921, hồ sơ 74 phông Tòa Khâm sứ Trung kỳ):

Do tham gia lãnh đạo phong trào Duy tân, Huỳnh Thúc Kháng bị đày ra Côn Đảo theo nghị định ngày 31.8.1908 của Toàn quyền Đông Dương. Công văn dưới đây nói rõ thời hạn lưu đày của Huỳnh Thúc Kháng là đến năm 1924, nhưng được giảm án 3 năm nên ra tù vào năm 1921.

Công văn ngày 11.1.1921
Công văn ngày 11.1.1921

Một số văn bản trong các hồ sơ về việc bầu cử, về tổ chức và hoạt động của Viện dân biểu Trung Kỳ (hồ sơ 1398, 1400, 1401 phông Tòa Khâm sứ Trung Kỳ):

Huỳnh Thúc Kháng hoạt động trong Viện Dân biểu Trung kỳ từ tháng 7.1926 đến tháng 2.1928. Hồ sơ lưu trữ có nhiều công văn trao đổi giữa Huỳnh Thúc Kháng trong thời gian là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ với Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung Kỳ. Nội dung các công văn xoay quanh việc tổ chức của Viện Dân biểu, việc trả lời các thắc mắc mà đại biểu các tỉnh gửi đến Viện.

Một số bản viết tay của Huỳnh Thúc Kháng
Một số bản viết tay của Huỳnh Thúc Kháng

Khi nhận ra Viện Dân biểu Trung kỳ thực chất chỉ là một cơ quan dân chủ giả hiệu, Huỳnh Thúc Kháng đã làm đơn từ chức vào ngày 2.10.1928. Và trong cùng ngày, Khâm sứ Trung Kỳ ra nghị định đồng ý cho Huỳnh Thúc Kháng từ chức.

Công văn về việc Huỳnh Thúc Kháng cùng 3 nghị viên khác xin từ chức
Công văn về việc Huỳnh Thúc Kháng cùng 3 nghị viên khác xin từ chức

Ngày 3.10.1928 các đồng chí khác của Huỳnh Thúc Kháng là Hoàng Đức Trạch, Lê Văn Huấn, Lương Quí Di cũng làm đơn từ chức. Trong đơn từ chức của ông Lê Văn Huấn gửi Khâm sứ Trung Kỳ có ghi: “Tôi nhận trách nhiệm của nhân dân giao cho mà ra đương chức trách đại biểu này, thực vẫn chan chứa tấm lòng muốn hợp tác cùng chính phủ. Nhưng cứ bài diễn văn của quan lớn đáp bài diễn văn của ông Nghị trưởng đó thì quan lớn vẫn nghi có một phe đảng cùng ông Huỳnh Thúc Kháng chỉ cố ý nhân địa vị mình mà ra mặt phản đối chính phủ….

Hồ sơ về việc xuất bản báo Tiếng Dân (hồ sơ 5910, phông Tòa Khâm sứ Trung kỳ)

Trong thời gian hoạt động tại Viện Dân biểu Trung kỳ, Huỳnh Thúc Kháng đã xin xuất bản tờ báo Tiếng Dân do chính ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Là một trong những tờ báo đầu tiên xuất bản ở Trung kỳ, báo Tiếng Dân đã trở thành cơ quan ngôn luận có uy tín và được Huỳnh Thúc Kháng cùng các đồng chí của mình sử dụng làm diễn đàn đòi các quyền tự do, dân chủ, chống lại các chính sách kinh tế, xã hội của chế độ thực dân.

Thư của Huỳnh Thúc Kháng gửi Khâm sứ Trung kỳ về việc xin xuất bản báo Tiếng Dân
Thư của Huỳnh Thúc Kháng gửi Khâm sứ Trung kỳ về việc xin xuất bản báo Tiếng Dân

Ngày 6.11.1926 Toàn quyền Đông Dương gửi công văn cho Khâm sứ Trung kỳ với nội dung: đồng ý với yêu cầu của Huỳnh Thúc Kháng về việc xin xuất bản một tờ báo tại Trung kỳ. Báo Tiếng Dân chính thức được khai sinh theo nghị định ngày 12.2.1927 của Toàn quyền Đông Dương. Sau 16 năm hoạt động, đến năm 1943 tờ báo bị đình bản sau những mâu thuẫn gay gắt do chủ bút không chịu để tờ báo khuất phục những mưu đồ của nhà cầm quyền.

Các văn bản trên đây một lần nữa khẳng định những phẩm chất cao đẹp của nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng. Tài cao, đức rộng, yêu nước, thương dân, không ham danh vị, giàu sang… Cả cuộc đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu lo cho dân, cho nước được độc lập, tự do. Cụ Huỳnh trở thành một tấm gương về đạo đức, một nhân cách sáng ngời trong lòng người dân Việt Nam.

Với việc giới thiệu các tài liệu này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu cho các nhà nghiên cứu nói riêng và bạn đọc nói chung khi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của người chí sĩ yêu nước tiêu biểu Huỳnh Thúc Kháng.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV là một trong bốn Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, nằm trên khuôn viên của biệt điện Trần Lệ Xuân cũ, nơi đây được biết đến là một điểm đến thú vị đối với du khách khu đến Đà Lạt.

Trung tâm hiện đang bảo quản nhiều tài liệu quý hiếm từ thời phong kiến đến thời kỳ Pháp thuộc trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên. Tiêu biểu phải kể đến là khối Mộc bản Triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới; tài liệu thời Pháp thuộc xứ Trung kỳ; tài liệu của chính quyền thân Pháp có trụ sở trên địa bàn Trung Việt, cao nguyên Trung phần từ 1946 - 1954; tài liệu cơ quan, tổ chức của chế độ Việt Nam cộng hòa tại các tỉnh trung nguyên Trung phần (từ tỉnh Quảng Trị đến Bình Thuận) và các tỉnh cao nguyên Trung phần từ 1954 – 1975...

                                               Nguyễn Thị Việt - Báo Quảng Nam