www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Huỳnh Thúc Kháng - nhà nghiên cứu sử thực thụ

Huỳnh Thúc Kháng là một người hết sức đa tài. Ông không chỉ là nhà Nho, nhà cách mạng, nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học mà còn là nhà nghiên cứu lịch sử.

 

Sách sử của Huỳnh Thúc Kháng.
Sách sử của Huỳnh Thúc Kháng. 

Những tác phẩm lịch sử

Ngoài sự nghiệp đồ sộ về thi văn, Huỳnh Thúc Kháng còn để lại nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử. Tác phẩm Mậu Thân dân biến ký, được ông khởi thảo ở Côn Đảo, có lẽ được viết trong thời kỳ mới ra đảo (1908 - 1911, theo chủ trương chung là để minh oan, như tác phẩm Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký của Phan Châu Trinh). Năm 1921, khi mãn hạn tù, sách không được mang về nên phải ném xuống biển. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945) ông viết lại với tên Trung Kỳ cự sưu ký. Sau đó tự dịch ra chữ Quốc ngữ. Sách lần đầu được NXB Ích Trí ở Huế in năm 1946.

Khoảng năm 1926 - 1927, ngay sau khi Phan Châu Trinh qua đời, cụ Huỳnh viết tác phẩm Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử. Bà Phan Thị Châu Liên, con gái lớn của Phan Châu Trinh cho biết trong một chuyến đi Huế, Huỳnh Thúc Kháng đã ghé Đà Nẵng và giao cho vợ chồng bà tập bản thảo, bảo phải giữ để sau này có dịp thì xuất bản. Sách được in chung với tập Giai nhân kỳ ngộ của Phan Châu Trinh (Lê Văn Siêu bình giải và chú thích), được NXB Hướng Dương Sài Gòn in năm 1958, NXB Anh Minh in năm 1959. Viết tiểu sử của Phan Châu Trinh không ai xứng đáng hơn ông vì là “đồng hương, đồng môn, đồng khoa, đồng chí” của Phan Châu Trinh. Trong tác phẩm này cụ Huỳnh đưa ra một đánh giá vô cùng đặc biệt: “Phan Châu Trinh là nhà cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam”.

Thai Xuyên Trần Quý Cáp tiên sinh tiểu truyện, ông viết năm 1938, khi tộc Trần ở làng Bất Nhị và nhân dân Điện Bàn dựng bia cho Trần Quý Cáp. Bài viết được khắc lên bia dựng trước mộ Trần Quý Cáp. Tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ hàm súc, ngắn gọn nhưng phong phú thông tin, dù đang dưới chế độ thực dân đã nói đầy đủ về tư tưởng, hành trạng và nhân cách của Trần Quý Cáp.

Tác phẩm Huỳnh Thúc Kháng niên phổ, ông viết năm 1941 ở Huế, được NXB Anh Minh xuất bản năm 1963. Năm 2000, NXB VHTT xuất bản lại có kết hợp với Bức thư bí mật trả lời Kỳ Ngoại hầu Cường Để. Trong lời bạt tác giả viết: “Nếu có, thế là trong buổi quá độ, tôi chính là dấu ngựa đi qua, sợi tơ nhện giăng trước, tiểu sử của tôi há không giúp được chút tài liệu khảo cổ chăng” (sđd, trang 6).

Thi tù tùng thoại là cuốn “sử tù” cũng được xem là cuốn sách về văn học, cũng có thể là cuốn sách lịch sử về nhà tù Côn Đảo. Sách được tác giả viết trong suốt 13 năm học ở “trường học thiên nhiên” Côn Đảo. Năm 1921, ông phải bỏ lại. Sau này về Huế ông nhớ và viết lại. Sách được viết bằng chữ Hán sau đó được tác giả dịch ra Quốc ngữ. Dịch xong Huỳnh Thúc Kháng có đưa cho Phan Bội Châu đọc và cụ cho là năm 73 tuổi cụ mới đọc và “đọc xong muốn khóc, mà giọt nước mắt đã khô tự bao giờ”. Như vậy tác giả dịch xong vào năm 1940. Sách được NXB Nam Cường in năm 1951, sau đó năm 1957 NXB Tân Việt tái bản.

Tác phẩm Nguyễn Lộ Trạch, một bậc tiên thời, nhân vật đồng thời với Nguyễn Trường Tộ, ít ai biết. Sách viết năm nào không rõ nhưng được NXB Anh Minh ở Huế xuất bản năm 1966, nói về cuộc đời và đường lối duy tân của Nguyễn Lộ Trạch, một nhà Nho chủ trương canh tân có nhiều ảnh hưởng đến phong trào Duy tân Quảng Nam.

Ngoài những tác phẩm vừa kể, trên báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng có viết nhiều bài nghiên cứu lịch sử đề cập nhiều nhân vật, sự kiện lịch sử thời cận đại. Nổi bật nhất là bài viết về Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa được đăng liên tiếp trên các số từ 1280 - 1284 tháng 7.1938. Để khẳng định chủ quyền nước ta trên quần đảo Hoàng Sa, Huỳnh Thúc Kháng đã liệt kê các nguồn tài liệu rất phong phú như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Đại Nam nhất thống chí cả bản trước và bản của Cao Xuân Dục soạn lại, Triều chính yếu thực lục của hai triều Gia Long, Minh Mạng, Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú hoặc Cống hạ ký văn của Dương Quốc Dung, Mán hình thi thoại và Đông hành thi thuyết của Lý Văn Thức, Biển sử cương giám của Nguyễn Thông... Bài Cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916, không rõ viết năm nào, sau này được in trong Huỳnh Thúc Kháng - Con người và thơ văn (Nguyễn Q. Thắng, NXB Văn học, 2006).

Cống hiến trên nhiều lĩnh vực

Trong tác phẩm Phong trào Duy tân (NXB Đà Nẵng, 1995), Nguyễn Văn Xuân đã viết: “Huỳnh Thúc Kháng thực sự là sử gia của Phong trào Duy tân” (trang 9).

Thực vậy, đối với phong trào Duy tân không những ông là “người làm chứng tin cậy” mà còn là “người tường thuật tài năng”. Ông là một trong những lãnh tụ, hoạt động tích cực nhất của phong trào, là bạn, đồng chí của các lãnh tụ đương thời thuộc cả hai xu hướng dân tộc (ám xã) và dân chủ (minh xã), như: Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thành, Trần Quý Cáp... Chẳng những thế, trong 13 năm ở Côn Đảo (1908 - 1921) ông đã có dịp sống chung, luận bàn, xướng họa thơ văn với hầu hết bạn tù, chí sĩ cả nước từ Nghệ Tĩnh (vốn phần lớn thuộc phe ám xã) đến Nam Ngãi (vốn phần lớn thuộc phái minh xã)… Ông lại là người “ưa thích”, “có khả năng” và “có điều kiện” để tường thuật lại các biến cố, các sự kiện. Ông là “đại khoa Tiến sĩ Nho học”, đam mê đọc sách nghiên cứu, đọc nhiều, nhớ lâu, còn thông thạo cả chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp lại có 16 năm làm báo. Đây là ưu thế vượt trội so với người cùng thời.  Bên cạnh đó Huỳnh Thúc Kháng còn là người luôn đau đáu chuyện “ghi lại những tài liệu chân xác cho nhà làm sử”.

Đọc lại toàn bộ các nghiên cứu về lịch sử của ông, phải thừa nhận ông là người có đủ các “tố chất” của một nhà nghiên cứu sử. Đó là tinh thần yêu chuộng sự thật, kiến thức sâu rộng, có khả năng sưu tầm, khảo chứng, giải thích, so sánh để nắm đúng bản chất của các sự kiện và khả năng lý giải, trình bày các sự kiện lịch sử một cách có hệ thống.

Nguyễn Văn Xuân chỉ gọi ông là “sử gia” của phong trào Duy tân là vì ông Xuân đang viết sách về… phong trào Duy tân (điều này hoàn toàn logic). Ngày nay đọc lại những nghiên cứu về lịch sử của Huỳnh Thúc Kháng, có thể thấy nó không chỉ bó hẹp trong phạm vi phong trào Duy tân mà còn nhiều sự kiện lịch sử khác như cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, vấn đề chủ quyền nước ta trên quần đảo Hoàng Sa… Toàn bộ những công trình đa dạng này cùng với phương pháp luận sử học đúng đắn của ông, có thể khẳng định Huỳnh Thúc Kháng là một “sử gia” đúng nghĩa.

Nhận định về nhà nghiên cứu sử họ Huỳnh, TS.Nguyễn Văn Hưng cho rằng: “Tuy còn sơ lược nhưng từ những tác phẩm nghiên cứu sử đã toát lên những cống hiến của Huỳnh Thúc Kháng trên nhiều lĩnh vực của sử học như cung cấp nguồn tư liệu chính xác, khôi phục chân thực bức tranh lịch sử dân tộc thời cận đại, về phương pháp nghiên cứu lịch sử như quan niệm về đối tượng, chức năng, nhiệm vụ của sử học, tính khách quan của khoa học lịch sử, mối quan hệ giữa bản chất và hiện tượng lịch sử” (Kỷ yếu Hội thảo 100 năm cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội, 1916 - 2016, trang 804).

Lê Thí - Báo Quảng Nam