www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Hiệu quả từ cải tạo vườn tạp

 Nhận thấy tiềm năng của địa phương có thể phát triển kinh tế vườn, trang trại, huyện Tiên Phước đã triển khai chính sách hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng này, bước đầu mang lại hiệu quả.

         Theo bà Nguyễn Thị Sáu - Phó phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, với địa hình đồi núi, người dân địa phương lâu nay chủ yếu sống dựa vào kinh tế vườn, trang trại là chủ yếu. Tuy nhiên, hướng kinh tế này vẫn chưa phát triển có quy mô mà chủ yếu là manh mún, nhỏ lẻ. Các loại cây được trồng không đúng theo quy chuẩn nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Vì vậy, việc cải tạo, chỉnh trang vườn tạp để phát triển có quy hoạch là hết sức cần thiết. Để thực hiện điều đó, năm 2012, HĐND huyện đã ban hành nghị quyết về hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn.

         Theo đó, người dân được hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật để cải tạo vườn, trang trại theo quy chuẩn, hàng tháng sẽ có người hướng dẫn trực tiếp. “Những loại cây được chọn để trồng chủ yếu là những loại phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương như tiêu, bưởi, thanh trà, lòn bon, măng cụt, dó trầm, quế… Sau khi đã hoàn thành, Phòng NN&PTNT huyện tiến hành kiểm tra, nếu đạt chuẩn thì tiến hành hỗ trợ. Ví dụ như mỗi choái tiêu trồng đúng kỹ thuật thì người dân sẽ được hỗ trợ 20 nghìn đồng. Nếu hộ nào trồng trên 100 choái đạt chuẩn thì lập tức được hỗ trợ 10 triệu đồng để tiếp tục phát triển…” - ông Tống Phước Thuần - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết.

          Nhờ chính sách hỗ trợ này, kinh tế vườn của huyện Tiên Phước thời gian qua đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Toàn huyện đã trồng mới được 3.528 choái tiêu, 3.720 cây thanh trà, 250 cây măng cụt, 8ha lòn bon với quy mô 0,5ha/hộ. Ngoài ra, còn có trên 15ha trồng các loại dó, chuối, cau, quế… Qua đó, người dân có điều kiện để cải thiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, theo ông Thuần, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc phát triển kinh tế vườn, trang trại tại địa phương là đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng. Hiện hệ thống thủy lợi của huyện mới chủ động tưới được 28% đất lúa và 1% đất màu.

          Toàn huyện có 129 công trình thủy lợi nhỏ (gồm 8 hồ chứa, 119 công trình đập dâng nhỏ, 2 trạm bơm điện); 300 đập bổi chưa được kiên cố, 85km kênh mương loại III, trong đó đã bê tông hóa được 19,5km (22%) còn lại là kênh đất. Nguồn cấp nước tưới của các đập dâng và hồ chứa là các sông suối nhỏ nên vào mùa nắng thường bị thiếu hụt nguồn nước.

           Nước tưới cho vườn và trang trại chủ yếu là loại hình giếng đào trữ, lượng nước ít chỉ đủ phục vụ sinh hoạt gia đình và tưới một số cây trồng tại vườn nhà với diện tích nhỏ. “Thêm vào đó, do cách bố trí các loại cây trồng của người dân trước đây thường đan xen, mật độ dày, không hợp lý gây nên tình trạng thiếu nước tưới về mùa hè, mùa đông lại bị mạch nước ngầm dâng cao nên thừa ẩm, dễ phát sinh vi khuẩn, nấm bệnh gây hại  cây trồng... Vì vậy việc xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế vườn, trang trại ở địa phương cần phải được quan tâm, ưu tiên đầu tư trong thời gian tới” - bà Sáu nói.

                                              Nguyễn Dương - Báo Quảng Nam