Hành trình 40 năm cho một địa chỉ đỏ
70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949 - 4/4/2019).
Tôi bật khóc vì sung sướng khi nhận được tin Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ký Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia và hoàn thành khắc, dựng bia tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, xã Tân Thái huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên. Lễ kỷ niệm sự kiện này sẽ được tổ chức trọng thể vào sáng 4/4/2019. Vậy là đã 40 năm kể từ ngày tôi biết sự kiện này…
Những mảnh ghép lịch sử
Cuối năm 1979, tôi là phóng viên TTXVN. Có lần đi làm việc tại Trường Sĩ quan Chính trị đóng tại thị xã Bắc Ninh, lúc về, tôi được đi nhờ xe con của Hiệu phó nhà trường là đại tá Mạc Ninh. Trên xe có nhà báo Chính Yên (Nguyễn Trung Chính) của báo Nhân Dân - anh lên để viết bài về sĩ quan trẻ thời kỳ mới.
Từ Bắc Ninh về phố Lý Nam Đế, Hà Nội, khi biết tôi là người Thái Nguyên, anh Chính Yên tỏ ra thân thiện, sôi nổi. Anh nói anh được học lớp đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cùng với Trường thiếu sinh quân đóng trong khu rừng rậm rạp thuộc địa phận xóm Bờ Rạ, Gốc Mít xã Tân Thái, huyện Đại Từ.
Anh kể đến được nơi đó anh phải trèo đèo lội suối mất dăm ngày đường, từ Phúc Yên, Vĩnh Yên, vượt Đèo Nhe gian nan vất vả lắm, nhưng chỉ mấy tháng mà học được rất nhiều, đặc biệt được các lãnh đạo cao cấp như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Tố Hữu… giảng dạy và từ lớp học ấy anh quyết định dấn thân vào con đường làm báo cách mạng.
Những năm 90 của thế kỷ trước có nhiều đoàn cán bộ các cơ quan, ban ngành Trung ương tìm lại nơi ra đời hay từng đóng quân để lập hồ sơ và ghi dấu di tích, kết hợp tri ân địa phương, cơ sở, lớp người đi trước… Âu đó cũng là lẽ thường, vì đằng đẵng mấy chục năm trời thắng Pháp rồi còn lo đi đuổi Mỹ, lúc ấy mới có điều kiện tri ân lịch sử. Làm phóng viên báo Đảng địa phương, chúng tôi hay được nhập vào các đoàn về nguồn, đơn giản vì trách nhiệm và quen thung thổ…
Bước sang thế kỷ XXI thì tất cả các địa điểm liên quan đến báo chí, phát thanh, văn hóa, văn nghệ, điện ảnh… ở An toàn khu (ATK) Thái Nguyên đều làm xong, duy chỉ có một địa chỉ Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949 vẫn còn mơ hồ trong hoài niệm…
Ban Giám hiệu Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Đau đáu về địa chỉ đỏ
Khi còn công tác ở báo Bắc Thái chúng tôi có 3 lần được tiếp các học viên về nguồn, lần đầu trên 20 người, các lần sau ít hơn. Nhiều người trong đoàn do có tên tuổi trong làng báo chí, văn hóa, văn nghệ mà anh em báo Đảng địa phương chúng tôi biết: Bành Bảo, Nguyễn Bình, Trần Vũ, Hữu Mai, Hải Như, Hoàng Kiên Trung, Mai Thanh Hải, Lý Thị Trung, Hải Như… Khi đi thăm lại địa điểm xưa, hỏi xóm Bờ Rạ không ai tỏ, vì 11 xóm của Tân Thái không có tên. Ai cũng cho rằng xóm đã nằm dưới lòng hồ do nước dâng từ năm 1973…
Biết tôi quan tâm, một người cháu gửi tặng cuốn “Đường tới Bờ Rạ” của tác giả Andrew Hardy do Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp xuất bản năm 2008. Đọc xong cuốn sách dày 122 trang, hành trình đi tìm về Bờ Rạ là những cuộc di dân thời Pháp lên làm đồn điền và các cuộc di dân làm hồ Núi Cốc những năm 1970.
Dù vậy thì cái tên Bờ Rạ, Gốc Mít đã gây sự chú ý, có một phần từ chính các học viên lớp viết báo duy nhất trong kháng chiến chống Pháp này để lại qua các trang viết và câu chuyện kể… Bằng tìm hiểu, cái kết cuối cùng của Andrew Hardy là xóm Bờ Rạ có thật nhưng phần có dân, cạnh sông Công nằm dưới lòng hồ, nước đã dâng, dân đi hết, không còn tên xóm; phần đồi núi cao là rừng, núi, dân xóm Gốc Mít nhận khoán trồng rừng, làm rẫy.
Từ năm 2000, số học viên Trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng còn sống và trở lại cũng thưa dần. Rồi công việc bộn bề… Tôi chuyển hướng viết các bài báo, làm phóng sự với VTV1 “Ký ức Bờ Rạ” để có thêm tư liệu và sự ủng hộ. Thời gian nghiệt ngã, đến lúc này chỉ còn 4 học viên trên dương thế. Bà Lý Thị Trung lần nữa thể hiện ước nguyện có một tấm bia lưu danh sự kiện tại Tân Thái… Tôi thảng thốt về sự chậm chạp của hậu thế này. May thay, năm 2019 - kỷ niệm 70 năm ngày trường ra đời, mọi việc được khởi động lại trôi chảy.
Ngôi trường Bác Hồ đặt tên
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là do Bác Hồ đặt tên. Cụ Huỳnh sinh cuối năm 1876 ở làng Thanh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Cụ đỗ đạt cao, không chịu làm quan cho Pháp, phải đi đầy Côn Đảo 13 năm… Ra tù, con đường quan lộ của Cụ thật thênh thang nhưng cụ chối bỏ và năm 1927 làm chủ bút tờ “Tiếng Dân”. Hầu hết các bài xã luận trên tờ báo này kích thích lòng yêu nước của độc giả đều do Cụ viết. Báo chí lúc ấy bị thực dân Pháp kiểm duyệt chặt chẽ, có bài báo Cụ bị yêu cầu sửa theo ý người kiểm duyệt, Cụ khẳng khái: “Hoặc là cho đăng nguyên văn, hoặc là bỏ, một chữ cũng không sửa”… Bản lĩnh chủ bút ấy của cụ Huỳnh đã làm nên tên tuổi Cụ. Trong cuộc đời làm báo của mình, cụ Huỳnh xác định: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói…
… Hồn nước từ đây trời mở cửa
Đố ai ngăn đặng ngọn xuân trào”
Hai câu thơ trên được bung ra từ ngòi bút của Cụ khi Cách mạng tháng Tám thành công. Cụ là chí sĩ yêu nước nổi tiếng, một nhà báo can trường và nhân ái. “Cụ không muốn danh vị, không cần lợi lộc, không tham làm giàu, không tham làm quan. Cả đời cụ chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập” (lời Hồ Chủ tịch). Năm tròn 70 tuổi, Cụ được Bác Hồ mời tham gia chính phủ Liên hiệp, giữ chức Bộ trưởng Nội Vụ và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô và là Chủ tịch Hội Liên Việt.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng có lớp đầu tiên và duy nhất, sau do điều kiện khó khăn không mở tiếp. Tuy ngắn hạn, không đông học viên và số cán bộ giảng dạy là những nhà lãnh đạo kháng chiến kinh nghiệm và phong phú lý luận, thực tiễn, nhiều quy mô về nội dung…
Hạt nhân của báo chí cách mạng
Cùng với các ông Đỗ Đức Dục, Xuân Thủy, Như Phong, Đồ Phồn và Tú Mỡ, đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Tổng bộ Việt Minh đọc diễn văn tại lễ khai trường 4.4.1949: “Lớp mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng bởi ngoài các phẩm chất của người yêu nước, là đức tính căn bản của một ký giả” - Đồng chí Hoàng Quốc Việt khẳng định.
42 học viên học trong 3 tháng được đón 29 giảng viên: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyên Tuân, Quang Đạm… đại điện cho nhiều bộ môn mà người viết báo cần phải trau dồi. Thời gian đào tạo chỉ có 3 tháng, nhưng học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ của 3 phần: lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Lý thuyết có các bài như: Báo chí là gì? Điều kiện người viết báo. Chuyên môn có: phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, tiểu thuyết, thơ ca, tùy bút, nhạc, kịch, châm biếm, cách loan tin, viết tin, cấu tạo một tờ báo, tổ chức tòa soạn, phát hành, in báo.
Thực tế là đi làm tác phẩm và ra báo ở từng tổ. Các giảng viên đến nói ở lớp từng chuyên đề: xã luận (Trường Chinh), viết tin chiến sự trên báo chí như thế nào? (Võ Nguyên Giáp), lên trang (Trần Đình Thọ), v.v... Ngày 6.7.1949, tại đây, lớp học bế mạc. Bác Hồ gửi thư cho lớp. Bác biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí và nhấn mạnh: muốn viết báo thì cần: “1 - Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2 - Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3 - Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4 - Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ”…
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách học tập và truyền đạt sâu, kỹ và nghiêm túc. 42 học viên và 29 giảng viên là những hạt nhân của báo chí cách mạng Việt Nam luôn tỏa sáng và góp phần to lớn để có nền báo chí hôm nay.
Như chúng ta đều đã biết, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên là ATK tuyệt mật. Chính vì điều này, ngoài những học viên nhớ được, ít người biết đến, ngay cả các giảng viên thì được điều động đến giảng độc lập theo chủ đề. Từ 1975, việc đắp đập dâng nước của hồ Núi Cốc đã bắt đầu, 20 hộ dân xóm ven sông này chuyển đi, một dải đồi núi cao thành rừng do dân xóm Gốc Mít bảo vệ, canh tác, vị trí của trường còn đó và tên xóm Bờ Rạ là kỷ niệm đẹp của một thời.
Tấm bia Di tích lịch sử cấp Quốc gia nơi tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được dựng và là Di tích cấp quốc gia thứ 49 của ATK Thái Nguyên. Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng xã Tân Thái đã không còn là một chuyện sót lại của ATK Thái Nguyên. Còn với tôi, hành trình ấy đã ngót 40 năm!
Hữu Minh - Báo Đại Đoàn Kết