Ngày 27.10.1961, tại bờ tây sông Tranh, Đại đội H21 của tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đội công tác Tiên Lãnh tổ chức lễ xuất quân giải phóng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc. Được cơ sở cách mạng giúp đỡ, đơn vị vượt sông Tranh tấn công giải phóng xã Tiên Lãnh và Tiên Ngọc.
Tại hội thảo, 18 tham luận cùng các ý kiến gửi đến đã tập trung làm rõ vai trò, ý nghĩa của chiến dịch. Hội thảo còn có sự tham gia của 3 nhân chứng từng tham gia chiến dịch. Theo tư liệu, Tiên Lãnh và Tiên Ngọc nói riêng, Tiên Phước nói chung vốn là hậu cứ của phong trào cách mạng Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Dưới chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, nhân dân vẫn thủy chung, son sắt với Đảng, Bác Hồ.
Tiên Lãnh và Tiên Ngọc được giải phóng, trở thành căn cứ và thông tuyến hành lang quan trọng ở miền tây Quảng Nam, nối từ Hiên, Giằng, Phước Sơn, Hiệp Đức qua Tiên Phước, lên Trà My; thanh niên Lãnh - Ngọc hăng hái thoát ly tham gia cách mạng.
Để chống địch càn quét đánh phá lại, tỉnh Quảng Nam điều 2 đại đội vũ trang cùng đoàn công tác phát động quần chúng của tỉnh đang ở tây Quế Sơn vào chi viện. Ta tiến hành xây dựng chi bộ, chính quyền cách mạng, các đoàn thể; tổ chức cho nhân dân học tập đường lối, chính sách của Đảng và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1962, từ đây lực lượng ta tiếp tục vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà. Vùng căn cứ cách mạng của Khu 5, tỉnh Quảng Nam và huyện Tiên Phước ngày càng được mở rộng và giữ vững.
Chiến thắng Vượt sông Tranh giải phóng Tiên Lãnh và Tiên Ngọc là mốc son chói lọi của lịch sử huyện Tiên Phước, đồng thời là sự kiện tiêu biểu, “điểm sáng” của phong trào cách mạng của tỉnh và Khu 5. Chiến thắng này minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và kịp thời của Liên khu ủy 5, Khu ủy 5.
Cách mạng đã mở rộng căn cứ địa về bờ đông sông Tranh; góp phần phá thế bao vây của quân địch; tạo cửa ngõ, bàn đạp quan trọng để phát triển ra vùng trung du và tiến xuống đồng bằng trong những năm tiếp theo; nối liền hành lang, tạo thế liên hoàn, vững chắc cho vùng căn cứ cách mạng tây Quảng Nam, tây Quảng Ngãi và đông Kon Tum.
Mặc dù trước đó, cách mạng đã giải phóng thôn Tứ Mỹ nhưng tiếng vang không lớn bằng khi giải phóng Lãnh - Ngọc. Sự kiện vượt sông Tranh giải phóng 2 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc có ý nghĩa chính trị sâu sắc, trở thành ngọn cờ hiệu triệu nhân dân địa phương nổi dậy diệt ác phá kìm.
Chiến dịch để lại bài học về vận dụng phương châm “hai chân ba mũi giáp công”, vừa tiến công giải phóng địa bàn, giải phóng dân, xây dựng chính quyền cách mạng, phát động chiến tranh nhân dân, tổ chức đánh địch phản kích, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng; vừa xây dựng bàn đạp để tiếp tục phát triển tiến công địch mở rộng căn cứ. Đây là bài học kinh nghiệm lịch sử rất có giá trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn Khu 5.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam