www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Gương sáng của một công an viên

Ở thôn 5, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, có một ông chủ xưởng trầm thu nhận lao động là những thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật. Đó là anh Nguyễn Hảo, cũng là một công an viên.

15 năm trở thành chủ cơ sở sản xuất chế biến trầm hương là từng ấy năm anh Hảo âm thầm lặng lẽ cưu mang, giúp đỡ những thanh thiếu niên lầm đường lạc lối, trở thành những người có ích, biết nâng niu giá trị của cuộc sống và sức lao động.

Anh Hảo kể, chưa tròn tuổi 21, không chịu bó tay trước cảnh đói nghèo, anh đã đi theo một số người tìm trầm lặn lội trên núi rừng Trường Sơn. Mỗi chuyến “ngậm ngải tìm trầm” mất hàng tháng trời. Có chuyến trúng đậm những cục trầm “zách” (loại 1) to bằng bắp chuối bán chia nhau bạc triệu, song cũng có không ít chuyến phải quay về tay không. Cực khổ trăm bề, nhưng anh không hề nản chí, vẫn cần mẫn, chăm chỉ đi rừng tìm trầm để mong sao gia đình thoát được cảnh đói nghèo. Có được đồng tiền, anh chắt chiu, tiết kiệm cho đến khi có vợ, trong tay anh đã có được số vốn kha khá, anh quyết định không đi rừng nữa mà chuyển sang nghề chế biến trầm hương.

Với kinh nghiệm tìm trầm, cấy trầm, anh Hảo và vợ đi lùng mua mang về, thuê thợ đục đẽo, tạo thành những sản phẩm “trầm cảnh” với hình thù độc đáo, bán ra thị trường. Từ đó, cơ sở sản xuất chế biến trầm hương Hảo Tường do anh làm chủ ra đời. Sản phẩm đã xuất vào TP. Hồ Chí Minh, sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Singapore... doanh thu hàng năm lên tới hơn 2 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Hảo hướng dẫn cho các em xỉa trầm, ghép cảnh. Ảnh: T.T
Anh Nguyễn Hảo hướng dẫn cho các em xỉa trầm, ghép cảnh. 

Vừa sản xuất, kinh doanh trầm hương, anh Hảo vẫn hăng hái tham gia các công tác xã hội ở địa phương với tư cách là một công an viên của xã Tiên Mỹ. Anh tâm sự, là công an, anh rất trăn trở về việc trong nhiều năm qua ở địa phương còn nhiều thanh thiếu niên, do điều kiện hoàn cảnh khó khăn, hoặc đua đòi chơi bời lêu lổng đã bỏ học sớm, không có công ăn việc làm, dẫn tới có những hành vi vi phạm pháp luật; có những trường hợp chính quyền và cơ quan pháp luật phải xử lý rất nặng về hành vi phạm tội. Thường xuyên làm công tác tuyên truyền phòng chống vi phạm pháp luật, anh đề xuất với Ban Công an xã, UBND xã cho mình được tiếp nhận, quản lý số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật tại địa phương để dạy nghề, tạo công việc làm có thu nhập ổn định cho các em.

Trong giờ lao động, anh Hảo luôn có mặt chỉ vẽ cho từng em về cách xỉa trầm, ghép cảnh, làm hương... từ những thân cây dó bầu. Đặc biệt, anh rất quan tâm chuyện trò để hiểu rõ gia cảnh của từng em, thỉnh thoảng lại kể chuyện về cuộc đời đầy gian khổ và sự phấn đấu của bản thân mình; hoặc những tấm gương học sinh nghèo vượt khó... Từ đó, các em đã tỉnh ngộ, có được ý thức phấn đấu vươn lên, trở thành những đứa con hiếu thảo, có ích cho gia đình và xã hội.

Em Trương Kỳ Linh, 17 tuổi là một trong số những đối tượng như vậy, em kể: “Em đến làm cho chú Hảo được 5 năm rồi. Nghỉ học hồi lớp 9, hồi đó thích tụ tập đi chơi, cà phê và đánh game, sau được chú đến vận động đưa về học nghề, lo cho chỗ ăn chỗ ở, em theo học, nhưng được một thời gian em bỏ đi vào TP.Hồ Chí Minh, ra Đà Nẵng lang thang cùng bạn, chú vẫn tiếp tục động viên, bảo em về, có gì chú giúp đỡ, tạo điều kiện. Từ đó đến nay, em ở đây luôn với gia đình chú”. Không chỉ vận động, cảm hóa, tạo điều kiện cho những thanh thiếu niên hư, anh Hảo cũng đã mở rộng vòng tay tạo công ăn việc làm cho những người không có công ăn việc làm, những người tàn tật, câm điếc trên địa bàn.

Như anh Nguyễn Văn Hải - 35 tuổi cũng đã gắn bó với cơ sở anh Hảo 17 năm, từ một thanh niên bồng bột đến nay đã cứng tay nghề, còn dựng vợ cho anh, ổn định dần cuộc sống. Anh Hảo tâm sự rằng, “bí quyết” để giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên hư đòi hỏi phải có tấm lòng thương yêu, hiểu được các em nghĩ gì về cuộc sống xung quanh để sẻ chia, giúp đỡ các em từ bỏ được những thói hư, tật xấu, tiếp thu được cái hay, cái đẹp.

Việc đưa những thanh, thiếu niên trên địa bàn về nuôi dưỡng, giáo dục, cảm hóa, theo anh Hảo, đó cũng là trách nhiệm của một chiến sĩ công an học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm theo 6 điều dạy của Bác Hồ đối với lực lượng công an nhân dân. Nhận xét về anh, Đại tá Nguyễn Văn Cự - Trưởng Công an huyện Tiên Phước nói “Nghề trầm hương và cây trầm hương của anh đặc biệt hơn tất cả là ở chỗ nó đưa được nhiều thanh thiếu niên hư trở về nẻo thiện”.

                                                         Kim Thái - Báo Quảng Nam