www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Danh sĩ Quảng Nam và nghĩa khí Sài Gòn

Dựa vào hai tác phẩm quan trọng nhất mang tính hồi ký của Huỳnh Thúc Kháng là Thi tù tùng thoại và Huỳnh Thúc Kháng niên phổ, ta biết cả đời Huỳnh Thúc Kháng chỉ đến Sài Gòn có ba lần và một lần không thành. Cả ba lần đều để lại trong ông những cảm xúc và kỷ niệm đặc biệt!

Ba lần đến Sài Gòn

Phan Châu Trinh.
Phan Châu Trinh.

Trong Thi tù tùng thoại Huỳnh Thúc Kháng cho biết năm 1905, ông cùng Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp thực hiện chuyến Nam du. Nhưng khi đến Bình Thuận thì phải quay về vì Phan Châu Trinh bị bệnh và không có người dẫn đường. Lúc đó, dân miền Trung mà vào Sài Gòn coi như đã “xuất cảnh” sang nước khác!

Lần thứ nhất, khi ông bị bắt giải ra Côn Đảo vào khoảng tháng 8.1908. Lần này ông được giải từ bến tàu vô Khám Lớn, “chỉ nhìn Sài Gòn một thoáng trong nỗi ngậm ngùi” và chỉ để lại một “bài thơ” mà thôi. Ông viết: “Năm Ất Tỵ, tôi cùng cụ Tây Hồ và Thai Xuyên có cuộc Nam du, nhưng chỉ đến Phan Thiết thì trở lại chưa vào Nam Kỳ, lấy làm việc đáng tiếc, cùng hẹn ngày sau sẽ đi du lịch một lần khác, để bổ chỗ thiếu ấy. Nay vì cớ đi đày, đi ngang qua thành phố Sài Gòn, vừa lên bến tàu thì dẫn ngay vào Khám Lớn, đi ngang giữa thành phố chỉ liếc mắt xem qua một nhoáng, trong lòng sinh mối ngậm ngùi, có bài thi chép mối cảm xúc ấy” (Thi tù tùng thoại, Nxb Nam Cường, 1951, trang 33).

Lần thứ hai, khi được thả về vào năm 1921. Chuyến này ông  từ Côn Đảo về cùng 3 người bạn tù khác là Ngô Đức Kế (Hà Tĩnh), Đặng Nguyên Cẩn (Nghệ An) và Nguyễn Đình Quản (Quảng Ngãi). Đây là lần để lại nhiều cảm xúc trong ông do bất ngờ gặp người quen và  nhất là gặp được “nghĩa khí” Sài Gòn.

Lần thứ ba, đi thăm Phan Châu Trinh và dự đám tang Phan Châu Trinh. Trong  Huỳnh Thúc Kháng niên phổ ông viết: “Bảo Đại nguyên niên (Bính Dần - 1926). Tháng hai, được tin Tây Hồ bệnh nặng thúc giục tôi vào Nam, nhưng vì phải làm thủ tục căn cước, dần diên mấy ngày, khi đến Sài Gòn thì bệnh Tây Hồ đã trầm trọng, không ngồi dậy được, chỉ ngó nhau cười nhưng nhân khi nói chuyện mà có lời vĩnh quyết: “Hai ta được thấy nhau trên trần gian này một khoảnh ngắn ngủi cũng đủ rồi; can trường bình sinh đã soi dọi nhau, không cần bàn nhiều!”. Từ đêm ấy Tây Hồ qua đời”!

Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng.
Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng.

Đám tang Tây Hồ đồng nhân cử hành tại Nam Kỳ rất long trọng. Nam, Trung, Bắc ba kỳ đều có cử đại biểu đến dự, ngoài ra các nơi đều có làm lễ truy điệu, chẳng khác nào quốc tang. Sau đám tang tôi đi khắp lục tỉnh trải 20 ngày, Bạc Liêu, Mỹ Tho, Sóc Trăng, Rạch Giá đều có đi qua…”! (Huỳnh Thúc Kháng niên phổ, Nxb VHTT, 2000, trang 61).

Gặp nghĩa khí Sài Gòn!

Trong  ba lần đến Sài Gòn thì lần thứ ba mới là lần đầy cảm xúc vì đi gặp,  lại là gặp lần cuối “một tri âm, tri kỷ” đã xa nhau hơn 15 năm (chia tay nhau năm 1911 ở Côn Đảo). Giữa Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh lại có quá nhiều chữ đồng: đồng hương (cùng quê Hà Đông), đồng lứa (sinh trong thập niên 70 của thế kỷ 19), đồng môn (cùng học trường làng Đại Đồng, trường Đốc Thanh Chiêm), đồng khoa (cùng đỗ cử nhân khoa thi Hương năm Canh Tý - 1900), đồng chí (cùng là lãnh tụ của phong trào Duy tân, đồng cam cộng khổ với nhau), đồng tù (cùng là tử tù đày Côn Lôn)…

Nhà Nho thường giấu những cảm xúc yếu đuối nên lần này Huỳnh Thúc Kháng chỉ nêu những sự kiện, ít nói đến cảm xúc nhưng ai cũng biết ruột gan ông đang “bời bời”!

Lần thứ nhất “chỉ đi nhoáng qua, nhớ lại lịch sử một vùng đất” nên chỉ mới “cảm nhận Sài Gòn” mà thôi. Phải qua lần thứ hai mới có điều kiện để có “cảm  giác” Sài Gòn; hiểu thêm, cảm  nhận sâu hơn về đất và người Sài Gòn. Trong Thi tù tùng thoại ông có kể về “cảm giác Sài Gòn” và mấy kỷ niệm đặc biệt.

Ông viết: “Về đến Sài Gòn, ngụ phòng bốt nhứt đợi tàu, có dẫn đến sở chụp ảnh lại. Ở Sài Gòn 3 - 4 ngày, dạo thành phố chơi xem, không khác gì đi tới một xứ lạ, người đông như kiến, mà chả có ai là người quen biết…” (trang 251). Nhưng rồi cảm giác bơ vơ lạc lõng đó sớm biến mất vì hai sự kiện đặc biệt mà ông cho là “thiên hạnh”!

Ông kể: “Bỗng một đêm dạo lên bờ sông, tôi và cụ Tập Xuyên (Ngô Đức Kế - người viết), thì trước mắt thấy một người quen là ông Nguyễn Chí Tín - ông Nguyễn hai lần đày Côn Lôn mà về trước chúng tôi độ trên vài năm - ngó nhau cùng cười, không khác gì trong giấc chiêm bao… Nguyễn quân mới dắt lên khách sạn, cùng nhau uống trà và kể chuyện, mới biết ông hiện là rể cụ cử Lương Ôn Như (Lương Văn Can). Cụ Cử cư trú ở Nam Vang có hiệu buôn lớn, ông ta sang đó dinh thương, nay xuống Sài Gòn mua hàng…” (trang 251).

Nguyễn Chỉ Tín người Thanh Hóa, tham gia kháng thuế năm 1908, bị đày Côn Đảo. Đến năm 1913 được thả về. Năm 1915, sau vụ ném bom ở Hà Nội năm 1913 của Việt Nam Quang phục hội, bị bắt lại đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Năm 1917 lại được thả về. Lần này cụ Huỳnh được người bạn tù ngày xưa ở Côn Đảo sắm cho một cái áo “civil”và cái mũ để thay cho chiếc “áo tù” màu xanh đã bạc màu (các cụ cố giặt trắng cho xóa bớt màu tù) để dạo chơi ở Sài Gòn cho thoải mái. Cụ Huỳnh đã làm hai câu thơ để cảm ơn: “Phong trần hoan ngã nam quan sắc/ Hào hứng khuynh quân báu hải tôn”. (Dịch: Nam quan đổi tớ màu tù sẫm/ Bắc hải nghiêng ngươi chén rượu hà). Chuyện như đùa nhưng không kém chất bi hùng!

Lại nữa, cũng lần này ông gặp một “bà già ít có” (chữ của Huỳnh Thúc Kháng). Xin chép lại nguyên văn lời kể: “Ở Sài Gòn vài ngày, tôi vào một cái tiệm may đặt may cái áo, thấy chủ tiệm là một bà lão trên 70 tuổi còn bọn thợ may là thiếu niên có 4 - 5 người đều là người ở Nam Nghĩa (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Nghe tôi nói tiếng Quảng Nam, cứ theo hỏi thăm. Tôi nói thực là ở Côn Lôn mới về. Chúng càng tỏ ân cần hỏi cho được tên họ. Tôi thấy lòng thật thà, nói thiệt tên họ. Bữa sau tới trả tiền lấy áo thì bà lão dọn một tiệc bánh trà cùng đãi và tặng một bộ quần áo mát. Bà nói “Trước kia ông Phan Châu Trinh ở Côn Lôn về  thường qua lại tiệm tôi. Tôi không biết ông song đã từng nghe cái tên lại là bạn với ông Phan. Tặng ông vật mọn để làm vật ghi nhớ thế thôi!” (trang 252).

Câu chuyện thật hy hữu, một “bà già ít có” và ai nghe qua cũng phải… nhớ đời! Đúng là danh sĩ Quảng Nam gặp… nghĩa khí Sài Gòn!

                                                             Lê Thí - Báo Quảng Nam