www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Dáng mẹ ngồi như cuộc đời của mẹ

Lời BBT: Từ cuộc thi " Từ hình ảnh người mẹ, suy nghĩ về vai trò người phụ nữ Việt Nam trong gia đình" đang được phát động rộng rãi trên cả nước. Chúng tôi vừa nhận được bài viết về người mẹ mình của anh Đoàn Văn Niên, sinh năm 1970 quê xã Tiên Cảnh huyện Tiên Phước chúng ta. Anh Niên hiện nay đang là giáo viên của trường THCS Buôn Trấp huyện Krông Ana, Đắc Lắc.

     

      Kính  thưa mẹ! Bây giờ con đã trở thành thầy giáo, con đã đi nhiều, viết nhiều, nói nhiều. Nếu không có  cuộc thi này thì con chưa bao giờ cầm bút viết về mẹ người mẹ yêu dấu của con.

        Mẹ khổ nhất trên đời. Mới 5 tuổi bà Ngoại mất, lên mười tuổi ông Ngoại cũng bỏ mẹ ra đi.  Mẹ và cậu phải đi ở hết nhà này đến nhà khác. Năm 18 tuổi mẹ lập gia đình với ba, tưởng là có gia đình rồi cuộc đời sẽ đỡ khổ. Nhưng về với ba  cuộc đời mẹ vẫn khổ, như người ta nói: “ Gánh cực mà chạy lên non, cong lưng mà chạy cực còn chạy theo”. Câu ca dao ấy vin vào cuộc đời mẹ không sai chút nào. Mẹ sinh sáu anh em chúng con trong giai đoạn đất nước chiến tranh liên miên. Ba đi mãi chỉ mình mẹ vừa nuôi chúng con, mẹ vừa lo công việc gia đình với bao lo toan nhọc nhằn, vừa nơm nớp lo sợ đau thương sẽ ập xuống gia đình bất cứ khi nào.

        Hết chiến tranh đất nước được thống nhất. Nhưng những năm thời bao cấp là những năm khó khăn vô cùng, cả nước thiếu đói, nhà nhà “Thắt lưng, buộc bụng” Cả nước bước vào làm ăn tập thể với Hợp tác xã. Tất cả mọi công việc đề quy ra điểm. Đến mùa quy đổi điểm ra thóc. Con còn nhớ cả nhà ta lúc đó tám miệng ăn nhưng mỗi năm chỉ nhận được vài tạ thóc bữa đói bữa no qua ngày. Với 8 miệng ăn cả nhà đều  đổ lên đôi vai gầy yếu của mẹ. Ba thì đau yếu liên miên hết nằm bệnh viện này đến bệnh viện khác. Nghe nói nơi nào có thầy hay là mẹ tới. Bằng mọi cách để có tiền chữa bệnh cho ba.

   Mẹ làm việc quần quật suốt mờ sáng đến tối. Hết việc ngoài đồng đến việc trong nhà. Mẹ không từ một việc nào kể cả những việc dành cho đàn ông,  từ việc đi cày, cấy, gánh củi, cuốc ruộng, cắt tranh, lợp nhà… về nhà lại công  việc nhà.  Mẹ làm không nghĩ đến bản thân mình. Con còn nhớ ngày ấy  cứ mờ mờ sáng mẹ quẩy vài nải chuối, buồng cau đi chợ bán, đường từ nhà tới chợ khoảng 5- 6Km với đôi chân trần mẹ  dò dẫm đi trong mưa. Hình ảnh  mẹ đầu đội mưa, trên lưng quằn gánh nặng. Cứ  đeo đuổi con suốt cuộc đời. Măt dù gia đình gặp nhiều khó khăn mẹ vẫn cố gắng cho chúng con đi học, đã nhiều lần con xin mẹ cho con nghỉ học ở nhà giúp mẹ, nuôi em. Mẹ khóc nói: “Đời mẹ khổ nhiều rồi có khổ thêm tí nữa mẹ chịu được, con phải cố gắng  học cho thành người.”  Rồi chúng con dần dần khôn lớn, lúc ấy con học lớp 12. Có những đêm con ngồi học bài dưới ánh đèn hiu hắt,  mẹ vẫn thức cặm cụi vá áo cho con để ngày mai đi học. Còn nhớ như in có những buổi sáng mùa đông mẹ dậy từ sớm khi gà chưa gáy sáng. Mẹ nhóm lửa nấu cơm, mẹ ngồi bó gối bên bếp lửa, hình bóng mẹ in trên vách. Người ta nói con người sướng khổ do dáng ngồi, dáng ngồi của mẹ sao khắc khổ thế.

       Rồi con thi trượt Đại học mẹ không trách, nhưng con thấy lòng đau nhói.  Con khổ một mẹ khổ mười. Mẹ ôn tồn an ủi: Học tài  thi phận con à, cố gắng học sang năm thi tiếp” . Nhưng thưa mẹ! con đã phụ lòng yêu thương mẹ, Năm đó con xin ba  mẹ vào Tây Nguyên chơi.  Ba mẹ đồng ý.

 Dáng mẹ ngồi như cuộc đời của mẹ    

 Mẹ nói: “Con đi ít bữa rồi về học lại nghe con”.  Con còn nhớ ngày con ra đi, cái ngày mùa đông  miền Trung đầy mưa, gió. Mẹ đưa con đến tận đầu làng, dáng mẹ còng xuống, bước đi chậm chạp nhìn vào mắt mẹ như có cái gì đó khó tả, vừa yêu thương vừa hờn trách. Xe chạy đi rồi mẹ vẫn còn đứng đó, đôi vai gầy của mẹ rung rung, chắc mẹ khóc nhiều lắm. Lòng con trào lên niềm đau khôn xiết. Mẹ ơi. con thương mẹ quá. Con thầm hứa con đi mấy bữa cho khoây khỏa rồi con sẽ về với mẹ. Nhưng không ngờ chuyến xe ấy là chuyến xe 

   “ Định mệnh” của đời con, chuyến xe  đã đưa con xa mẹ, xa quê hương yêu dấu, xa những kỉ niệm vui buồn của thời thơ dại. Quê hương ơi xin đành gửi lại, Ôi đất Quảng thân yêu xin tạm biệt. Con vào Tây Nguyên nhưng hình bóng  mẹ vẫn khắc sâu vào tim con. Có những đem dài khắc khoải, một mình con thức trắng tiếng Tắc kè trong đêm vắng mênh mông, nhớ cha, nhớ mẹ, nỗi nhớ quê hương,  nhớ lại tuổi thơ thời thơ dại vô tư cắp sách đến trường, nỗi nhớ cứ trào lên trong con. Con thật có lỗi bao nhiêu công lao của cha mẹ cho con ăn học, giờ lạnh lùng vẫn trắng đôi tay. Rồi con lập gia đình,  mẹ vừa vui, vừa buồn. Niềm vui con bây giờ đã lớn, nhưng buồn vì vĩnh viễn xa mẹ xa con. Tuy đã xa quê, xa mẹ nhưng lời dặn dò của mẹ không lúc nào quên: Đời mẹ khổ nhiều rồi con cố gắng học hành… Để không phụ tấm lòng của mẹ, của vợ. Con thi vào trường Cao đẳng sư phạm Đắc Lắc và giờ đây  con đã trở thành thầy giáo.

         Giờ đây mỗi lần về thăm quê, thăm mẹ. Con thấy mẹ đã già nhiều, tóc mẹ bạc hơn, lưng mẹ còng thêm,đau ốm bệnh tật liên miên. Ngày xưa gia đình ta đông vui là thế, bây giờ chỉ còn lại ba mẹ trong căn nhà trống vắng cô đơn. Ôi cái xứ miền trung hết bão giật đến mưa dồn, miền Trung khắc nghiệt như cuộc đời của mẹ. Phải chăng “ Gió mưa từ những ngày xưa, lặn trong đời mẹ bấy giờ thấy đây”. Thưa mẹ. Bây giờ dù con đã lớn , anh em chúng con như đàn chim sổ lồng đi khắp bốn phương trời. Các con đã vào Đại học. Nhưng đối với mẹ con vẫn là đứa con thơ dại ngày nào. Lúc nào mẹ cũng lo lắng cho con. Đúng như ông cha ta đã nói: “ Lên non mới biết non cao, có con mới biết công lao mẹ già”. Con mượn câu thơ của  nhà thơ  Chế Lan Viên đã nói hộ lòng con: “ Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt cuộc đời  lòng mẹ vẫn bên con”

       Cảm ơn mẹ, ngàn lần cảm ơn mẹ, cảm ơn cuộc đời đã ban tặng mẹ cho con. Dù mẹ không lắm của nhiều tiền nhưng với tấm lòng bao dung của mẹ đã cho con niềm tin vào cuộc sống , mẹ đã cho con lòng vị tha, lòng yêu cuộc đời, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng vươn lên.

         Những  người phụ nữ Việt Nam suốt mấy nghìn năm lịch sử Người là hiện thân của sự hi sinh cao cả, cần cù, chịu thương chịu khó, thương chồng, thương con chăm lo cuộc sống gia đình. Người là hiện thân của đức tính “Anh hùng, bất khuất, trong hậu, đảm đang” nhưng khi cần cũng vùng lên mãnh liệt đạp lên đầu kẻ thù để giành độc lập tự do cho dân tộc. Trong thời đại ngày nay người phụ nữ đóng vai trò không nhỏ cùng với chồng với con chung tay xây dưng một nước Việt Nam giàu mạnh, xây dựng một gia đình hạnh phúc. Khi nói về  người phụ nữ. Tôi nhớ mãi câu nói: Đằng sau thành công của đàn ông đều có hình bóng của người phụ nữ.

                                                                                           Đoàn Văn Niên xã Tiên Cảnh