Dân Tiên Lãnh thấp thỏm lo sập nhà
14 hộ dân ở thôn 4 (xã Tiên Lãnh, Tiên Phước) nằm ven sông Tranh đang ngày đêm thấp thỏm lo lắng vì tình trạng sạt lở bờ sông đang xảy ra nghiêm trọng, nguy cơ những căn nhà sẽ bị dòng sông nuốt chửng vào mùa mưa năm nay.
Dẫn chúng tôi ra sau vườn sở thị tình trạng sạt lở bờ sông, ông Nguyễn Hữu Lộc (SN 1966) bộc bạch, dòng sông Tranh vốn hiền hòa, nước chảy yên ả nên tình trạng sạt lở bờ sông ít xảy ra. Tuy nhiên, đến năm 2018, khi Thuỷ điện Sông Tranh 3 tích nước đã gây nên nên nhiều hệ lụy xấu. Vào mùa mưa, thủy điện xả nước với lưu lượng lớn khiến tình trạng xâm thực bờ sông diễn ra nghiêm trọng. Mỗi năm, hai bên bờ sông bị xâm thực gần 10m đất. Nghiêm trọng nhất là mùa mưa năm 2020, nước lũ xâm thực hơn 15m, cuốn trôi hàng chục cây cau, mít, bưởi của gia đình.
Ông Lộc chia sẻ, đất ven sông Tranh là đất cát nên tình trạng sạt lở diễn ra rất mạnh. Lúc chưa có thủy điện, người dân trồng hàng tre ven sông là có thể ngăn cản được tình trạng sạt lở bờ sông. Từ khi Thuỷ điện Sông Tranh 3 tích nước xả lũ thì bụi tre, cây cối của người dân cũng bị dòng sông nuốt chửng. Sau đó, đất vườn cũng bị sụt lún khiến căn nhà ông Lộc bị xuất hiện nhiều vết nứt. Qua 3 mùa mưa, gia đình ông Lộc đã mất hơn 30m đất. Hiện khu vực bị sạt lở chỉ cách căn nhà ông Lộc gần 20m. Khu vực các hộ dân đang sinh sống còn bị ảnh hưởng của dự án thủy điện Sông Tranh 4.
“Nếu thủy điện Sông Trang 4 tích nước, kết hợp thủy điện Sông Tranh 3 xả lũ khả năng mùa mưa năm nay căn nhà của gia đình sẽ ngập và đổ sập. Mong chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án quan tâm giải tỏa và hỗ trợ tái định cư” - ông Lộc tâm sự.
Nằm cách bờ sông đang bị sạt lở gần 20m, gia đình bà Trương Thị Hồng (SN 1954) cũng đang thấp thỏm lo lắng. Bà Hồng than thở, ở gần khu vực bị sạt lở gia đình lo lắng lắm. Ảnh hưởng của con bão số 9 vào tháng 10.2020, Thủy điện Sông Tranh 3 xả lũ mạnh nước dâng mấp mé đến sân nhà. Do bị ngập nước lâu nên đất cát trong vườn bị sụt lún, tạo rãnh mương đứt gãy kéo dài ra đến con sông. Sát căn nhà còn xuất hiện nhiều hố sâu do hiện tượng sụt lún tạo thành. Để người dân không bị rơi xuống hố, gia đình đã cắt nhiều đoạn gỗ chắn ngang. Mỗi năm, mảnh vườn của gia đình cũng bị dòng sông Tranh xâm thực hơn 10m đất. Hàng chục cây cau đã bị rơi xuống vực sông. Lo sợ xâm thực bờ sông sẽ làm sập nhà, chúng tôi đã báo lên chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời cho người dân.
Theo ghi nhận, ven dòng sông Tranh chảy qua thôn 4 có hàng chục hộ dân sinh sống. Trong có 14 hộ dân nằm cách bờ sông chỉ vài chục mét. Bờ sông đang bị xâm thực mạnh gây xói lở nhiều diện tích đất của người dân. Cây cối của người dân cũng rơi xuống lòng sông nằm ngổn ngang. Các hộ dân nơi đây đều lo lắng, sợ căn nhà sẽ bị sụt lún đất làm đổ sập vào mùa mưa đến.
Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh Bùi Sang cho biết, sau khi nhận phản ánh của các hộ dân, UBND xã đã phối hợp cáo các đơn vị liên quan của huyện tiến hành kiển tra và nhận thấy tình trạng sạt lở tại bờ sông Tranh đang diễn ra nghiêm trọng, nhiều căn nhà chỉ cách bờ sông hơn 10m. Phần diện tích đất bị sạt lở của các hộ dân đang nằm trong diện tích đền bù ảnh hưởng của Thuỷ điện Sông Tranh 4. Sáng 24.6, Ban thường vụ Huyện ủy đã có buổi làm việc tìm hướng giải quyết nỗi lo cho người dân. Sau khi làm việc, lãnh đạo Huyện ủy đã giao cho UBND xã Tiên Lãnh làm cam kết với các hộ dân. Sau khi Thuỷ điện Sông Tranh 4 tích nước tiếp tục xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương sẽ tiến hành di dời.
“Về lâu dài, các hộ dân sống gần khu vực bị sạt lở rất nguy hiểm. Do đó, UBND xã Tiên Lãnh cũng đang có kế hoạch xây dựng khu tái định cư đưa người dân về đây sinh sống. Ngoài các hộ dân tại đây, nhiều hộ dân đang sinh sống tại dốc Dương Thờ nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở cũng sẽ được di dời về khu tái định cư để an tâm, ổn định cuộc sống” - ông Sang chia sẻ.
Phương Loan - Báo Quảng Nam