Dân bức xúc vì mở đường mà không được hỗ trợ
Ông Tạ Đình Hùng (thôn 7, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) phản ánh: Năm 2005, gia đình ông đã vay tiền trồng keo từ dự án cho vay vốn để trồng rừng.
Năm 2011, keo đúng độ khai thác nhưng không có đường vận chuyển. Gia đình ông đã vay mượn tiền từ hàng xóm, ngân hàng với một phần vốn có sẵn để mở đường, phải thỏa thuận bồi thường tiền đất cho những hộ dân có đất nằm trên đường ông mở với tổng số tiền là 87 triệu đồng. Con đường được hình thành sau hơn một tháng với chiều rộng hơn 4 m và dài 1,5 km, kinh phí gần 200 triệu đồng. Việc mở đường của ông có xác nhận từ phía trưởng thôn, chi bộ thôn và Ban Công tác Mặt trận thôn. Sau khi ông làm đường xong, xe của người dân vào khu vực trên để vận chuyển keo ra khỏi rừng.
Đến năm 2012, ông Hùng được biết UBND xã Tiên Lãnh tiến hành làm đường lâm sinh với kinh phí 150 triệu đồng, trùng với con đường ông đã mở. Thế nhưng xã không hỗ trợ lại số tiền chi phí ban đầu ông đã bỏ ra mở đường. Quá bất bình về chuyện này, ông đã nhiều lần làm đơn gửi xã nhưng cho đến nay vẫn không thấy giải quyết.
Ông Hùng cho rằng con đường lâm sinh của xã hiện nay trùng với con đường ông đã mở trước đó.
Một người dân khác cũng vận chuyển keo trồng đi qua con đường lâm sinh này là ông Tạ Đình Phúc. Ông Phúc cho biết đường lâm sinh của xã đã làm xong nhưng người dân có đất trên đường lâm sinh không cho ông vận chuyển keo ra ngoài để bán. Đường cùng, ông phải bán rẫy keo 2,3 ha của mình cho một người khác với giá 200 triệu đồng, lỗ gần 100 triệu đồng. Không những ông mà hàng chục hộ dân khác ở địa phương muốn vận chuyển keo qua 2.000 m đường lâm sinh thì phải đóng 5-10 triệu đồng mỗi mùa để mua đường.
Trao đổi với PV, ông Võ Hồng Nhiệm, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh, cho biết: Con đường lâm sinh được xã mở và đưa vào sử dụng từ năm 2012, kinh phí thực hiện khoảng 150 triệu đồng. Việc ông Hùng mua đất để làm đường là không có sự cho phép và quản lý của Nhà nước. Việc hỗ trợ chi phí mở đường ban đầu cho ông Hùng trong dự án này là không có tiền lệ, vì đường của địa phương làm không có nguồn kinh phí để hỗ trợ mà chủ yếu vận động người dân hiến đất.
Ông Nhiệm cũng thừa nhận là mặc dù đường đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ năm 2012 nhưng đến hiện tại vẫn có một số hộ dân chặn đường để thu phí khi xe chở keo qua lại. Lý do là trước đó xã có họp và người dân ký vào biên bản hiến đất nhưng không rõ ràng từng người nên giờ xảy ra việc có một số người dân chặn xe chở lâm sản để thu tiền. Thời gian tới chính quyền địa phương sẽ họp lại với dân để lấy ý kiến thống nhất toàn bộ hiện trạng của đoạn đường nói trên, đồng thời sẽ vận động người dân hiến đất làm đường.
Huy Trường - Báo Pháp Luật TP.HCM