www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đời không cô đơn

Một người mù lòa 72 tuổi hơn nửa đời lưu lạc, hát rong mưu sinh qua ngày. Một người hạnh phúc lỡ dở, đã từng thề rằng sẽ không bao giờ yêu nữa. Họ gặp nhau và chuyện tình nảy sinh từ câu hát buồn, lay động lòng người...

 Chúng tôi tới xã Tiên Thọ (Tiên Phước, Quảng Nam) tìm gặp ông. Ông là người hát rong mưu sinh khắp các chợ ở đất miền Trung cùng cây đàn mandolin suốt nửa đời người. Bà con buôn bán ở chợ từ TP Tam Kỳ, đến chợ quê Phú Ninh, Tiên Phước (Quảng Nam) mấy chục năm qua, không ai là không biết ông, một lão mù hát rong chỉ mong kiếm đủ tiền ăn qua ngày.

Căn nhà nhỏ của ông nằm chênh vênh trên gò đất cao của thôn 3, xã Tiên Thọ. Nghe tiếng chó sủa, ông mò mẫm ra đứng vách cửa. Cứ tưởng người trong thôn tìm đến học đàn, ông lên tiếng mời vào và nở nụ cười móm mém. “Vào nhà đi mấy bác. Mưa gió thế này các bác vẫn đến à. Tôi chế ấm nước, sợ các bác không đến vợ chồng tôi uống đến mai không hết ”.

Tôi cất tiếng chào. Ông nhận ra ngay không phải người dân địa phương, nhưng vẫn tất tả mời vào nhà.

Nửa đời phiêu bạt

Đó là ông Trần Bùi Quang Vân. Ông Vân sinh ra và lớn lên tại Nha Trang. Năm mười tuổi ông bị thương hàn và mù từ đó. Ông học đàn để tìm lại ánh sáng trong đời người đầy bóng tối. Chiến tranh, ông thất lạc người thân để rồi phải sống kiếp lang thang khắp dải đất miền Trung, hát rong kiếm sống từ năm 17 tuổi. Cuộc đời ông buồn như thể những câu hát mà ông vẫn rong ruổi mấy chục năm qua.

 

Ông lang thang khắp các chợ ở Quảng Nam, không nhà cửa, không người thân. Gặp đâu ngủ đó. Gặp người thương ông được tá túc qua đêm. Nhưng cũng có những đêm trường ông nằm ngủ lại nơi đầu đường xó chợ. Cuộc sống của người nghệ sĩ mù cứ thế qua đi buồn thảm như thế. Cho tới một ngày, ông gặp người phụ nữ tên Phụng ở xóm chợ Tiên Thọ này.

Sau một hồi, biết tôi muốn viết về ông, ông xua tay nói: “Có gì đâu chú. Tôi là người ăn xin, nhờ tiếng đàn kiếm sống. Có viết thì viết bà xã tôi kìa. Bả tốt lắm. Nhờ bả mà tôi mới được khỏe mạnh như hôm nay”. Rồi ông kể tôi nghe chuyện đời ông, chuyện về mối tình với người phụ nữ xóm chợ Tiên Thọ.  

Người mù làm nghề cầm ca không hiếm. Nhưng hoàn cảnh, cuộc đời lưu lạc đó đây và chuyện tình ở cái tuổi “xưa nay hiếm” như ông thì chắc rằng có một không hai. Trước đây, ông thường từ Nha Trang theo các chuyến xe, chuyến tàu ra tận Nghệ An, Hà Tĩnh rồi ngược vào lại Đà Nẵng. Ông sống nhờ cây đàn và giọng hát.

Cuộc đời của chàng thanh niên mù theo những ngày trường cứ thế qua đi. Từ chợ Vinh (Nghệ An) đến chợ Đồng Hới (Quảng Bình), chợ Đông Hà (Quảng Trị)… Trước giải phóng, ông sống ở Đà Nẵng và mở lớp dạy đàn cho thanh thiếu niên. Nhưng rồi những điệu nhạc, bài hát của ông khi đó bị xem là nhạc phản chiến, nên người ta không cho ông dạy nữa. Ngậm ngùi, ông lại lang bạt với đời hát rong.

Những năm 90 của thế kỷ trước, ông lang thang khắp các chợ ở Quảng Nam, không nhà cửa, không người thân. Gặp đâu ngủ đó. Gặp người thương ông được tá túc qua đêm. Nhưng cũng có những đêm trường ông nằm ngủ lại nơi đầu đường xó chợ.

Cuộc sống của người nghệ sĩ mù cứ thế qua đi buồn thảm như thế. Cho tới một ngày, ông gặp người phụ nữ tên Phụng ở xóm chợ Tiên Thọ này. Cuộc đời của ông bước sang một trang mới, dù rằng khó khăn vẫn bủa vây, nhưng tình yêu thương đã giúp ông vượt qua.

Duyên kỳ ngộ

Ông vẫn nhớ như in ngày ấy. Đó là vào mùa mưa năm 1996, ông lang thang từ Tam Kỳ lên tới đây. Mưa tầm tã, áo quần rách tả tơi. Người đàn ông 58 tuổi ngồi ôm đàn, hát ở đầu chợ. Đang mải mê hát, chợt có bàn tay một người phụ nữ đặt lên vai ông với giọng nói nhẹ nhàng, mời ông vào quán và bảo ông hát cho bà nghe. Ông bèn cất tiếng: “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn/ Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành…”.

Lời bài hát vang lên giữa buổi chiều mưa, trong xóm chợ nghèo xơ xác thật não nề. Nghe ông hát, người đàn bà đó khóc tức tưởi. Biết động vào nỗi đau của người phụ nữ nọ, ông liền cải chữ tôi trong bài hát thành chữ người.

Nghe xong người phụ nữ đó ôm chầm lấy ông mà khóc tức tưởi, van ông đừng hát nữa. Người phụ nữ đó chính là bà Nguyễn Thị Phụng (lúc ấy 43 tuổi) là vợ ông bây giờ. Tiếng đàn, lời hát cùng với hoàn cảnh cuộc đời của ông khiến bà Phụng cảm thương. Thương ông mù lòa không nơi nương tựa, bà dẫn ông về nhà cùng chung sống từ đó đến nay.

Đang mải mề nói chuyện chợt nghe tiếng dép loẹt quẹt từ ngõ vào. Thoáng nghe tiếng dép ông vội bảo: “Bả về rồi đó. Hôm nay mưa gió chắc quán xá nghỉ sớm rồi. Ngày mưa thế này, một mình bả lặn lội ở chợ tôi thương lắm. Nhưng mù lòa như tôi ra chợ chỉ mỗi tội làm vướng chân thôi!”

Bà Phụng đi vào nhà nở nụ cười đon đả chêm nước mời khách. Ở cái tuổi 57 nhưng bà vẫn còn tháo vát và lanh lợi. Thấy chồng ôm đàn nhưng không hát, bà liền giục : “Ông hát bài nào đãi khách đi. Nhà nghèo không có gì đáng giá bằng tiếng đàn và lời hát của ông”. Ông nở nụ cười hạnh phúc.

Bà Phụng vốn đã có một mái ấm gia đình. Nhưng rồi bà không thể sinh nở nên chồng và nhà chồng ruồng bỏ. Hận tình, bà từng thề rằng sẽ không bao giờ yêu ai nữa. Cuộc đời của bà cũng lắm nỗi gian truân và khổ tâm.

Bà kể rằng: ngày đầu gặp ông, bà cũng chỉ có ý định giúp ông tá túc qua đêm, tránh cảnh màn trời chiều đất. Nhưng rồi hiểu hoàn cảnh của ông, thương ông mù lòa không nơi nương tựa, bà ngỏ ý muốn gá nghĩa, chung sống tuổi già. Lúc đầu ông từ chối, chỉ sợ rồi đây sẽ làm khổ bà. Nhưng rồi mỗi lần nghe ông hát, thấy bà Phụng lại khóc, ông đã thay đổi.

“Thương bà một mình lẻ bóng. Cuộc đời tôi thấm nhiều khổ cực nên tôi biết thế nào là cô đơn. Thấy bà thật lòng nên tôi ưng thuận”, ông Vân kể.

Ngày hai người chính thức kết nghĩa vợ chồng có sự chứng kiến của bà con lối xóm. Ai cũng mừng cho ông lão mù hát rong có chỗ nương thân và lo lắng cho bà Phụng rồi đây cuộc sống sẽ thêm khó khăn cực khổ vì ông Vân mang trong mình nhiều bệnh, có cả bệnh động kinh.

Nhưng rồi 14 năm trời kết nghĩa vợ chồng, hằng ngày bà Phụng vẫn bán bún ở chợ còn ông Vân vẫn cùng cây đàn rong ruổi khắp các chợ nghèo. “Mỗi ngày hát rong cũng chỉ kiếm được 20-30 ngàn. Bà ngăn không cho tôi đi hát, nhưng cái nghiệp ca hát đã thấm sâu vào máu tôi rồi”, ông Vân nói.

Hiện tại, bệnh tuổi già đang hành hạ ông. Hôm qua, ông mới xuống chợ Tam Kỳ đàn hát nhưng hôm nay ông nói bắt đầu thấy nhớ những chuyến hành khất bôn ba dọc miền Trung. Với ông các góc chợ nghèo là sân khấu cuộc đời, xa là nhớ. Bà Phụng an ủi: “Từ nay sân khấu của ông sẽ là ngôi nhà này và ca sĩ hát các bài do ông sáng tác là tui. Tui không muốn ông phải khổ cực nữa”.

Nguyễn Thành - Báo Tiền Phong