Trên nền tảng Làng cổ Lộc Yên
Năm 2019, Làng cổ Lộc Yên được xếp hạng di tích cấp quốc gia, vừa là niềm tự hào, vừa đặt lên vai người dân và chính quyền địa phương trách niệm gìn giữ, phát huy giá trị đúng hướng. Từ vùng lõi Làng cổ Lộc Yên, du lịch sinh thái gắn với những giá trị văn hóa làng quê xứ Tiên được định hướng cho nhân dân cùng tham gia.
Kể từ ngày địa danh Làng cổ Lộc Yên có tên trong bản đồ du lịch, nhiều du khách tìm về thưởng ngoạn phong cảnh. Nhận thấy nhu cầu lưu trú của du khách tăng lên, những hộ gia đình như ông Đào Minh Chỉnh, Nguyễn Phước Chiến, Đặng Văn Hùng... đã xây dựng mô hình homestay quy mô phục vụ 10 - 30 khách, phát triển du lịch từ chính ngôi nhà, mảnh vườn họ đang sở hữu, giới thiệu đến du khách những món ăn mang đậm vị quê hương.
Ông Đặng Văn Hùng (thôn 4, xã Tiên Cảnh) chia sẻ: “Làng tôi có phong cảnh đẹp và nằm liền kề với làng cổ Lộc Yên nên tương lai khách du lịch, đặc biệt là các khách “phượt” sẽ đến tham quan và có nhu cầu ở lại. Ở đây chưa có mô hình lưu trú nào nên tôi tiên phong làm, cùng với một vài hộ dân khác”.
Homestay Hùng Duyên được đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng xây dựng các phân khu với hạng mục nhà đón tiếp, nhà hàng - cà phê, khu nhà ở…, cùng với cảnh quan sân vườn làng quê hài hòa với con suối nhỏ chảy qua sau nhà. Một gian trưng bày sản phẩm đặc trưng xứ Tiên được ông Hùng dành ở khu trung tâm, nhằm quảng bá các sản phẩm đặc trưng của quê hương đến với du khách.
Doanh nghiệp đồng hành
Phát triển du lịch cần có sự vào cuộc đồng hành của doanh nghiệp, nên huyện Tiên Phước đã giới thiệu, mời gọi nhiều đơn vị đến và hỗ trợ cho người dân. Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, các đơn vị như Tập đoàn Thiên Minh, V.E.I Travel Hội An, Công ty Hoàng Anh Việt - Đà Nẵng đã có văn bản ký kết hợp tác phát triển du lịch tại Tiên Phước, đưa nơi đây thành điểm đến trong thiết kế tour du lịch về vùng tây nam Quảng Nam.
Huyện đã mời và hợp đồng chuyên gia tư vấn du lịch cộng đồng, hỗ trợ người dân thiết kế, xây dựng 6 homestay, phát triển du lịch cộng đồng tại các điểm Lộc Yên (Tiên Cảnh), Thanh Khê (Tiên Châu) và Hố Quờn (Tiên Kỳ) theo hướng lấy mảnh vườn, căn nhà của người dân làm gốc để phát triển, giữ gìn bản sắc đặc trưng vùng trung du xứ Quảng.
“Tiên Phước đã thực hiện hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân cải tạo cổng, ngõ, vườn nhà, phát triển kinh tế vườn, nhất là với các hộ dân ở vùng trọng điểm cần được bảo tồn như làng Lộc Yên, Thanh Khê, Hội An, Phú Lâm. Những nhà cổ cần được trùng tu cấp thiết, công trình nhà vệ sinh cho các điểm làm homestay, xây mới bờ đá, tái tạo ngõ nhà, xây ao cá, trồng cây xanh, chỉnh trang nhà vườn theo hướng phục cổ nhưng vẫn đảm bảo xanh - sạch - đẹp…, tất cả đều có cơ chế hỗ trợ. Không chỉ khuyến khích động viên, chính quyền đã và đang chung tay cùng người dân bảo tồn, gìn giữ, phát huy không gian văn hóa làng quê” - ông Huy chia sẻ.
Tiên Phước hỗ trợ mỗi hộ xây dựng mô hình homestay 50 triệu đồng; tổ chức cho người dân đi tham quan, học hỏi cách làm du lịch cộng đồng. Các sự kiện lớn được tổ chức tại địa phương nhằm tôn vinh giá trị văn hóa làng, thu hút du khách, tạo nguồn thu dịch vụ. Qua đó, từng bước người dân cảm nhận rõ giá trị kinh tế từ du lịch, có ý thức bảo tồn để phát huy giá trị không gian văn hóa làng quê xứ Tiên.
Nhật Linh - Đông Yên, Báo Quảng Nam