Đặc điểm địa vật lý và triển vọng vàng gốc vùng Tiên Phước
Tóm tắt: Vùng Tiên Phước được đánh giá là có triển vọng vàng gốc, trong đó đã có các tụ khoáng có giá trị công nghiệp như Bồng Miêu, Trà Dương. Để góp phần làm sáng tỏ triển vọng vàng gốc ở đây, các tác giả đã tiến hành xử lý, phân tích tài liệu bay đo từ, phổ gamma máy bay tỷ lệ 1:25.000 do Liên đoàn Vật lý Địa chất thực hiện năm 1988 và tiến hành nhận dạng theo các mỏ vàng có quy mô công nghiệp trong khu vực là Bồng Miêu và Trà Giang. Kết quả đã khoanh định được 6 diện tích triển vọng vàng gốc có đặc điểm địa vật lý, địa chất tương tự các mỏ vàng Bồng Miêu và Trà Giang. Hy vọng các kết quả này góp phần làm cơ sở tin cậy để lựa chọn các diện tích điều tra, đánh giá quặng vàng ở đây.
MỞ ĐẦU
Vùng Tiên Phước có diện tích khoảng 1000 km2, nằm trong phạm vi 2 tờ bản đồ tỷ lệ 1:50.000 là Tiên Phước và Hậu Đức thuộc tỉnh Quảng Nam. Trên diện tích vùng Tiên Phước đã có nhiều công trình điều tra địa chất, đánh giá khoáng sản từ tỷ lệ nhỏ, trung bình (1:1.000.000 ¸ 1:50.000) trên toàn diện tích, đến tỷ lệ lớn (1:10.000 ¸ 1:5.000) - điều tra đánh giá khoáng sản trên một số diện tích nhỏ.
Trong vùng Tiên Phước đã phát hiện các mỏ có giá trị công nghiệp như: vàng Bồng Miêu đã được khai thác nhiều năm, vàng Trà Dương và nhiều điểm vàng gốc khác, graphit ở Tiên An, felspat kali ở Tiên Hiệp.... Theo các tài liệu đã có, nhiều tác giả cho rằng vùng Tiên Phước có tiềm năng về khoáng sản vàng, nhưng do điều kiện địa hình rất khó khăn, lớp phủ các thành tạo bở rời, phong hoá dày nên việc điều tra, đánh giá bằng các phương pháp thông thường trên mặt còn nhiều hạn chế.
Để góp phần làm sáng tỏ triển vọng vàng gốc ở đây, các tác giả tiến hành xử lý, phân tích tài liệu bay đo từ, phổ gamma tỷ lệ 1:25.000 do Liên đoàn Vật lý Địa chất thực hiện năm 1988, đồng thời tiến hành nhận dạng theo các tụ khoáng vàng gốc có giá trị công nghiệp trong vùng.
Các thành tạo địa chất vùng Tiên Phước [6] có sự phân dị khá rõ về tính chất vật lý (xem các Hình 1-6).
Trong toàn bộ diện tích nghiên cứu lộ chủ yếu các thành tạo trầm tích biến chất thuộc hệ tầng Khâm Đức, bao gồm: các thành tạo đá phiến biotit, đá phiến graphit, đá phiến thạch anh - felspat, đá phiến gneis amphibol thuộc phân hệ tầng dưới (PR2 kđ1), phân bố thành dải liên tục từ đông sang tây ở trung tâm vùng nghiên cứu. Các thành tạo này đặc trưng bởi trường dị thường từ dương, giá trị không cao, ∆T = 20¸70 nT, trường xạ phổ gamma khá cao và có cấu trúc khá phức tạp: Iγ = 3,5 ¸ 10 µR/h, Qth = 10¸35 ppm, Qu = 4¸13,5 ppm, Qk = 0,5 ¸ 2,7 %, đặc biệt tỷ số Qth/Qu và Qu/Qk khá cao, còn Qk/Qth thấp: Qth/Qu = 3,0 ¸ 30, Qu/Qk = 5¸8, Qk/Qth < 0,2
Hình 1. Sơ đồ địa chất vùng Tiên Phước
Hình 2. Trường phóng xạ gamma máy bay
Hình 3. Trường hàm lượng kali
Các thành tạo đá phiến amphibol, gneis amphibol, gneis biotit, plagiogneis biotit... thuộc phân hệ tầng giữa (PR2 kđ2) phân bố ở phía bắc và phía nam của vùng và có sự phân biệt rõ với phân hệ tầng dưới bởi trường từ biến đổi phức tạp hơn: ∆T = - 40 ¸ 100 nT, trường xạ phổ gamma khá thấp: Iγ = 1 ¸ 3 µR/h, Qth = 3 ¸ 9 ppm, Qu = 2 ¸ 4 ppm, Qk = 0,25 ¸ 0,75 %.
Các thành tạo magma lộ thành các khối có kích thước không lớn, bao gồm: các thành tạo granođiorit hornblenđ có biotit thuộc phức hệ Quế Sơn (GDi/P2-T1 qs2), lộ thành các khối nhỏ ở rìa phía bắc và phía tây vùng, có trường từ ∆T = - 40 ¸ 30 nT, trường xạ phổ gamma tương đối cao: Iγ = 3¸7 µR/h, Qth = 4¸20 ppm, Qu = 4¸12,5 ppm, Qk = 1,0 ¸ 2,5 %; các thành tạo granit biotit sẫm mầu dạng porphyr thuộc phức hệ Hải Vân (G/aT3n hv) lộ chủ yếu ở phía nam và tây bắc vùng, đặc trưng bởi trường từ ∆T = - 60 ¸ 30 nT, trường xạ phổ không cao: Iγ = 1 ¸ 1,5 µR/h, Qth = 3¸5 ppm, Qu = 2,5 ¸ 4,5 ppm, Qk = 0,5 ¸ 1,5 %; các thành tạo granosyenit porphyr, syenit thuộc phức hệ Măng Xim lộ thành các khối nhỏ ở rìa phía bắc có trường từ khá ổn định ∆T = - 30 ¸ 50 nT, trường xạ phổ gamma tương đối cao, chủ yếu thành phần thori và kali: Iγ = 3,5 ¸ 5 µR/h, Qth = 5¸15 ppm, Qu = 4¸6 ppm, Qk = 1,0 ¸ 2,5 %.
Hình 4. Trường hàm lượng urani vùng Tiên Phước
Hình 5. Trường hàm lượng thori vùng Tiên Phước
Ngoài ra, theo tài liệu địa chất [6], trong diện tích nghiên cứu còn có các thành tạo olivinit harzburgit bị biến đổi thuộc phức hệ Hiệp Đức (U/PZ1 hđ), lộ thành các khối nhỏ rải rác trong vùng, do kích thước quá nhỏ nên không biểu hiện trên các trường vật lý.
Các đứt gẫy thể hiện khá rõ trên các trường vật lý (xem các Hình 2-7) bởi chuỗi các dị thường từ, xạ phổ gamma và ranh giới các miền trường có đặc tính khác nhau. Theo tài liệu địa vật lý, hệ thống đứt gãy vùng Tiên Phước khá phức tạp, phân bố theo các phương khác nhau: TB-ĐN, ĐB-TN, á kinh tuyến và á vĩ tuyến (Hình 7), trong đó đáng chú ý là đứt gãy cấp II Long Bình - Núi Che, hướng á vĩ tuyến. Đứt gẫy này thể hiện rất rõ trên trường từ bởi chuỗi các dị thường kích thước nhỏ và cũng là ranh giới miền trường từ dương ở phía bắc và trường từ âm ở phía nam, đồng thời cũng thể hiện rất rõ trên trường xạ phổ gamma là ranh giới các miền trường có cường độ khác nhau. Đây là đứt gãy nghịch, cánh phía bắc nâng lên.
Khoáng sản vàng gốc: Vùng Tiên Phước đã được biết đến với mỏ vàng Bồng Miêu được phát hiện và khai thác từ rất lâu (trước năm 1954). Hiện nay, Công ty vàng Bồng Miêu đang tiếp tục điều tra, đánh giá và khai thác mỏ này. Các tác giả không có điều kiện tiếp cận những tài liệu đánh giá và khai thác của Công ty vàng Bồng Miêu, nhưng theo tài liệu tìm kiếm tỷ lệ 1:10.000 của Đoàn 501, Liên đoàn Địa chất Miền Trung [2], nếu lấy hàm lượng trung bình 14 g/t Au thì trữ lượng vàng là 12.333 kg vàng.
Hình 6. Trường dị thường từ vùng Tiên Phước
Hình 7. Phân vùng triển vọng vàng gốc vùng Tiên Phước
Mỏ vàng Trà Dương nằm ở phía nam vùng nghiên cứu, được phát hiện vào năm 1990 trong quá trình đo vẽ, lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 nhóm tờ Tam Kỳ - Hiệp Đức. Năm 1991, Mai Thất (Liên đoàn Địa chất 5) đã tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết khu mỏ này. Mỏ vàng nằm trong các thành tạo biến chất cổ hệ tầng Khâm Đức. Các số liệu phân tích cho thấy hàm lượng vàng cao, đạt từ 0,8 đến 3,4 g/T và được đánh giá là rất có triển vọng [3].
Ngoài ra, trong quá trình điều tra địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 và 1:50.000, đã xác định được 4 điểm quặng vàng gốc ở xã Tiên Lập và 2 điểm ở xã Tiên Lãnh, sát bờ sông Tranh.
Từ các mỏ và điểm quặng vàng gốc đã biết, có thể có nhận xét ban đầu là: các mỏ vàng có giá trị công nghiệp đã phát hiện đều nằm trong các thành tạo thuộc phân hệ tầng Khâm Đức dưới và nằm gần đỉnh về 2 cánh của nếp lồi Bồng Miêu, chưa thấy dấu hiệu liên quan các thành tạo magma có trong vùng. Trong các thành tạo phân hệ tầng Khâm Đức giữa mới phát hiện các điểm quặng vàng gốc, còn các thành tạo khác chưa có phát hiện điểm khoáng sản vàng gốc nào.
II. PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ, PHÂN TÍCH ĐỂ XÁC ĐỊNH TRIỂN VỌNG QUẶNG VÀNG GỐC
Để xác định triển vọng khoáng sản vàng gốc theo tài liệu bay đo từ phổ gamma, các tác giả đã tính toán các tham số đặc trưng thống kê của các trường như:
- Xác định dị thường trường ban đầu so với phông bằng các bộ lọc thống kê;
- Xác định tỷ lệ đóng góp của các trường thành phần trong trường tổng: Jk, Jth, Ju để đánh giá bản chất chủ yếu gây trường của các nguyên tố phóng xạ;
- Tính chỉ số triển vọng F = Qk.Qu/Qth - chỉ số F cao thường phản ảnh các đới biến chất nhiệt dịch ; tỷ số hàm lượng các nguyên tố : Qth/Qu, Qk/Qth, Qu/Qk.....
- Tính các tham số biến đổi: Dominal - Du = U*U / Th*K , Dk = K*K / U*Th, Dth = Th*Th / U*K; hàm lượng riêng trên phông của từng nguyên tố: ΔQii,j = Ki,j*Qi, (ΔQii,j - là hàm lượng riêng trên phông của nguyên tố thứ i, Qi - hàm lượng nguyên tố thứ i, Ki,j - giá trị phông của tỷ số cặp số liệu thứ i và thứ j);
- Tính các tham số thống kê của dị thường: độ lệch chuẩn, građien toàn phần và građien theo các hướng, thành phần chính, hàm liên kết, đặc trưng phổ, v.v;
- Tính dị thường theo tổ hợp các dấu hiệu: các dấu hiệu thường lựa chọn là trường xạ phổ gamma, các tham số biến đổi của chúng, trường dư từ;
- Nhận dạng theo các mẫu chuẩn: dựa vào các tham số đã tính lựa chọn các tham số phản ảnh rõ đối tượng khoáng sản để nhận dạng theo các mẫu chuẩn. Phương pháp nhận dạng sử dụng chương trình nhận dạng có mẫu chuẩn trong Bộ chương trình COSCAD 3D. Các mẫu chuẩn lựa chọn là mỏ vàng Bồng Miêu nằm trong vùng Tiên Phước và mỏ vàng Trà Giang nằm sát rìa phía nam vùng nghiên cứu.
1. Đặc điểm địa vật lý, địa chất và khoáng sản mỏ vàng Bồng Miêu
Mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng
Các phá hủy kiến tạo rất đa dạng như: hoạt động nâng, sụt, uốn nếp, cà nát hình thành các uốn nếp, các đới vỡ vụn với các hệ thống mạng mạch thạch anh mang quặng hóa. Quặng hóa ở mỏ vàng Bồng Miêu liên quan chặt chẽ với các đứt gãy cà nát nêu trên.
Quặng hóa trong vùng mỏ bao gồm hai kiểu thân quặng:
+ Kiểu thân quặng chỉnh hợp với đá vây quanh.
+ Kiểu thân quặng cắt đá vây quanh
Thân quặng là các mạch thạch anh sulfur vàng có dạng vỉa, uốn lượn, dạng thấu kính, dạng mạch lấp đầy, dạng ổ, chuỗi. Bề dày từ vài chục cm đến 3-4 m, kéo dài khoảng 3 km theo phương vĩ tuyến.
Thành phần khoáng vật quặng chủ yếu gồm pyrit, galenit, hematit, chalcopyrit, pyrotin.
Các thân quặng được định vị theo các đứt gãy, đới cà nát. Yếu tố khống chế quặng hóa là cấu trúc nếp lồi Bồng Miêu. Chưa thấy rõ mối quan hệ giữa thành tạo quặng và các khối magma trong khu mỏ.
Hàm lượng vàng trong mỏ có nhiều kết quả khác nhau. Nếu lấy hàm lượng trung bình 14 g/t vàng thì trữ lượng toàn mỏ là 12.333 kg vàng.
Đặc điểm địa vật lý:
- Mỏ Bồng Miêu nằm trong miền trường dị thường từ có cường độ không lớn, kéo dài theo hướng á vĩ tuyến, với dị thường dương ở phía bắc và nam, dị thường âm ở giữa, giá trị DT từ - 75 đến 50 nT
- Các mỏ Núi Kẽm và Hố Gần là 2 mỏ vàng chính của khu mỏ, đều phân bố ở ven rìa diện tích có trường xạ phổ gamma thấp tương đối trong miền trường cao của các thành tạo thuộc phân hệ tầng Khâm Đức dưới (PR2-3 kđ1), và bao quanh diện tích này là trường xạ phổ khá cao, phân bố dạng vành khăn.
Dị thường dư của các nguyên tố và các tham số biến đổi của chúng thể hiện các dị thường cao tương đối là dị thường DU = 0,4 ¸ 1,5 ppm, DTh = 1¸7 ppm, Dominal U = 10¸100, Dominal Th = 5¸20, Ju = 0,35 ¸0,75, Jth = 0,25 ¸ 0,35, các tỷ số Th/U = 1¸4, U/K = 3¸8. Các dị thường kali và các tham số biến đổi của chúng thường tương đối thấp: DK = 0,1 ¸ 0,5 %, dị thường F = 0,2 ¸ 0,6, Jk < 0,1, DoK = 1¸2, và tỷ số K/Th = 0,1 ¸ 0,2.
- Đặc biệt hàm tương quan giữa các nguyên tố của trường xạ phổ gamma trên các mỏ quặng: Ruk, Ruth, Rthk đếu rất nhỏ < 0,2, thể hiện tính cân bằng phóng xạ đã bị phá vỡ do các quá trình biến đổi thành tạo quặng hoá.
2. Đặc điểm địa vật lý, địa chất và khoáng sản mỏ vàng Trà Giang
Mỏ vàng Trà Giang thuộc xã Trà Giang, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, ở phía tây bắc tờ bản đồ Đá Liếp, sát phía nam tờ Tiên Phước tỷ lệ 1: 50.000.
Tham gia vào cấu trúc vùng mỏ có các đá gneis biotit, plagiogneis biotit, đá phiến thạch anh - biotit thuộc phân hệ tầng Khâm Đức giữa (PR2-3 kđ2). Các đá bị chlorit hóa và uốn nếp dạng vòm thoải và bị các đá điorit, điorit thạch anh, granođiorit horblenđ dạng gneis phức hệ Trà Bồng (Di-GD1/O-S tb) xuyên cắt. Ở trung tâm còn lộ ra các khối nhỏ granit biotit, granit hai mica của phức hệ Bà Nà (G/K/J-K bn).
Các hoạt động đứt gãy phát triển khá mạnh mẽ theo phương á vĩ tuyến có quy mô lớn, chiều dài từ 10 đến 30 km, cắm về nam với góc dốc 80-85o. Đới dập vỡ ở hai cánh rộng từ 70 đến 100 m, kèm theo các mạch thạch anh có sulfur-vàng. Đây là những đứt gãy vừa là kênh dẫn, vừa là yếu tố khống chế và định vị quặng vàng chính của khu vực. Các đứt gãy phương TB-ĐN làm dịch chuyển hệ thống đứt gãy phương á vĩ tuyến.
Tại điểm quặng đã phát hiện được 6 thân quặng, gồm các mạch thạch anh - sulfur-vàng.
Các thân quặng có dạng chuỗi, thấu kính uốn lượn phức tạp, kéo dài không liên tục từ 50 đến 300 m. Chiều dày thay đổi từ 0,2 đến 1,2 m, nằm trong đới biến đổi chlorit hóa, pyrit hóa hoặc cắt theo phương nén ép của đá phiến.
Thành phần khoáng vật: pyrit, magnetit, chalcopyrit, galenit, sphalerit.
Hàm lượng vàng: từ 2,4 đến 75,5 g/t; bạc: từ 2,4 đến 31,7 g/t
Tài nguyên dự báo cấp P2: 3265 kg vàng; 3265 kg bạc.
Đặc điểm địa vật lý: Vùng Trà Giang nằm trong dị thường từ dương tương đối, kích thước không lớn, với giá trị ∆T = 10¸100 nT, phần âm ở 2 phía bắc và nam; trường xạ phổ gamma không cao: Iγ = 2,5 ¸ 3 µR/h, Qk = 0,6 ¸ 1,0%, Qth = 5¸12 ppm, Qu = 2,5 ¸ 5 ppm, F = 0,4 ¸ 0,8, JK = 33,9 ¸ 53,3, Qu / Qk = 2,3 ¸ 4,9, JU = 31,55 ¸ 47,32.
Trên cơ sở phân tích đặc điểm trường vật lý trên các mỏ làm mẫu chuẩn, đã lựa chọn 18 tham số để nhận dạng là: Iγ, Qth, Qk, Qu, Jk, Jth, Ju, F, ∆T, DK, DU, DTh, Qth/Qu, Qu/Qk, Qk/Qth, ∆Qk,th, ∆Qth,u, ∆Qu,k.Kết quả nhận dạng, lựa chọn giá trị tham số T < 3,5, tức là tương ứng độ tin cậy phù hợp mẫu chuẩn > 80 %.
III. TRIỂN VỌNG VÀNG GỐC THEO TÀI LIỆU ĐỊA VẬT LÝ
Trên cơ sở tổng hợp kết quả xác định các dị thường trường từ, phổ gamma, kết quả nhận dạng theo các mẫu chuẩn đã giúp chọn đối chiếu các tài liệu địa chất và khoáng sản đã có như: các điểm quặng, vành phân tán địa hoá, khoáng vật… và khoanh định được 6 vùng có triển vọng vàng gốc như sau:
1. Vùng triển vọng Bồng Miêu (I): bao gồm toàn bộ khu mỏ Bồng Miêu và kéo dài về phía nam đến Xeo Kcheo. Các dị thường và kết quả nhận dạng tập trung chính ở các vùng Núi Kẽm và Hố Gần. Ngoài ra, còn một diện tích nhỏ khoảng 0,3 km2 ở Xeo Kcheo, cách các mỏ Núi Kẽm và Hố Gần khoảng 4 km về phía nam, cũng có các đặc trưng dị thường hoàn toàn tương đồng với các mỏ trên. Theo các tài liệu thu thập hiện có, diện tích này chưa được điều tra, đánh giá. Đặc điểm địa chất, địa vật lý diện tích này như đã trình bày ở trên.
2. Vùng triển vọng Trà Dương (II): có dạng kéo dài theo hướng á vĩ tuyến, từ Trà Dương đến Dương Yên, chiều dài khoảng 13 km, rộng khoảng 2,8 km, phân bố trong các thành tạo phân hệ tầng Khâm Đức dưới, sát rìa bắc đứt gãy cấp II Long Bình - Núi Che. Hệ thống đứt gẫy, dập vỡ rất phức tạp.
Đặc điểm địa vật lý: trường dị thường từ dương, giá trị thấp ∆T = 30¸55 nT, trường xạ phổ nói chung không cao: Iγ = 2 ¸ 3,5 µR/h, Qth = 10¸22 ppm, Qu = 3 ¸ 6,5 ppm, Qk = 0,6 ¸ 2,2 %, F = 0,2 ¸ 0,6, Qth/Qu = 2¸4. Kết quả nhận dạng phù hợp với mẫu Bồng Miêu với độ tin cậy > 80%, phân bố rải rác trong diện tích.
Ở phía tây vùng này đã tiến hành điều tra, đánh giá khoáng sản tỷ lệ 1:10.000. Ngoài ra, có 1 điểm quặng vàng đã phát hiện ở Dương Yên.
3. Diện tích triển vọng Tiên Hiệp (III): có dạng kéo dài theo hướng ĐB-TN, dọc theo các đứt gãy cùng phương. Chiều dài 10 km, từ Hương Lam đến Thôn Một, rộng khoảng 2 km. Vùng này chủ yếu phân bố trong các thành tạo phân hệ tầng Khâm Đức dưới.
Đặc điểm địa vật lý: trường từ phức tạp, với ∆T = - 50¸40 nT, trường xạ phổ thể hiện là vùng tiếp giáp giữa miền trường cao và miền trường thấp: Iγ = 1,5 ¸ 3 µR/h, Qth = 3¸23 ppm, Qu = 1,5 ¸ 6,5 ppm, Qk = 0,4¸ 0,7 %, F = 0,4 ¸ 0,7, Qth / Qu = 2 ¸ 5,5. Kết quả nhận dạng phù hợp với mẫu Bồng Miêu với độ tin cậy > 85%, phân bố tập trung ở 3 diện tích nhỏ là Hương Lam, Đèo Liễu và Thôn Một.
Theo [1] đã phát hiện 1 điểm quặng vàng tại thôn Một, trong diện tích tồn tại các vành trọng sa vàng.
4. Vùng triển vọng Thôn Ba, xã Trà Đốc (IV): nằm ở phía tây nam vùng nghiên cứu, có dạng kéo dài á vĩ tuyến, chiều dài 8 km, rộng 3 km, sát rìa phía nam đứt gãy cấp II Long Bình - Núi Che. Phần phía bắc vùng phân bố các thành tạo phân hệ tầng Khâm Đức dưới, phía nam là các thành tạo phân hệ tầng Khâm Đức giữa. Các đứt gãy phát triển theo các phương TB-ĐN, ĐB-TN và á kinh tuyến.
Đặc điểm địa vật lý: trường từ tương đối phức tạp ∆T = - 150¸90 nT, trường xạ phổ thể hiện ở trung tâm dải trường cao phân bố hướng á vĩ tuyến, còn ở phía bắc và nam vùng, trường thấp hơn: Iγ = 1,5 ¸ 5 µR/h, Qth = 2 ¸ 7,5 ppm, Qu = 2 ¸ 4,5 ppm, Qk = 0,6 ¸ 2,5 %, F = 0,2 ¸ 0,6, tỷ số Qth/Qu cao = 2,5 ¸ 11. Kết quả nhận dạng cho một số diện tích phù hợp mẫu Bồng Miêu, một số diện tích phù hợp mẫu Trà Giang với độ tin cậy cao > 85 %.
Trong vùng chưa phát hiện được điểm khoáng sản nào.
5. Vùng triển vọng Thôn Bốn, xã Trà Đốc (V): nằm sát rìa tây vùng nghiên cứu, có dạng kéo dài phương TB-ĐN, kích thước khoảng 11 x 4 km, sát rìa bắc đứt gãy Long Bình - Núi Che. Các thành tạo chủ yếu là phân hệ tầng Khâm Đức dưới, ở trung tâm lộ khối magma phức hệ Quế Sơn 2. Hệ thống đứt gãy, khe nứt phức tạp.
Đặc điểm địa vật lý: trong vùng này, trường địa vật lý thể hiện khá phức tạp và giá trị có sự thay đổi cao: ∆T = - 50¸150 nT, Iγ = 2¸6 µR/h, Qth = 6¸12 ppm, Qu = 2 ¸7,5, Qk = 0,4 ¸ 2,5%, F = 0,2 ¸ 0,6, Qth /Qu = 2,5 ¸ 8. Kết quả nhận dạng đã giúp khoanh định một số diện tích phù hợp mẫu Bồng Miêu, một số diện tích phù hợp mẫu Trà Giang có độ tin cậy cao > 85% , tập trung chủ yếu ở thôn Bốn và Núi Ba.
Trong vùng chưa phát hiện được điểm khoáng sản nào, nhưng tồn tại các vành trọng sa vàng.
6. Vùng triển vọng Vĩnh Ninh xã Tiên Lãnh (VI): nằm ở phía tây bắc vùng nghiên cứu, có dạng tương đối đẳng thước, kích thước khoảng 5 x 4,5 km. Các thành tạo địa chất chủ yếu là phân hệ tầng Khâm Đức dưới và giữa, nằm sát khối xâm nhập phức hệ Hải Vân ở phía đông. Hệ thống đứt gẫy phá huỷ rất phức tạp.
Đặc điểm địa vật lý: tồn tại dị thường từ kích thước không lớn với ∆T = - 270 ¸ 185 nT, trường xạ phổ gamma phân thành 2 vùng cao thấp khác nhau, trường cao ở phía ĐB, thấp ở phía TN, giá trị chung Iγ = 2¸6 µR/h, Qth từ 3¸8 đến 9¸25 ppm, Qu từ 1,5 ¸ 5,5 đến 4 ¸ 8,5 ppm, Qk = 0,4 ¸ 2,8%, F = 0,4 ¸ 0,8, sát rìa đông, đông bắc giá trị F khá cao F = 1,6 ¸ 2,5. Kết quả nhận dạng cũng thể hiện một số diện tích phù hợp mẫu Bồng Miêu, một số diện tích phù hợp mẫu Trà Giang, với độ tin cậy cao > 80%.
Trong diện tích đã phát hiện 1 điểm quặng vàng sát rìa sông Tranh và nhiều vành trọng sa vàng.
IV. KẾT QUẢ KIỂM TRA THỰC ĐỊA
Sau khi có kết quả xử lý, phân tích, các tác giả đã tiến hành kiểm tra sơ bộ tại thực địa bằng các phương pháp chủ yếu là lộ trình địa chất, tìm kiếm và đãi mẫu trọng sa với khối lượng hạn chế, tại một số diện tích thuộc một số vùng triển vọng đã khoanh định:
- Vùng Tiên Hiệp đã gặp đới biến đổi thạch anh sulfur chứa vàng. Kết quả phân tích một số mẫu cho hàm lượng vàng đạt 12-13 g/t, hàm lượng bạc 20-21 g/t.
- Vùng thôn Ba, xã Trà Đốc gặp đới biến đổi có quy mô lớn, kéo dài khoảng gần 1000 m, chiều rộng thay đổi từ vài chục đến 50-70 m. Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng vàng từ 4 đến 37 g/t, hàm lương bạc từ 9 đến 31 g/t.
Liên đoàn Vật lý Địa chất có kế hoạch điều tra tiếp các diện tích này .
KẾT LUẬN
Qua kết quả xử lý, phân tích tài liệu địa vật lý máy bay kết hợp các tài liệu địa chất, khoáng sản hiện có, đã khoanh định được 6 vùng có triển vọng vàng gốc. Các vùng này có đặc điểm địa vật lý tương tự các mỏ vàng Bồng Miêu và Trà Giang, trong số đó có vùng Bồng Miêu và một phần nhỏ phía tây vùng Trà Dương đã được điều tra, đánh giá, các vùng còn lại mới có biểu hiện hoặc là phát hiện điểm quặng hoặc có các vành trọng sa vàng và chưa được điều tra kỹ. Kết quả kiểm tra thực địa mặc dù còn rất sơ bộ với khối lượng và phương pháp nghiên cứu hạn chế nhưng đã cho thấy tính khách quan và hợp lý của công tác xử lý, phân tích. Các tác giả hy vọng các kết quả này sẽ là một cơ sở tin cậy để lựa chọn các diện tích điều tra, đánh giá khoáng sản vàng gốc ở vùng này.
Bài báo được sự hỗ trợ của đề tài nghiên cứu cơ bản, mã số: 7 201 06
NGUYỄN THẾ HÙNG1, NGUYỄN TRẦN TÂN1,
NGÔ THANH THUỶ1, NGUYỄN TÀI THINH2
1Liên đoàn Vật lý Địa chất,Km 9, đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội,
2Hội KHKT Địa vật lý Việt
Tạp Chí Địa Chất
VĂN LIỆU
1. Cát Nguyên Hùng (Chủ biên), 1999. Bản đồ quy luật phân bố và dự báo khoáng sản tỷ lệ 1:50.000, nhóm tờ Quảng Ngãi. Lưu trữ Địa chất, Hà Nội.
2. Lê Đức Hùng (Chủ biên), 1985. Kết quả tìm kiếm, đánh giá triển vọng vàng gốc Bồng Miêu, Quảng
3. Mai Thất (Chủ biên), 1991. Tìm kiếm đánh giá vàng gốc vùng Trà Dương, Trà My, tỉnh Quảng
4. Nguyễn Tài Thinh, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Trường Lưu, Đỗ Tử Chung, 2005. Một hệ phương pháp xử lý, phân tích tài liệu bay đo từ phổ gamma và trọng lực với mục đích dự báo và tìm kiếm khoáng sản. Tuyển tập báo cáo Hội nghị KHKT Địa vật lý Việt
5. Nguyễn Văn Trang (Chủ biên), 1996. Bản đồ địa chất và khoáng sản tờ Hội An tỷ lệ 1:200.000. Cục Địa chất và Khoáng sản VN, Hà Nội.
6. Trương Khắc Vy (Chủ biên), 1991. Bản đồ quy luật phân bố khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Tam Kỳ - Hiệp Đức. Lưu trữ Địa chất, Hà Nội.