Cyanua về... làng!
Những tưởng cyanua chỉ “gắn bó” với những vùng vàng Phước Sơn (Quảng Nam), giờ đây chất cực độc này đã len lỏi xuống đồng bằng, thậm chí vào từng nhà, vườn... của vùng giáp ranh giữa xã Tam Lãnh (H. Phú Ninh) và Tiên Lập (H. Tiên Phước), Quảng Nam).
Lợi dụng địa hình giáp ranh giữa hai huyện Tiên Phước- Phú Ninh (Quảng Nam) và sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại, nhiều năm nay người dân trong và ngoài huyện “đua” nhau đưa nguyên liệu về địa phương để làm vàng, chất thải cyanua tuyển lọc vàng được đổ thẳng xuống sông.
Làm vàng ngay ven đường
Thôn Đàn Thượng (xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh) là địa phận giáp ranh với thôn 3 (xã Tiên Lập, H. Tiên Phước). Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng tuyển quặng vàng bằng cyanua ở vùng giáp ranh này công khai suốt thời gian dài. Theo quan sát của P.V, dọc hai bên bờ sông Quế Phương (ranh giới chia cắt giữa hai xã) có rất nhiều hồ chứa quặng được dựng lên.
Bên cạnh đó, nhiều điểm mặt bằng rộng hàng trăm mét vuông nằm sát con đường liên xã cũng được “trưng dụng” cho việc làm vàng với sự tham gia của hàng trăm nhân công thuê từ khắp nơi. Điều đáng nói, hiện trường tuyển vàng nằm ngay trên trục đường dân sinh nối liền giữa hai xã, thế nhưng sự việc trên vẫn diễn ra hàng ngày. Chị Nguyễn Thị C. (50 tuổi, trú thôn 3, Tiên Lập) đang dùng cuốc xới đất quặng ra bạt để phơi khô cho biết, chị cùng 3 phụ nữ khác trong thôn đang làm thuê cho một người đàn ông quê ở xã Tam Dân (H. Phú Ninh). Người này trả cho các chị một ngày công trên dưới 100 ngàn, nếu trúng vàng thì sẽ thưởng thêm. Nhưng khi hỏi tên người đàn ông trên thì chị C. thoái thác: “Tôi có biết tên ổng đâu, ổng thuê mình làm đến tháng ổng trả tiền công vậy thôi chứ biết tên ổng làm gì”...
Quặng từ nơi khác chở về được phơi khô trước khi ngâm hóa chất cyanua. |
Tại đây, đất quặng từ nơi khác được đưa về chất thành đống cao. Chị C. cùng những phụ nữ khác phụ trách công đoạn tơi đất quặng ra phơi khô, sau đó đưa vào máy tiếp tục đánh nhỏ ra rồi đem qua bên kia đường đổ vào những hồ để ngâm cyanua. Dọc bờ sông Quế Phương, hàng chục hồ ủ tuyển vàng với dung tích mỗi hồ 3-4m3 được dựng lên.
Ngay khu vực chị C. đang làm có đến 6 hồ ủ như vậy. Khi chúng tôi đến những hồ trên để ghi hình thì bất chợt thấy cảnh nhốn nháo của những công nhân. “Nhanh, nhanh lên, nhà báo tới”. Họ vừa nói vừa chạy, nhanh chóng đưa các phương tiện máy móc phục vụ việc tuyển vàng đem giấu vào những bụi cây gần đó. Từ những hồ chứa quặng, nước xả thải trực tiếp đổ ra sông Quế Phương. Thấy chúng tôi ghi hình, một phụ nữ đi đường dừng xe máy lại bức xúc: “Đứng gần đây là nghe mùi hóa chất nồng nặc. Nước thải cyanua xả thẳng xuống sông làm cá chết hàng loạt. Mới đây, một con bò đã chết vì uống nước dưới đoạn sông này”.
Tại khu vực này, theo tìm hiểu của chúng tôi và có sự xác nhận của chính quyền địa phương, người “đứng sau” những hố bãi trên chính là ông Nguyễn Văn Cao.
Hồ tuyển quặng của ông Nguyễn Chí Linh. |
Lấy quặng vàng về... trồng chuối?
Cách đó vài trăm mét, phía dưới cầu Quế Phương, một hồ tuyển quặng khoảng 30m2 mới được dựng lên. Chúng tôi đến tìm hiểu thì người dân cho biết hồ này của một người tên Linh. Ngay lúc đó, một đoàn xe gồm 4 chiếc nối đuôi nhau chở đất từ bên kia cầu qua tập kết tại một điểm bên cạnh hồ vừa làm để chuẩn bị công việc tuyển quặng vàng.
Chúng tôi đến trụ sở UBND xã Tiên Lập để tìm hiểu. Ông Huỳnh Văn Điểu, Chủ tịch UBND xã Tiên Lập cho biết: “Thực tế hai ngày nay có đoàn xe chở đất từ trên núi xuống để tuyển quặng vàng. Trước sự việc trên chúng tôi vừa họp để tìm phương án giải quyết. Vì cấp xã không thể chặn bắt xe tải được. Còn xe múc có giá trị tài sản lớn nên cũng không thể thu giữ. Hiện chúng tôi đang điện lên huyện để xin ý kiến”. “Trong lúc chờ ý kiến huyện, các anh có thể tiến hành lập biên bản tạm dừng mà?”- P.V đề xuất. Ông Điểu nhất trí với ý kiến của P.V và phân công CAX cùng địa chính lên hiện trường để xử lý vụ việc.
Hiện trường tuyển quặng. |
Trên đường vào hiện trường đào lấy đất, chúng tôi ghi nhận có 4 chiếc xe ben chở đất từ trong núi ra và 1 xe múc đang hoạt động. Lúc này ông chủ tên Linh (người dân cho biết tên họ đầy đủ là Nguyễn Chí Linh, 1985, trú thôn 3, xã Tiên Lập), được yêu cầu viết bản tường trình. Linh khai nhận đã thuê các phương tiện này múc và vận chuyển đất 2 ngày nay, nhưng lại ngụy biện “Tôi xin múc đất về để đổ nền nhà và trồng chuối chứ có làm vàng đâu”.
Trưởng CAX Tiên Lập Nguyễn Thanh Tứ cho biết: “Tuy trong biên bản Linh nói chở đất về đổ nền nhà và trồng chuối, nhưng thực tế hành vi vi phạm của Linh thì ai cũng biết. Chúng tôi sẽ cho dừng hoạt động và tiến hành phá dỡ hồ tuyển quặng mà Linh vừa dựng lên”. “Do địa bàn giáp ranh nên người Tam Lập có qua bên Tam Lãnh để làm vàng. Nhưng địa điểm các hồ chứa quặng thuộc đất của Tam Lãnh nên chúng tôi không xử lý được. Cách đây 3 tuần, CAH Tiên Phước và Phú Ninh phối hợp xử lý, tiêu hủy nhiều máy móc và dụng cụ làm vàng, song đó chỉ là những giải pháp tình huống. Khi lực lượng chức năng rút thì họ lại mua máy mới về làm lại”, Trưởng CAX Nguyễn Thanh Tứ lý giải.
Trong khi đó Trưởng CAX Tam Lãnh Nguyễn Văn Thanh lại cho hay: “Chúng tôi thường xuyên đến truy quét, đốt các lán trại, dùng muối, lấp đất vào hồ chứa hóa chất, xử phạt hành chính, nhưng do lực lượng mỏng chưa thể ngăn chặn triệt để những hành vi trên”.
Được biết, sông Quế Phương là một phần của sông Bồng Miêu, từ đây dòng nước chảy hòa vào sông Tiên, sông Tiên chảy đổ về sông Thu Bồn, nơi cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho ½ người dân Quảng Nam...
Trần Tân - Báo CA Đà Nẵng