Công tác binh địch vận trước trong và sau chiến dịch giải phóng Sơn Cẩm Hà
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tiên Phước là một vùng quê cách mạng tiêu biểu, nơi đã diễn ra những cuộc đấu tranh quyết liệt nhất của quân và dân tỉnh Quảng Nam và cũng là căn cứ địa cách mạng, là hậu phương phương cho chiến trường của tỉnh và Khu 5.
Ba xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà (nay là Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà) là địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng nối liền giữa miền núi và đồng bằng nên địch bố trí lực lượng chốt chặn những nơi hiểm yếu, chúng ra sức gom dân lập ấp chiến lược để kìm kẹp, ngăn chặn quân ta tiến xuống đồng bằng và địch nên gây ra cho ta rất nhiều khó khăn. Vì vậy, giải phóng được 3 xã Sơn - Cẩm - Hà sẽ mở ra nhiều thuận lợi cho cách mạng, phá vỡ phòng tuyến liên hoàn của địch, tạo cầu nối giữa miền núi Tiên Phước, Trà My với các huyện đồng bằng.
Tuy nhiên, trong những năm từ 1954 đến 1959, trong lúc ta nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, thì Mỹ - Diệm trắng trợn phá hoại hiệp định, thực thi chiến lược “thực dân mới điển hình của Mỹ” tấn công tiêu diệt Đảng cộng sản, đàn áp đẫm máu phong trào yêu nước của quần chúng, xác lập chế độ độc tài phát xít khát máu, phản dân hại nước. Tiên Phước là một trong những nơi bị địch khủng bố khốc liệt nhất, làm cho phong trào cách mạng bị tổn thất nặng nề. Tại 3 xã Sơn - Cẩm - Hà, chính quyền tay sai của Mỹ và bọn Quốc dân đảng đã gây ra những tội ác man rợ. Nhiều vụ giết người, trả thù ngày càng trắng trợn, tàn ác, những đảng viên, cơ sở cách mạng và quần chúng kiên trung bị địch bắt, giết, thủ tiêu. Chúng khủng bố ráo riết nên ở Sơn - Cẩm - Hà hầu như trắng cơ sở cách mạng.
Thực thi chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, địch ra sức gom dân lập ấp chiến lược theo hình thức “tát nước bắt cá”, nhằm tách dân ra khỏi Đảng. Chúng đã gây cho nhân dân Sơn - Cẩm - Hà rất nhiều trở ngại, làm đảo lộn mọi tập quán sinh hoạt, sản xuất, về lâu dài sẽ làm suy kiệt nguồn nhân tài vật lực cho cách mạng. Ở Phước Cẩm địch xây dựng 3 ấp; Phước Sơn, Phước Hà mỗi xã có 5 ấp theo kiểu “2 sông 3 núi”. Bên cạnh đó bọn tề điệp, ác ôn, nhất là bọn quốc dân đảng cũng được tăng cường về đây để kìm kẹp nhân dân. Các đơn vị bảo an, tổng đoàn dân vệ đóng các chốt điểm, bảo vệ bên trong các ấp chiến lược và cơ động đánh phá ra các vùng chung quanh, mở rộng vành đai an toàn cho toàn khu vực Sơn - Cẩm - Hà. Bên cạnh đó, địch ra sức tuyên truyền nhồi nhét tư tưởng phản động, rêu rao sự lớn mạnh của “quân đội quốc gia” nhằm đánh lừa nhân dân, làm lẫn lộn trắng đen. Tuy nhiên đại đa số nhân dân Sơn - Cẩm - Hà vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng, căm thù và lên án mạnh mẽ những hành động phi nghĩa, tàn bạo của Mỹ - ngụy, mong muốn cách mạng về giải phóng quê hương.
Tình hình cách mạng miền Nam đã thay đổi nên Trung ương Đảng chỉ đạo từ đấu tranh chính trị đơn thuần, tiến lên đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang và từng bước xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Tỉnh ủy Quảng Nam mở hội nghị quán triệt tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, đề ra những chủ trương lớn và đã quyết định: Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng vũ trang và thực lực chính trị. Tập trung sức quyết liệt chống phá ấp chiến lược mạnh mẽ và liên tục, lấy phong trào đấu tranh vũ trang, chính trị và công tác binh vận phục vụ xoay quanh vấn đề chống phá ấp chiến lược, qua đó xây dựng và phát triển thực lực cách mạng trong toàn tỉnh.
Để tạo một bước chuyển biến căn bản cho phong trào cách mạng toàn tỉnh, tháng 01 năm 1960, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được tổ chức tại làng ADuân (huyện Hiên). Đại hội quyết định chuyển phương thức đấu tranh sang thời kỳ mới; đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, diệt ác phá kèm, giành chính quyền về tay nhân dân. Đến hội nghị lần thứ 4, Tỉnh ủy ra Nghị quyết chỉ rõ: Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tranh thủ thời cơ, liên tục tấn công địch, ra sức phá ấp chiến lược, nhanh chóng phát động quần chúng phá kìm, giành lại nông thôn, đồng bằng.
Tháng 7 năm 1962, Khu ủy 5 mở hội nghị bàn biện pháp chỉ đạo hoạt động Thu Đông đã nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm quan trọng nhất hiện nay là tập trung mọi lực lượng và khả năng vào đánh bại quốc sách ấp chiến lược của địch. Do đó cơ quan binh địch vận chỉ đạo, hướng dẫn, đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở bên trong vùng địch kiểm soát; trong một thời gian ngắn đã có nhiều gia đình, cá nhân được móc nối, là cốt cán của ta. Cán bộ đội công tác bước đầu nắm được một bộ phận lực lượng dân vệ và thanh niên chiến đấu trong các ấp chiến lược. Công tác binh địch vận hoạt động mạnh và hiệu quả nhất là xã Phước Cẩm; ở đây có một tổ gồm 3 phụ nữ rất năng nổ, đã tuyên truyền, lôi kéo được một số binh lính địch. Lực lượng làm công tác binh địch vận rải truyền đơn giải thích đường lối chính sách khoan hồng của Đảng và Mặt trận dân tộc giải phóng, tấn công vào tư tưởng của bọn dân vệ, ngụy quyền. Bên cạnh đó, cán bộ đội công tác bí mật luồn vào bên trong vận động nhân dân sẵn sàng nổi dậy diệt ác, trừ gian, phá ấp, phá kìm trở về làng cũ, biến ấp chiến lược của địch thành làng chiến đấu của ta.
Trước những chuyển biến mạnh mẽ trên chiến trường, lực lượng vũ trang của tỉnh, huyện đã lớn mạnh, phong trào đấu tranh chính trị có hiệu quả và mũi tiến công binh địch vận đã đạt được những thắng lợi quan trọng. Ngày 25 tháng 9 năm 1962, ta mở chiến dịch Vượt sông Tiên giải phóng 3 xã Sơn - Cẩm - Hà và phát triển xuống phía tây huyện Thăng Bình, phá vỡ phòng tuyến giáp ranh giữa ta và địch. Trong chiến dịch này cán bộ, chiến sĩ quyết tâm “Vượt sông Tiên chỉ thắng không lùi”, “Vượt sông Tiên là không trở lại”. Chính quyết tâm đó đã tạo cho các đơn vị sức mạnh to lớn, nhanh chóng tiêu diệt ngụy quân, làm ta rã ngụy quyền, giành quyền làm chủ 3 xã Sơn - Cẩm - Hà với ưu thế tuyệt đối. Ta đã giành được địa bàn chiến lược, tạo được thế đứng có tầm khống chế cả vùng đồng bằng phía nam của tỉnh. Ta cơ bản giải quyết được một phần khó khăn về nguồn nhân lực, giải quyết một phần thóc gạo nuôi quân đang lúc thiếu hụt. Các đơn vị lực lượng vũ trang bám nơi đây để phát triển lực lượng, phát động nhân dân xây dựng làng xã chiến đấu, sẵn sàng đánh địch phản kích. Thắng lợi có ý nghĩa chính trị sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, làm cho ngụy quân, ngụy quyền các cấp hoang mang dao động mạnh.
Trong quá trình diễn ra chiến dịch, lực lượng làm công tác binh địch vận đã phối kết hợp chặt chẽ với bộ đội, các đội vũ trang công tác xã và lực lượng hợp pháp, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như rải truyền đơn, gửi thư tay, rao loa, rỉ tai qua người thân..., làm cho binh lính địch hiểu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Từ đó khêu gợi tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc trong hàng ngũ địch, kêu gọi họ trở về cùng toàn dân đứng lên đánh đổ đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước. Công tác binh vận đã làm cho nhiều binh lính địch tỏ ra nghi ngờ “sức mạnh của quốc gia”, hoang mang, dao động, khi ta tấn công, đã có hàng chục binh lính ngụy ở 3 xã Sơn - Cẩm - Hà bỏ hàng ngũ trở về với nhân dân.
Sau ngày giải phóng, cán bộ binh địch vận đẩy mạnh việc gọi binh lính địch trốn chạy trong núi ra hàng cách mạng để được hưởng lượng khoan hồng. Các tổ binh vận của lực lượng bộ đội tỉnh, đội công tác xã và nhân dân bằng nhiều nhiều hình thức tuyên truyền vận động linh hoạt, mềm dẽo như: vận động gia đình binh sĩ, nhân viên ngụy quyền “tìm một lối ra vinh dự cho người thân”, viết thư gửi chồng, con, em khuyên nhủ đừng gây tội ác, trở về sống với gia đình, tham gia công tác cách mạng. Qua công tác tuyên truyền và những mối quan hệ ruột thịt của gia đình, đã tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm và giúp cho binh lính địch nhận biết đường lối chính sách của ta, nên nhiều người mang súng về với cách mạng, tham gia kháng chiến.
Đầu tháng 10 năm 1962 phong trào quần chúng ở hai xã Phước Cẩm và Phước Sơn được phát động rất mạnh. Cán bộ làm công tác binh địch vận đã phối hợp với các đơn vị vũ trang tích cực vận động nhân dân kiên quyết truy bắt tàn quân địch lẩn trốn trong rừng. Vận động thanh niên nam, nữ xung phong vào dân quân du kích, tham gia xây dựng chính quyền cách mạng, lập các trạm tiếp tế lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội, du kích chiến đấu, làm công tác bố phòng, xây dựng làng chiến đấu, đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường.
Ngày 15 tháng 10 năm 1962, ta tổ chức míttinh mừng chiến thắng, ra mắt chính quyền cách mạng từ thôn đến xã. Nhân dân 3 xã Sơn - Cẩm - Hà, với băng cờ biểu ngữ kéo về địa điểm míttinh trong khí thế sục sôi cách mạng. Ta tổ chức cho nhân dân tố cáo tội ác của bọn tay sai và Quốc dân đảng, chỉ rõ từng tên phản động để cách mạng trừng trị. Sau míttinh, nhân dân biểu dương lực lượng, tập trung phá rào ấp chiến lược của địch, rào làng chiến đấu của ta đề phòng địch phản kích. Cũng trong thời gian này, cán bộ binh địch vận, cùng chính trị viên lực lượng vũ trang đã xuống từng thôn, xóm giáo dục những người nhẹ dạ, theo dõi, đấu tranh cô lập các đối tượng xấu. Động viên các tầng lớp nhân dân tham gia vào các đoàn thể, nhằm tạo ra lực lượng lớn mạnh, đấu tranh, tạo thế hợp pháp để đi lại giữa vùng ta và vùng địch, mua bán, giao lưu hàng hóa, đồng thời làm công tác binh địch vận, lôi kéo binh sĩ về với cách mạng.
Đầu năm 1963, địch tập trung quân mở các cuộc hành quân “Lam Sơn 7”, “Lam Sơn 8” đánh phá vùng giáp ranh miền núi, lấn chiếm lại những vùng ta mới mở ra. 3 xã Sơn - Cẩm - Hà là một trong những nơi chúng đưa lực lượng và các phương tiện chiến tranh hiện đại đến đánh phá vô cùng ác liệt, nhằm thực hiện việc gom dân lập ấp, bình định nông thôn. Cán bộ binh địch vận đã cùng lực lượng vũ trang bám sát địa bàn chiến đấu, vận động nhân dân chống phá các âm mưu thủ đoạn của địch. Nhân dân tự nguyện, khẩn trương cùng bộ đội, du kích bố phòng, đặt hầm chông, gài thò, đào hầm trú ẩn ở những nơi xung yếu phục vụ chiến đấu tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch.
Trong chiến dịch Vượt sông Tiên giải phóng 3 xã Sơn - Cẩm - Hà, công tác binh địch vận đã góp phần quan trọng trong vận động, tập hợp quần chúng nhân dân đứng lên làm cách mạng. Tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng, Mặt trận dân tộc giải phóng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; chỉ rõ bản chất của kẻ thù, lôi kéo quần chúng về với cách mạng. Mặt khác bằng nhiều hình thức khác nhau đã đấu tranh trực diện với địch, phản bác những luận điệu xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng ta, vạch trần bộ mặt thật của bè lũ bán nước và cướp nước. Chính những kết quả to lớn ấy đã góp phần xây dựng Sơn - Cẩm - Hà thành một trong những địa phương kiên trung, là hậu phương vững chắc của tỉnh và một số cơ quan của Khu ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5; là cầu nối giữa miền núi và đồng bằng, đóng góp sức người sức của cho công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam