www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cõng năm em bằng cây cọ chép tranh

Ba lần định cưới vợ thì ba lần những đứa em Điệp, một cây cọ chép tranh ở Sài Gòn, từ quê Tiên Phước vào Sài Gòn học đại học, đành phải lần lữa khất đám cưới. Lần thứ tư có lẽ anh lại phải hoãn, vì người yêu trong thời gian chờ đợi học đến mấy bằng đại học, trong khi anh chẳng bằng cấp gì cả.

           Ngày ấy, cách đây 13 năm, Điệp lang thang vào Vũng Tàu tìm kế mưu sinh để cho gia đình bớt một miệng ăn. Đất Tiên Phước, Quảng Nam quê anh nổi tiếng đói nghèo. Học xong lớp 9, Điệp phải bỏ học để giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ, nhường ghế học đường lại cho năm đứa em. Nhưng nghỉ học rồi cũng chẳng biết phải làm gì. Lên núi cao tìm vàng từ ngày này sang ngày khác, chỉ gặp toàn đất với đá. Vô rừng sâu tìm trầm, mỗi chuyến băng rừng năm bảy ngày đêm, lại trở về tay trắng. Đi bắt rắn, đi bứt mây, nhiều hôm suýt chết vì rắn độc, voi quần…

         Nét cọ từ nỗi ám ảnh tuổi thơ

      Điệp nhớ, có lần ba sai anh mang tấm ảnh của bà nội ra thị trấn thuê thợ hoạ hình thờ. Từ đó, bàn tay điêu luyện của người thợ vẽ cứ ám ảnh Điệp. Ký ức nhỏ nhoi ấy lại chính là hành trang cho cuộc mưu sinh vô định.

       Tại Vũng Tàu, Điệp may mắn được một người bạn giới thiệu vào học nghề trong tiệm vẽ. Vừa học vừa làm được hơn một năm, Điệp nghe người ta trà dư tửu hậu với nhau rằng, nghề chép tranh ở Sài Gòn đang ăn khách, rằng trên đường Mạc Đĩnh Chi có ông Trần Anh Trụ nổi tiếng chép những hoạ phẩm lừng danh thế giới cho khách phương Tây. Những thông tin ấy cứ như đổ dầu vào ngọn lửa khát khao trong lòng Điệp. Nhưng Điệp không thể ra đi vì sợ mang tiếng phụ ơn thầy, mặc dù Điệp đang sống trong những tháng ngày đầy cay đắng.

       Ngày nhập môn, ông chủ tiệm giao ước, phải đóng tiền ăn sáu tháng bằng một chỉ rưỡi vàng, khi học nghề xong, phải làm nghề trả công một thời gian. Lúc ấy, trong túi Điệp chỉ vỏn vẹn năm phân vàng, anh phải lặn lội về quê tìm người chú xin thêm một chỉ. Học được sáu tháng, ông chủ đã giao cho Điệp vẽ hình thờ cho khách.

Lương Văn Điệp, cây cọ chép tranh mãi lận đận vì đàn em, nên phải ba lần hoãn cưới vợ

       Những bức vẽ đầu tiên, ông chủ còn chỉnh sửa đôi chút, những bức hình sau, chủ không cần phải sửa. Có lần, ông chủ đi du lịch suốt cả tuần, Điệp ở nhà nhận hình vẽ, giao hàng và thu hơn một triệu đồng, khi ông chủ trở về, Điệp báo cáo và giao hết số tiền lại cho ông. Điệp hy vọng rằng, với sự tận tâm và lòng trung thực của mình, anh sẽ sớm trả công thầy và thầy sẽ xem anh là một người làm thuê trong thời gian sớm nhất, dù chút ít đồng lương để nuôi thân.

       Một hôm, người làm bếp xin thôi việc, ông chủ giao Điệp kiêm thêm công việc ấy. Sáng ra ngồi vẽ, trưa đi chợ, nấu cơm. Ăn xong lại vẽ, chiều lại đi chợ nấu cơm, rửa chén nhưng suốt một năm rưỡi Điệp không được trả lương dù một cắc. May là nhờ một người bạn đồng nghiệp thương tình, mỗi ngày giúi vào tay Điệp hai ngàn đồng, Điệp mua gói mì bảy trăm đồng ăn sáng, ba trăm đồng hút thuốc Trị An, còn lại một ngàn gọi là tích luỹ. Đau khổ, đắng cay nghèn nghẹn trong lòng nhưng không dám ra đi, sợ mang hai tiếng phản thầy.

      Một buổi tối, Điệp dọn cơm xong thì có chuyện không vui xảy ra với đứa cháu của ông chủ, sau vài lời qua lại, người cháu của ông chủ đá mâm cơm, không may bể cái tô, miểng đâm bàn chân chảy máu. Dĩ nhiên là ông chủ bênh vực người cháu của mình. Đêm ấy, Điệp nghe họ nói với nhau: “Cho hắn đi cho khuất mắt”. Sáng hôm sau, Điệp buồn bã thưa với chủ: “Đã xảy ra chuyện như thế rồi, dù ai đúng ai sai đi nữa thì em ở lại cũng không vui. Cảm ơn thầy đã dìu dắt em hơn một năm qua”.

         Nét cọ nuôi em

      Điệp ra xe đò vào Sài Gòn, hỏi thăm đường Mạc Đĩnh Chi rồi lội bộ từ đầu đường đến cuối đường thì gặp phòng vẽ của thầy Trần Anh Trụ. Thầy Trụ giao ước: “Học nghề miễn phí, ăn ở tự lo, khi nào vẽ được thì chia từ ba mươi đến năm mươi phần trăm, tuỳ theo tôi sửa nhiều hay sửa ít”. Đúng như người ta đồn đãi, phòng vẽ của thầy Trụ chuyên chép những bức tranh nổi tiếng theo đơn đặt hàng của du khách phương Tây. Từ chép chân dung chuyển qua chép tranh, với Điệp hoàn toàn mới mẻ. Nhưng đến ngày thứ hai mươi mốt thì thầy Trụ đã giao cho Điệp làm hàng cho khách, được chia tỷ lệ năm mươi phần trăm.

       Những ngày đầu, Điệp thuê một phòng trọ ở Gò Vấp, sáng dậy rang cơm nguội ăn điểm tâm, xong, lấy giấy gói một gói đường cát bỏ túi rồi đạp xe vô phòng vẽ. Trưa, thầy Trụ và anh em trong phòng rủ đi ăn cơm thì Điệp nói mình ăn rồi. Chờ cho mọi người đi khuất, Điệp đạp xe đi mua ổ bánh mì rồi ra ghế đá công viên Lê Văn Tám ngồi ăn với đường cát. Khi biết được chuyện ấy, thầy Trụ xúc động đến rưng rưng nước mắt. Ông hỏi thăm hoàn cảnh, Điệp nói, nếu thầy thương em thì cho hai đứa em trai của em vào đây để học nghề. Thầy Trụ gật đầu mà không cần suy nghĩ.

     Năm 1998, Lương Văn Điệp, Lương Văn Tiết và Lương Văn Thương đã trở thành ba “cây cọ” chống đỡ vững chắc một gia đình vốn nghèo khó ở Quảng Nam. Tại phòng vẽ, thầy Trụ xây lại ngôi nhà ba tầng. Thầy bảo: “Không cần thuê nhà trọ xa xôi, tao giao nhà cho tụi bây quản lý, thích vẽ ban đêm thì cứ vẽ để có thêm tiền”.

       Năm 1999, có một cô sinh viên xin vào học vẽ. Không biết vô tình hay cố ý mà thầy Trụ giao cho Điệp dạy nghề. Tình cảm nảy sinh, cô gái ấy quý Điệp trước hết là lòng hiếu thảo với mẹ cha, trách nhiệm của người anh đối với cả một đàn em ăn học. Điệp ngày đêm chúi đầu vào khung vẽ, quên cả bản thân mình. Nhưng khi có tiền thì lại nghĩ đến các khoản nợ nần của cha mẹ, tiền trường, tiền sách vở, phương tiện đi lại của mấy đứa em. Khi cô gái ấy ra trường, hai người định làm đám cưới thì Lương Văn Tám vào Sài Gòn thi đại học, Thương lấy vợ phải lo cuộc sống riêng. Trách nhiệm lại đè nặng lên vai Điệp và Tiết. Hai năm sau, bé Dung tiếp tục vào đại học, cuộc hôn nhân của Điệp đành phải hoãn lại thêm một lần nữa. Rồi hai năm sau nữa, bé Duyên lại vào đại học, Điệp lại hoãn đám cưới. Hiểu được nỗi lo và trách nhiệm của người anh, cô gái ấy vừa âm thầm chờ đợi, vừa tiếp tục học thêm một chương trình đại học.

        Điệp nghĩ, người vợ tương lai của mình học hành như thế mà mình thì chưa hết cấp hai, anh bớt thời gian làm đêm để đi học văn hoá. Tốt nghiệp cấp ba, Điệp thi đậu vào đại học Mỹ thuật công nghiệp. Nhưng thực tế làm cho Điệp phải ngậm ngùi: nếu anh vừa học vừa làm thì một mình Tiết không thể nuôi nổi mấy đứa em. Đành phải bỏ một khoảng trống trong hàng ghế giảng đường năm ấy, Điệp sang trường đại học Mỹ thuật bên Phan Đăng Lưu học chương trình đồ hoạ ngắn hạn ban đêm. Nhưng học để biết vậy thôi, anh không thể xa rời cây cọ chép tranh đã, đang và sẽ tiếp tục cứu cánh gia đình.

         Sau khi bé Dung được nhận vào thực tập ở một tờ báo có tiếng, Điệp nghĩ mình đã có thể cưới vợ, người bạn gái chờ anh đã mười năm, nhưng còn tấm bằng đại học…

                                                                    Võ Đắc Danh - Báo Sài Gòn Tiếp Thị