Công binh xưởng Q.B 150
Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp (1945-1954), trên địa bàn xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước đã từng tồn tại một cơ sở quốc phòng khá lớn, chuyên sản xuất vũ khí, đạn dược cung cấp cho cả chiến trường Liên khu V đánh Pháp. Cơ sở quốc phòng đó là Công binh xưởng Q.B 150.
Không lâu sau Cách mạng Tháng Tám thành công được sự trợ giúp của quân Anh, giặc Pháp quay trở lại gây hấn và đánh chiếm Sài Gòn hòng cướp nước ta một lần nữa. Đến tháng 3-1947, quân viễn chinh Pháp mở rộng các cuộc tiến công đánh sâu vào vùng hậu phương nông thôn rộng lớn của ta. Ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, ngày 3-3-1947, chúng mở đầu cuộc tấn công và chiếm được các huyện, thị xã đồng bằng. Trước thực tế đó, hàng vạn đồng bào đã tản cư lên Tiên Phước - vẫn là vùng tự do chưa bị Pháp chiếm đóng.
Tiên Phước lúc bấy giờ không những là nơi tiếp đón, cưu mang giúp đỡ những đồng bào tản cư, mà còn trở thành căn cứ địa của tỉnh, có trại sản xuất, có công binh xưởng, xưởng giấy, xưởng hóa chất, các bệnh viện dân y và quân y... Trong số những cơ sở sản xuất đóng tại địa bàn huyện Tiên Phước, Công binh xưởng Q.B 150 đã có những đóng góp to lớn cho chiến trường Liên khu V lúc bấy giờ, góp phần vào công cuộc thắng lợi của 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Những tháng đầu năm 1947, Công binh xưởng Q.B 150 chuyển về đóng cơ sở ở Hố Đá (nay là thôn 1, xã Tiên Cảnh). Đây là một cơ sở quốc phòng khá lớn, có hơn 300 công nhân quân giới làm việc khẩn trương suốt ngày đêm. Nhà xưởng là những khu nhà dài, lợp tranh, nền đất sét nện, các lò đúc vỏ đạn đổ đồng là những hố sâu và rộng (3m x 10m). Mỗi khu binh xưởng gồm có các phân xưởng như đúc vỏ đạn, vô thuốc súng, xưởng sửa chữa binh khí, khu làm việc của ban quản đốc. Từ khi chuyển về đóng tại địa bàn Tiên Phước, quản đốc Công binh xưởng lúc bấy giờ là đồng chí Đỗ Kim Cẩn (khoảng 27-28 tuổi).
Công binh xưởng lúc này chuyên sản xuất lựu đạn đập, sửa chữa và cải tiến súng thu được, chế tạo đạn súng trường Maz 36. Nhờ nằm ở vùng núi đồi, địa thế hiểm trở, ba mặt giáp núi (núi Mít Nài, núi Tranh Lớn), là điều kiện che chắn, bảo vệ khiến quân thù khó khăn trong việc phát hiện đánh phá, oanh tạc; Công binh xưởng Q.B 150 tồn tại ở đấy trong một thời gian dài.
Năm 1949, để tiện cho việc tập kết nguyên liệu cũng như xuất vũ khí, đạn dược ra chiến trường thuận lợi, Công binh xưởng Q.B 150 chuyển từ Hố Đá ra làng Lộc Yên, ngay trước cánh đồng Dinh và phía sau nhà ông Bùi Thiểm (nay là thôn 1). Lúc này, quản đốc vẫn là đồng chí Đỗ Kim Cẩn và nhà ông Bùi Thiểm được dùng làm văn phòng của Công binh xưởng Q.B 150. Tại đây, đồng chí Cẩn đã chế tạo ra máy dập chốt đạn và được phong Anh hùng Lao động, sau đó được cử đi Liên Xô học tập.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Nam được cử làm quản đốc công binh xưởng. Để phù hợp với tình hình chiến trường, ngoài việc chế tạo lựu đạn đập, đạn súng trường Maz 36, lúc này công binh xưởng còn chế tạo đạn súng Canuasinua, Mouscaton. Đặc biệt, trong thời gian này, công binh xưởng đã biết tận dụng nguồn phân dơi lấy từ hang dơi (Tiên An) để chế tạo thuốc nổ. Việc sử dụng tốt nguồn nguyên liệu tại chỗ này có ý nghĩa rất lớn, tiết kiệm tối đa về tài lực trong vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất của công binh xưởng.
Do có xu hướng bị lộ tồn tại ở đây một thời gian, Công binh xưởng Q.B 150 chuyển đến một địa điểm khác cũng ở làng Lộc Yên (nay thuộc thôn 4, Tiên Cảnh), ngay sau nhà ông Nguyễn Đình Huỳnh. Và nhà ông Huỳnh trở thành văn phòng làm việc của công binh xưởng. Lúc này, quản đốc công binh xưởng là đồng chí Trần Tuyển Hồ. Công binh xưởng tọa lạc ở đây trên một khu vực rộng 2 héc ta, các nhà xưởng được làm ngầm dưới mặt đất để tránh bị máy bay địch phát hiện. Nhưng bám trụ ở đây chưa lâu thì giặc Pháp, theo chỉ điểm của Việt gian, đem máy bay thả bom làm cháy lán trại của xưởng, buộc công binh xưởng phải chuyển đi nơi khác.
Năm 1950, xưởng chuyển đến Nà Lá (thuộc thôn 2, xã Tiên Cảnh) và tiếp tục sản xuất vũ khí đạn dược cung cấp cho cả chiến trường Liên khu V đánh Pháp. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, công binh xưởng được lệnh chuyển ra Bắc, kết thúc thời gian hoạt động trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng.
Trong thời gian đóng tại Tiên Phước, Công binh xưởng Q.B 150 thường chọn nhưng nơi có địa bàn đồi núi hiểm trở. Do vậy, việc di chuyển đến những địa điểm mới và việc tải vũ khí đạn dược ra chiến trường hết sức khó khăn, vất vả. Có cỗ máy nặng phải dùng đến 12 đòn, 24 người khiêng, cỗ máy nhẹ cũng phải 8 đòn, 12 người khiêng. Dân quân du kích tùy vào sức khỏe được chia nhóm thành những hạng A, B, C. Hạng là những người có sức khỏe tốt, có thể cõng đạn dược đi liền trong vòng 30 ngày; hạng B là 15 ngày và hạng C là 10 ngày. Mỗi người phải cõng ít nhất 40-50 kg đạn dược đến những điểm tập kết, sau đó chuyển ra chiến trường.
Điều quan trọng nhất ở Công binh xưởng Q.B 150 đứng chân và tồn tại là được sự ủng hộ hết mình vì sự nghiệp chung của nhân dân Tiên Phước nói chung và nhân dân Tiên Cảnh nói riêng. Ý thức phòng gian bảo mat trong nhân dân từ cụ già đến các cháu thiếu nhi rất cao. Mọi người đều thực hiện khẩu hiệu "3 không” (không nghe, không biết, không thấy) đối với những người lạ mặt, đi lại không đủ giấy tờ.
Ban đêm, bộ đội công binh canh gác bảo vệ xưởng máy thì vòng ngoài du kích xã tuần tra canh gác. Chính quyền xã chăm lo việc tổ chức nhân dân phòng gian bảo mật, cung cấp lương thực, thực phẩm. Mối quan hệ giữa công binh và nhân dân địa phương mật thiết chẳng khác gì ruột thịt, vừa thể hiện tình đoàn kết quân dân khăng khít, vừa là hình ảnh của liên minh công - nông dưới ánh sáng của chủ nghĩa yêu nước theo hệ tư tưởng của giai cấp vô sản.
(Theo lời kể của các ông : Huỳnh Ngọc Đợi (71 tuổi), nguyên du kích xã, bảo vệ công binh xưởng tại Hố Đá (thôn 1, Tiên Cảnh); Bùi Thiểm (74 tuổi), nguyên xã đội (Lộc Yên, thôn 1, Tiên Cảnh); Nguyễn Đình Huỳnh (76 tuổi), nguyên Thường vụ Đoàn thanh niên xã (Lộc Yên, thôn 4, Tiên Cảnh); Dương Lịch (74 tuổi), nguyên công binh địa phương khi xưởng đóng tại Nà Lá - (thôn 2, Tiên Cảnh).
Hoàng Lam - Báo Quảng Nam