Có bao nhiêu thầy người Quảng Nam dạy con vua?
Xin cho hỏi, dưới triều Nguyễn có bao nhiêu vị khoa bảng người Quảng Nam được các vua tin tưởng giao cho dạy các hoàng tử để sau này các vị con vua này lên ngôi trị vì? (Hoàng Văn Thành, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Tác giả Nguyễn Dị Cổ trong bài viết Người Quảng Nam dạy vua đăng trên Báo Quảng Nam ngày thứ sáu, 29-9-2017, cho biết có 6 vị khoa bảng người Quảng Nam là thầy dạy học của các vị hoàng tử triều Nguyễn.
Nguyễn Thành Ý (1819-1897) sinh tại làng Túy La, ngụ tại làng Bất Nhị (nay là xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn), xuất thân trong một gia đình nho học, có 5 anh em đều đỗ đạt, nên được dân gian đương thời gọi là “Ngũ tử đăng khoa”.
Lăng mộ Nguyễn Duy Hiệu (thầy dạy hoàng tử Ưng Đăng, sau này là vua Kiến Phước) ở phường Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T.L |
Ông đỗ cử nhân khoa thi Quý Mão (1843) dưới thời Thiệu Trị. Đầu năm 1884, ông chuyển qua làm Thự tả tham tri Bộ Công, rồi ra làm Tổng đốc Thanh Nghệ, lại trở về Huế được thăng Hiệp biện đại học sĩ, Phụ đạo đại thần, dạy hai người con nuôi của vua Tự Đức về sau là vua Hàm Nghi và vua Đồng Khánh.
Phạm Phú Thứ (1820 - 1882), tên lúc nhỏ là Hào, hiệu Trúc Đường, biệu hiệu Giá Viên, sinh tại làng Đông Bàn (nay thuộc xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn). Năm 1842, ông đỗ đầu kỳ thi Hương; năm sau đỗ đầu kỳ thi Hội. Năm Tự Đức thứ hai (1849), ông được đề bạt vào Viện Tập hiền làm chức Khởi cư chú (thư ký ghi những lời nói và hành động của vua), làm việc ở Tòa Kinh diên (phòng giảng sách của vua). Vua Tự Đức đặc cách cử Thượng thư Phạm Phú Thứ làm giáo đạo, dạy hoàng tử Ưng Chân (sau này lên ngôi với đế hiệu Dục Đức).
Nguyễn Đình Tựu (1828 - 1888), tự Doãn Ngũ, Vọng Chi, sinh tại làng Hội An (nay thuộc xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước), trong một gia đình nhà nho, đỗ cử nhân khoa Tân Dậu (1861), phó bảng khoa Mậu Thìn (1868). Năm 1869 dưới triều vua Tự Đức, ông được sung chức Giảng tập ở Dục Đức đường, dạy hoàng tử Ưng Chân - sau là vua Dục Đức. Sau đó một thời gian, ông tiếp tục được bổ chức Giảng tập ở Chánh Mông đường, dạy hoàng tử Ưng Đăng (sau là vua Kiến Phước), kiêm Thị giảng học sĩ, hằng tuần giảng sách cho vua.
Trần Văn Dư (1839 - 1885), còn có tên là Trần Dư, tự Hoán Nhược, sinh tại làng An Mỹ Tây huyện Hà Đông (nay xã Tam An, huyện Phú Ninh), trong một gia đình nho học. Năm 19 tuổi đỗ tú tài, 27 tuổi đỗ cử nhân (1868), 35 tuổi đỗ tiến sĩ khoa thi Ất Hợi (1875).
Năm 1879, ông được thăng Hàn lâm viện Thị độc sung chức Giảng tập Dục Đức đường, dạy hoàng tử Ưng Chân và Ưng Kỵ (sau này là vua Đồng Khánh).
Nguyễn Thuật (1842 - 1911), tự Hiếu Sinh, hiệu là Hà Đình, trong một gia đình vọng tộc theo nho học, quê làng Hà Lam, huyện Lễ Dương (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình). Ông đỗ cử nhân tại trường thi Thừa Thiên vào năm 1867 và đỗ phó bảng vào năm 1868. Năm 1872, ông được bổ làm Thị lang tại Nội các, làm Phụ đạo ở trường Dưỡng Thiện (dạy hoàng tử Ưng Đăng).
Nguyễn Duy Hiệu (1847 - 1887), hiệu Hữu Thành, quê làng Thanh Hà (nay là phường Cẩm Hà, thành phố Hội An), đỗ tú tài năm 1863, cử nhân năm 1876, phó bảng năm 1879. Năm 1882 thời Tự Đức, ông được sung chức Phụ đạo Giảng tập hoàng tử Ưng Đăng (tức vua Kiến Phước sau này), được phong hàm Hồng lô tự khanh.
Theo Báo Đà Nẵng Cuối Tuần