www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chuyện nhà cổ ở Tiên Phước - Quảng Nam

 Bên cạnh quần thể kiến trúc cổ của Di sản văn hóa thế giới Hội An đã được nhiều người biết đến, Tiên Phước - Quảng Nam cũng là “lãnh địa” cuối cùng của những ngôi nhà cổ tập trung, với số lượng hàng trăm ngôi nhà rường miền Trung truyền thống, có tuổi đời từ vài trăm năm. Nhung ngôi nhà rường đang đối đầu với vấn đề nan giải bảo tồn.

 Đi đâu cũng thấy nhà cổ


Nhắc đến nhà cổ Tiên Phước người ta thường nghĩ đến làng Lộc Yên, Tiên Cảnh nơi hàng chục ngôi nhà niên đại trên dưới trăm năm vẫn còn tồn tại, nhiều ngôi nhà đã trở nên nổi  tiếng với lối kiến trúc, chạm khắc tinh xảo mang đậm phong cách đặc trưng của các nghệ nhân xưa, có thể kể đến như nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh, nhà ông Nguyễn Đình Mẫn, nhà ông Lê Đình Sum hay nhà ông Phạm Thoại, Hồ Đức Nam... 

Ở mỗi nhà dù niên đại khác nhau nhưng đều có sự thanh thoát và cầu kỳ trong từng nét chạm trổ cũng như lối trang trí, sắp đặt bên trong. Điển hình như nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh dù đã qua 150 năm nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn với lối kiến trúc 3 gian 2 chái, chống đỡ ngôi nhà là 16 cột cái to và 20 cột con bao bọc xung quanh; kèo, xuyên, trính được chạm khắc tinh tế, với đủ hình thù các loài chim muông độc đáo, cùng tùng lộc, mai điểu, bướm...

Ngoài làng Lộc Yên, Tiên Cảnh nhà cổ Tiên Phước còn hiện diện ở nhiều  xã như Tiên Châu, Tiên Mỹ, Tiên Thọ, Tiên Lộc... với số lượng khá lớn. Đặc biệt, tại xã Tiên Châu, qua thống kê sơ bộ đã phát hiện gần 50 ngôi nhà cổ niên đại từ 80 đến 150 năm cùng hàng chục ngôi nhà đã qua sửa chữa hoặc bị biến dạng xuống cấp. Nổi bật, như nhà ông Nguyễn Đình Đồng, thôn Hội An (dựng năm 1928) hay nhà ông Nguyễn Văn Biện, thôn 3, (dựng năm 1850) với lối kiến trúc 3 gian 2 chái, kết cấu vi kèo tam đoạn, trang trí gia thu, trỏng quả rất tinh xảo. 

Riêng nhà ông Nguyễn Văn Biện, toàn bộ khung mái được chống đỡ bởi 36 cây cột gỗ mít đường kính từ 20 đến 30cm; cửa khép bảng khoa, chốt mộc, điêu khắc trỏng quả hình trái bí rất cầu kỳ... bên trong vẫn còn nhiều dụng cụ sinh hoạt gia đình như trường kỷ, bàn vuông, phản ngựa, hoành phi, câu đối trang trí... Ngoài ra có thể kể đến hàng chục ngôi nhà khác ở Tiên Châu như nhà bà Nguyễn Thị Tuần, Nguyễn Tự Minh, Nguyễn Văn Hiên, Phạm Kim Cương,  Nguyễn Thị Đào hay Từ đường tộc Nguyễn, thôn Hội Lâm...

Theo anh Trương Quốc Tuấn, cán bộ văn hóa UBND xã Tiên Châu thì đây chỉ là số lượng rất ít trong gần trăm ngôi nhà cổ vẫn còn tại địa phương, những ngôi nhà khác do xuống cấp hoặc đã qua sửa mới nên xã chưa có điều kiện khảo sát thống kê hết được: “Ở đây thôn nào cũng có nhà cổ, ít thì vài cái, nhiều thì trên chục cái, chỉ riêng tộc Nguyễn 40 gia đình nhưng đã có đến 11 ngôi nhà cổ rồi”. Anh Tuấn cho rằng, sở dĩ Tiên Châu còn nhiều ngôi nhà cổ vì trong chiến tranh nơi đây là vùng tạm chiếm nên không bị bom đạn tàn phá. Bên cạnh đó, đa số người dân sống gắn bó nhiều thế hệ trong cùng ngôi nhà nên ngôi nhà còn mang yếu tố tâm linh gắn liền với tổ tiên dòng họ, được con cháu kế tục nhau giữ gìn.

Muốn sửa cũng không xong


Dù số lượng nhà cổ còn nhiều nhưng dễ dàng nhận thấy đa số đã bị hư hại hoặc được người dân cơi nới, sửa sang. Điển hình như nhà ông Nguyễn Mạch, thôn Hội Lâm, Tiên Châu, ngoài các cửa bảng khoa đã bị mục nát thì vách gỗ ngăn chia các gian đã được thay thế bằng tường gạch, hàng cột chính hiên được thay bằng 3 trụ xi măng, bộ trỏng quả cũng không còn. Tuy vậy, ông Nguyễn Mạch vẫn “ước” “nếu có tiền sửa lại sẽ đổ bê tông mái hiên cho rộng rãi, chứ để vậy chật chội quá ”. 

Bên trong một ngôi nhà cổ ở Tiên Phước.


Tương tự, nhà bà Nguyễn Thị Tuần, thôn Hội An, Tiên Châu hàng cột phía trước đã bị cắt bỏ hoàn toàn, 4 bộ cửa bảng khoa cũng được thay mới bằng 2 bộ cửa gỗ lớn chắc chắn. Chị Nguyễn Thị Hậu, con dâu bà Tuần cho biết, ngôi nhà này do ông cố chồng chị làm cách đây hàng trăm năm trước theo kiểu 3 gian 2 chái với 6 hàng cột gỗ mít, mỗi hàng 6 cây chống đỡ, trên lợp ngói âm dương, xung quanh dựng phên đất. 

Năm 2000 ngôi nhà được sửa sang lót lại gạch nền, xây tường thay phên, quá trình tu sửa đã cắt bỏ 6 cây cột chính phía trước hiên vì như vậy “sẽ rộng rãi tiện sinh hoạt hơn”, cùng với đó các vi kèo tam đoạn cũng bị lược bỏ để trở thành kèo nhị đoạn. Hay nhà thờ tự đường tộc Nguyễn, thôn Hội Lâm do bà Nguyễn Thị Hòa trông coi cũng đang được gia đình “bàn bạc chuẩn bị sửa lại cái hiên cho rộng rãi để khi cúng kiến có chỗ dọn bàn đãi khách ”...

Theo anh Tuấn, nhằm bảo tồn những ngôi nhà cổ Tiên Châu, thời gian tới địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu giá trị mỗi ngôi nhà và cùng chung tay gìn giữ, đặc biệt sẽ tham mưu với UBND có chính sách hỗ trợ cụ thể cũng như giám sát chặt chẽ việc sửa chữa nhà cổ trong nhân dân, hạn chế thấp nhất những biến dạng do việc tự ý sửa chữa gây ra. “Do đây là tài sản thuộc sở hữu tư nhân nên chính quyền không thể can thiệp được. Tuy nhiên nếu nhà cổ nào không giữ được hoặc muốn bán UBND xã sẽ cố gắng thỏa thuận để mua lại”, anh Tuấn cho biết.

Một tín hiệu đáng mừng là ngoài việc tự ý sửa chữa làm biến dạng ngôi nhà thì trong khoảng 10 năm trở lại đây tại Tiên Châu hầu như chưa có nhà cổ nào bị bán đi, thậm chí, những vật dụng gắn với ngôi nhà như trường kỷ, bàn xoay dù bị hư hại cũng được cất kỹ nâng niu như là vật kỷ niệm của gia đình.“Đây là tài sản của tổ tiên để lại nên dù có trả bao nhiêu cũng sẽ không bán”, ông Nguyễn Mạch từng tâm sự.

Một cán bộ địa phương phàn nàn: “Người dân dứt khoát không muốn bán nhà cổ vì là “di sản ông cha”; nhưng để vậy thì có ngày đổ sập cả nhà; mà cho sửa thì không có tiền; có tiền thì sửa lại sai nguyên bản. Quả thật nan giải”. Theo ông Đặng Công Dung, Trưởng phòng VHTT huyện Tiên Phước thì, thời gian tới phòng sẽ tiến hành khảo sát tổng thể số lượng nhà cổ hiện còn trên địa bàn huyện nhằm đánh giá cụ thể hiện trạng, trên cơ sở đó sẽ lập danh sách hồ sơ từng nhà để có hướng bảo tồn và phát huy giá trị những kiến trúc này.

“Ngoài việc vận động, tuyên truyền nhân dân ý thức giữ gìn nhà cổ, phòng cũng sẽ tham mưu UBND huyện dành một nguồn kinh phí cố định để kịp thời cứu vãn những ngôi nhà xuống cấp, về lâu dài sẽ gắn việc bảo tồn nhà cổ với phát triển du lịch nơi đây” - ông Dung nêu ý tưởng.

                                                                                                       Vĩnh Lộc - Báo Lao Động

Làng nhà cổ Hội An ở... Tiên Phước

Họp góp ý lí lịch hồ sơ di tích đình làng Hội An xã Tiên Châu

Độc đáo làng cổ Lộc Yên miền sơn cước

Ngôi đình làng cổ nhất Tiên Phước trước nguy cơ sụp đổ

Bảo tồn làng cổ và chuyện người 27 năm "đo vẽ"

Không gian văn hóa làng cổ Lộc Yên xã Tiên Cảnh