www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chuyện người trở về

Về quê, tính lại đường hướng cho tương lai không chỉ của riêng mình mà còn để tạo cơ hội cho cả người lao động hồi hương. Đó là cách ông Trần Duy Dân làm lại sau cơn dịch.

 

Ông Trần Duy Dân. Ảnh: N.L
Ông Trần Duy Dân. Ảnh: N.L 

Cũng như bao người dân quê mang theo ước vọng đổi đời khi bước chân xa xứ, từ năm 2000, ông Trần Duy Dân (sinh năm 1969, thôn An Tây, Tiên Kỳ, Tiên Phước) đã rời mảnh đất quê hương.

Bon chen nơi Sài thành, rảo bước nhiều tỉnh miền Đông Nam Bộ, rồi ông dừng chân trên đất Bình Dương. Nơi đây, ông đã gắn cuộc đời mình với nghề may mặc. Học nghề, làm thuê, tích lũy kinh nghiệm rồi ông dấn bước tự gầy dựng cho mình một xưởng may gia công nhỏ với hơn chục lao động.

Ông Dân kể: “Mới chân ướt chân ráo vào thị trường may mặc, tôi không lường trước được những rủi ro có thể xảy ra. Chỉ cần một sản phẩm lỗi thì cả lô hàng bị trả về. Thế nên khi chưa có kinh nghiệm, tôi vấp ngã nhiều lần. Khi không thể trụ nổi, tôi tay trắng về quê, rồi lại quay vào để tiếp tục với nghề may mặc này.

Đến khi gầy dựng được xưởng may tạm ổn với hơn 40 lao động ở Bình Dương, thì dịch giã kéo đến. Liên tiếp năm 2020, 2021 phải hoạt động gián đoạn, rồi đến lúc đóng cửa vì không trụ nổi. Tôi quyết định về lại quê hồi tháng 9.2021, bởi cuối cùng thì nơi chôn nhau cắt rốn vẫn là chốn bình yên nhất”.

Hơn hai mươi năm bươn chải ở xứ người, kế hoạch về quê dựng lại cơ nghiệp của ông Dân được nung nấu từ khi dịch bệnh bắt đầu vào năm 2020. Vì thế mà khi về lại quê nhà Tiên Phước, ông Dân đã thành lập ngay Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ và may mặc Sông Tiên. Địa điểm xây dựng xưởng chính là ở trên đất vườn nhà ông Dân, với diện tích 700m2.

Với mối làm ăn sẵn có, ông Dân nhận đơn hàng trực tiếp từ văn phòng đại diện của một công ty nước ngoài, nguyên phụ liệu văn phòng cung ứng, ông gia công thành phẩm, xuất hàng đến văn phòng đại diện để xuất khẩu. Vì thế giá thành sản phẩm cũng như nguồn hàng ổn định.

Một góc xưởng may của ông Trần Duy Dân khi còn ở trong Bình Dương. Ảnh: N.V
Một góc xưởng may của ông Trần Duy Dân khi còn ở trong Bình Dương. Ảnh: N.V 

Những cơ sở vững chắc đó khiến ông Dân thêm quyết tâm lập xưởng may ở quê. Ông nói: “Dịch bệnh, nhiều lao động tay nghề cao quay về quê nhiều, nên tôi quyết định về lại, đón đầu cơ hội sử dụng nguồn lao động này. Tôi cùng với một người nữa hùn vốn, xây dựng xưởng và mua thêm máy may và các loại máy chuyên dụng.

Xưởng may sẽ giải quyết việc làm cho 150 lao động, trong đó có 110 người là may chính, còn lại phụ may. Khi tôi phát đi thông báo hợp tác xã cần tuyển lao động may mặc, chỉ 1 tuần đã có hơn 100 người gửi hồ sơ xin việc. Điều đó cho thấy người lao động quay về nhiều, và họ đang cần việc làm để lo cho cuộc sống”.

Mới về lại quê hương làm ăn, nên ông Dân cho biết còn rất bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc xây dựng xưởng may. Ông cũng sẽ cần đến nguồn vốn vay để ổn định hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Ông Dân mong muốn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của địa phương. Vợ con ông Dân vẫn còn ở Bình Dương, chờ đợi ông thu xếp ổn thỏa công việc, họ sẽ cùng quay về quê để cả gia đình đoàn tụ. Mong ngóng đến ngày xưởng may mới đi vào hoạt động, ông Dân cùng với cộng sự của mình đang xúc tiến nhiều thủ tục liên quan, với hy vọng thời điểm đi vào hoạt động từ tháng 2.2022.

Nhật Linh - Báo Quảng Nam