Chuyện làng Phú Lâm
Làng Phú Lâm xưa có trường dạy chữ Quốc ngữ, sau có một lò chén phục vụ cho cách mạng với nhiệm vụ tạo nguồn tài chính hợp pháp. Nhắc đến làng Phú Lâm là người dân nhớ đến cụ Lê Cơ – người được xem là nhà thực hành Duy Tân xuất sắc trong thế kỷ XX, cùng với sự ra đời của ngôi trường dạy chữ Quốc ngữ và lò chén ở làng mình.
Ngôi trường tân học mang tên làng
Trường Tân học Phú Lâm xưa (dân gian gọi là Trường Cây Bàng) nằm ở giữa làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; hiện nay nằm ngay sát bên trục đường ĐT 614 từ Tiên Phước đi Việt An (Hiệp Đức), thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước.
Ngày Mồng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn (25-1-1904), Lê Cơ (lúc này đã là Lý trưởng làng Phú Lâm) đệ đơn lên phủ Thăng Bình xin mở tiệm buôn tạp hóa và trường dạy chữ Quốc ngữ. Được phê chuẩn, ông liền hô hào nhân dân trong xã đóng góp tiền của xây dựng trường ở giữa làng. Ban đầu, trường được xây theo kiểu nhà dài trên một lô đất chưa đầy 50m2, mái lợp tranh, nền kè móng bằng đá tảng và được nện đất sét phía trên, tường được dựng bằng phên tre trát đất sét. Phía trước là sân rộng làm nơi tụ tập môn sinh, quần chúng.
Rằm tháng 3 năm Giáp Thìn (30-4-1904) trường khai giảng dạy nam giới học, ban ngày dạy thanh niên, tối dạy trung niên, ngày chủ nhật mọi người đến nghe diễn thuyết, nghe thơ, nói vè, đánh cờ... Từ trường ban đầu này, nhân dân Phú Lâm còn lập thêm bốn trường ở bốn phái dạy nam giới học chữ Quốc ngữ, trường phái giữa chuyển sang dạy nữ thanh thiếu niên.
Một lớp học ngày xưa
Chương trình học lúc bấy giờ gồm nhiều môn như: Lịch sử, Địa lý, Hát, Vẽ, Toán đố. Dần dần có một số thanh niên chuyển sang học chữ Pháp và chữ Nhật. Đặc biệt trường còn đưa cả chương trình Quân sự học đường vào giảng dạy cho học sinh dưới hình thức thể dục thể thao. Số học sinh của trường, cả trai lẫn gái hơn 100 người. Kết quả thật đáng tự hào, bởi trong khoảng 1.200 dân của xã, với độ 850 người từ 14 tuổi trở lên, thì đến năm 1908 đã có hơn 650 người đọc thông thạo chữ Quốc ngữ.
Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1908, hưởng ứng phong trào đòi giảm sưu thuế của nhân dân khắp phủ Hà Đông, Lê Cơ cùng với những người yêu nước có tư tưởng cách tân ở các tổng Vinh Quý, Phước Lợi và các tổng khác dẫn đầu những người tham gia chống sưu thuế bao vây phủ đường Tam Kỳ và đưa yêu sách suốt ba ngày đêm. Sáng ngày 4-4-1908, viên đại lý Tam Kỳ đem 60 lính ập đến bắt những người cầm đầu, trong đó có Lê Cơ, Trần Thuyết, Lê Vĩnh Huy, Nguyễn Xuân Vận, Dương Đình Thạc đưa ra nhà lao Hội An kết án tù khổ sai 5 năm.
Sau khi Lê Cơ bị bắt và bị kết án tù, trường Phú Lâm tự giải tán.
Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng trường Phú Lâm không những đem lại kết quả đáng tự hào cho nhân dân làng mà còn là một cái nôi nuôi dưỡng và hình thành nên tinh thần yêu nước, tinh thần phản kháng quật cường trước những luật lệ hà khắc của chế độ phong kiến tay sai và những áp bức, đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp.
Lò chén Phú Lâm
Lò chén Phú Lâm được hình thành năm 1935 với tên gọi ban đầu là “Fabrication Annamite Porcelaine par Hoa Loc” (Lò sản xuất gốm sứ An-nam tại Hòa Lộc) do ông Lê Tuất làm chủ. Cái tên Tây này đã phần nào làm cho người Pháp cảm thấy cái lò của ông gần gũi với họ, chỉ đơn thuần là sản xuất chén bát cung cấp cho thị trường mà không hề biết đây chính là cơ sở kinh tài được Xứ ủy Trung Kỳ giao nhiệm vụ cho 2 ông Lê Tuất và Huỳnh Lắm xây dựng tại Hòa Lộc, cách thị trấn Việt An khoảng 6 km, để hoạt động cách mạng.
Sản phẩm đầu tiên của lò là bô vệ sinh do ông Lê Văn Hiến thiết kế mẫu, được các bệnh viện tiêu thụ mạnh lúc bấy giờ. Để mở rộng thị trường và làm phong phú thêm các mặt hàng, ông Lê Tuất đã được cử đi Lái Thiêu 8 tháng để nghiên cứu mở rộng các mặt hàng chén, bát, dĩa... Hằng tháng lò sản xuất từ 10 đến 15 ngàn sản phẩm các loại, thị trường tiêu thụ từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Nguồn tài chính thu về ngoài việc trả lương cho nhân công và tái sản xuất còn hỗ trợ cho các tổ chức hoạt động bí mật của Xứ ủy.
Sau thời gian dài hoạt động, bọn mật thám dò la và bắt đầu có dấu hiệu khả nghi. Năm 1940, Pháp đưa một tốp lính khố xanh dưới sự chỉ huy của một sĩ quan Pháp đến Phú Lâm 2 ngày để dò xét. Ông Mai - một công nhân của Lò chén biết tiếng Pháp đã tìm cách giải thích đánh lừa chúng để chúng rút khỏi Phú Lâm. Lúc đó, phong trào cách mạng trong tỉnh bị địch khủng bố ráo riết, nhiều tổ chức Đảng bị lộ nhưng cơ sở Lò chén Phú Lâm vẫn tồn tại cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.
Hiện nay, cả di tích nền trường Tân học và lò chén mang tên Phú Lâm đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng là di tích cấp tỉnh vào năm 2005.
Mai Hồng Lâm - Đà Nẵng cuối tuần