Chuyện con gái cụ Phan Châu Trinh
Nhân sĩ yêu nước Phan Thị Châu Liên (tức cô Đậu) thường gọi là Bà Đốc Ấm (theo tên chồng là ông Đốc Ấm). Bà sinh năm 1901, con gái nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, quê làng Tây Lộc, tổng Vinh Quí, huyện Tiên Phước nay là xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, Tỉnh Quảng Nam.
Khi mười tuổi, cha bà đi hoạt động, bị tù đày, rồi sang Pháp 14 năm, mẹ qua đời lúc bà 14 tuổi, đã phải chăm sóc em gái là bà Châu Lan (cô Mè) (mẹ bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam). Hai chị em bà được chí sĩ yêu nước Lê Cơ và bà Lê Thị Vinh đưa về Phú Lâm (huyện Tiên Phước) nuôi cho đi học. Có lúc bọn cầm quyền Pháp định mua chuộc cụ Phan, đã cho hai chị em bà vào học thẳng trường Đồng Khánh Huế trong vài năm, nhưng khi chúng biết không lay chuyển được người cha, chúng liền đuổi học. Qua giới thiệu của các nhân sĩ và người thân bà kết hôn với ông Lê Ấm (Đốc Ấm) một nhà giáo yêu nước dạy các trường Cao đẳng Sư phạm Huế, Trung học Vinh, Quốc tử giám Huế, trường Trung học Quy Nhơn. Ngô Đình Diệm khi làm tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn cố mời ông vào Quốc hội, ông thẳng thừng từ chối. Hai ông bà sinh 07 người con, trong đó có bà Lê Thị Kinh, thành viên đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Paris và làm đại sứ tại Ý, và nhà văn Lê Khâm (Phan Tứ)).
Năm 1925, cụ Phan về nước và mất năm 1926, bà vào Sài Gòn dự đám tang cha rồi gom nhận toàn bộ di cảo của cụ, cùng các tài liệu về ngày tang lễ đem về Huế lưu giữ, bất chấp theo dõi của mật thám Pháp. Khối tài liệu lớn đó bà cất dấu nguyên vẹn, sau ngày giải phóng giao lại cho cơ quan lưu trữ II, thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều trang tư liệu ghi rõ, bà có quan hệ mật với các thành viên Đảng Tân Việt, giúp đỡ, nuôi dấu cán bộ, cất dấu tài liệu, đóng góp tiền, giúp vốn làm ăn, trong đó có các ông như Phạm Cư Hải, Tôn Quang Phiệt, Võ Nguyên Giáp... (Năm 1989 có bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch nước Võ Chí Công làm đề nghị tặng thưởng Huân chương cho bà ). Bà cũng giúp đỡ cụ Phan Bội Châu trong lúc bị quản thúc tại Huế, và cụ Huỳnh Thúc Kháng cần vốn mở Nhà in và làm báo Tiếng Dân. Năm 1945, ông Phạm Cự Hải hay ghé gia đình bà Ở Quy Nhơn, được bà đóng góp tiền để hoạt động tài chính cho cách mạng. Thời gian sau đó gia đình về lập trang trại sống ở làng Phước Sơn, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Bà tập cho các con lao động sản xuất, khi con gái Lê Thị Kinh tham gia hoạt động cách mạng ở Huế đem tài liệt Việt Minh về, bà đã hăng hái hưởng ứng cùng với các đồng chí ở địa phương như Phạm Gạo, Bảy Lào, Sáu Hạc, Lê Đình Quang tổ chức chuyền đọc, rèn giáo mác, phổ biến chủ trương của Đảng, cho mượn ngựa, xe đạp, súng săn cho đội tự vệ, chuẩn bị tổng khởi nghĩa kéo nhau đi cướp chính quyền.
Gia đình hai người con gái của cụ Phan Châu Trinh
Sau Cách mạng tháng 8, bà được cử vào Uỷ ban nhân dân Tỉnh, làm Uỷ viên cứu tế xã hội, tổ chức vận động "Tuần lễ vàng", bản thân bà đóng góp 6 lượng vàng. Trong kháng chiến chống Pháp bà làm Hội trưởng Phụ nữ tỉnh Quảng Nam. Mặc dù lúc đó gặp khó khăn, bà cũng trực tiếp đỡ đầu cho Công binh Xưởng 10 ở gần trang trại của bà. Trong những năm 1954 - 1956, gia đình bà là nơi họp hội, in ấn tài liêu, liên lạc, cứu chữa cán bộ ốm đau. Năm 1960, bị địch o ép, bà đã giao toàn bộ nhà cửa, lương thực, vật dụng gia đình cho cách mạng về sống ở Hội An và tiếp tục liên lạc, thông báo tình hình tin tức của địch, gửi tiền bạc, thuốc men ra chiến khu. Từ năm 1964 đến năm 1968, bà ra ở Đà Nẵng móc nối cơ sở hoạt động, hơn 2 năm liền bà nuôi dấu thiếu uý Quân báo Phan Lương trong nhà, và giúp đỡ một số cán bộ của ta lui tới công tác nội thành, liên hệ với các bà Phụng Ký, Nguyệt Anh, các ông Lê Đức Hùng, Vĩnh Linh,tích cực tham gia các phong trào chính trị yêu nước công khai, hợp pháp.
Với vị thế là con gái chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, bà ủng hộ và có chân trong các tổ chức "Dân tộc tự quyết", "Phụ nữ đòi quyền sống", "Nhân dân tranh thủ hoà bình". Được các bà Luật sư Ngô Bá Thành, Ni sư Huỳnh Liên, Luật sư Nguyễn Long, Linh mục nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ, Chân Tín, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận ở Sài Gòn tôn trọng, hưởng ứng, phối hợp đấu tranh đòi Mỹ - Nguỵ thi hành hiệp định Paris về Việt Nam. Đòi cải thiện chế độ lao tù. Bà là Chủ tịch các tổ chức nói trên ở Đà Nẵng, chủ trì các cuộc hội họp, nhiều lần phát biểu trên các diễn đàn, trả lời phỏng vấn các nhà báo trong và ngoài nước, tỏ rõ quan điểm, lập trường yêu nước, giúp đỡ học sinh, sinh viên Đà Nẵng, Huế xuống đường biểu tình công khai, đòi hoà bình, dân sinh dân chủ, không sợ sự đàn áp, khủng bộ của địch. Đặc biệt, bà đã tổ chức cơ sở nắm được danh sách tù chính trị bị địch giam giữ ở nhà lao, Kho đạn, chợ Cồn (Đà Nẵng), nhà lao Tam Kỳ, Hội An, chống việc phân tán, đưa đi thủ tiêu, trước ngày ta giải phóng.
Là thành viên trong Uỷ ban khởi nghĩa thành phố Đà Nẵng, ngay sau ngày giải phóng 29/3/1975, thay mặt Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, bà đọc Lời kêu gọi phụ nữ toàn miền Nam đúng lên giải phóng quê hương và chào mừng ngày giải phóng Đà Nẵng tại cuộc mít tinh trọng thể hàng vạn người diễn ra ở sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng. Sau đó bà được cử làm Hội trưởng phụ nữ thành phố. Ngày 02/9/1975 bà tham gia Đoàn đại biểu đi dự Quốc khánh tại Thủ đô Hà Nội. Từ năm 1976, bà là thành viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam, cho đến năm 1983, vì tuổi già sức yếu (85 tuổi) bà xin về nghỉ hưu, rồi qua đời tại Đà Nẵng năm 1996.
Đọc lại lá thư của bà Phan Thị Kinh (Lê Thị Kinh) con gái bà gửi các đồng chí lãnh đạo và bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch nước Võ Chí Công xác nhận công lao hoạt động cách mạng của bà, đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương cho bà, mới thấy hết cuộc đời bà là hình ảnh sáng ngời phẩm chất công dân xứ Quảng, một trong những nữ lưu đất Quảng có trái tim, tâm hồn và khí phách yêu nước không cùng, mỗi khi nhắc đến bà.
Hoàng Hương Việt - Tạp Chí Non Nước