Chuyện cục sừng có tác dụng hút nhiều chất độc
Chưa rõ cục sừng do người cha để lại có tác dụng gì hay không, nhưng hơn 20 năm qua, bà Trần Thị Tuất (47 tuổi, trú thôn 2, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) vẫn luôn dùng vật “thừa kế” này trong việc cứu người. Bà Tuất luôn tin rằng cục sừng có “năng lực siêu nhiên” có thể hút chất độc cứu người bị rắn độc và chó dại cắn.
Tại thôn 2, xã Tiên Thọ, huyện Tiên phước, tỉnh Quảng Nam, bà Tuất đã cứu nhiều người bị rắn độc cắn. Ngôi nhà nhỏ nép mình vào lưng núi Gò Rùa, là nơi bà Tuất sinh sống cùng hai con trai và người mẹ già đã 80 tuổi. Từ quốc lộ 40B dẫn vào tới nhà bà Tuất chưa đầy nửa cây số, nhưng con đường khó đi, phải qua con suối nhỏ và những bờ ruộng ngoằn ngoèo.
Khi PV đến, bà Tuất đang chữa trị cho cháu Nguyễn Văn Hoàng (13 tuổi, trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bị chó dại cắn hơn 10 ngày, nhưng gia đình không đưa đi viện kiểm tra và chích ngừa. Kết quả chân cháu Hoàng sưng to, xung quanh vết chó cắn bầm tím và gây đau khắp chân. Nghe tin bà Tuất chuyên chữa bệnh chó dại cắn, mẹ cháu Hoàng đã chở con vượt hơn 30 km tìm đến nhà bà Tuất.
Cục sừng được cho có khả năng hút chất độc
Nghe mẹ cháu bé trình bày, bà Tuất vội vào nhà mang đồ nghề (cục sừng lạ - PV) được quấn trong một mảnh vải nhỏ. Sau một hồi, bà Tuất dùng đôi đũa nhỏ gắp cục sừng đặt lên vết chó cắn trên chân cháu Hoàng. Một hiện tượng lạ xảy ra, khi bà Tuất đưa cục sừng vào chỗ vết thương, cục sừng như hút chặt vào chân cháu Hoàng. Theo bà Tuất, cục sừng đang “hút chất độc”.
Bà Tuất giải thích cục sừng kỳ lạ này được cha truyền lại, dài khoảng 3cm, rộng khoảng 1,5cm, có khả năng hút các độc tố do rắn cắn và chó dại cắn. Bà cho rằng sau khoảng 15 phút, cục sừng sẽ không còn dính vào chân cháu Hoàng nữa, sau khi đã hút “no” độc tố. Khi ấy, vết bầm tím trên chân cháu bé sẽ dần phai màu, cháu Hoàng có thể đứng dậy…
Bà Tuất kể trước đây bà không biết chính xác cục sừng lạ là sừng của con vật nào. Nhưng gần đây có một người Campuchia nói với bà đó là một lát sừng của con rắn “cụ”, trước đây cha bà từng chiến đấu ở Campuchia và được một người bạn nước này tặng làm kỷ niệm khi ông xuất ngũ.
Bà Tuất nói về cục sừng lạ
“Từ khi họ tặng cục sừng rắn, cha tôi mang về quê nhà cất kỹ không dùng. Một hôm ông Trọng là hàng xóm bị rắn lục cắn sưng phù khắp người, nhớ lại cục sừng của người bạn cho nói là chữa được rắn cắn và chó cắn, cha tôi đem cục sừng ra để lên chân ông Trọng nhiều lần rồi thấy ông ấy đỡ hơn”, bà Tuất chia sẻ.
Cũng theo lời bà Tuất, từ lúc cha của bà dùng cục sừng chữa rắn lục cắn cho người hàng xóm khỏi bệnh cũng là lúc tiếng đồn vang xa. Bắt đầu từ đó, trong xóm, trong làng ai bị rắn cắn hay chó cắn đều được đưa đến nhà bà để dùng cục sừng này “chữa bệnh”. Điều trùng hợp, theo bà Tuấn, nhiều người đều tỉnh táo khỏe lại.
Bà Tuất kể: “Có một lần, một thanh niên ở xã Tiên Hà (huyện Tiên Phước) trong lúc đi rừng bị một con rắn hổ cắn, nọc độc phát tán, người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu nhiều ngày nhưng bệnh tình lại nặng thêm. Không thể cứu chữa được nữa, người nhà thanh niên này chỉ còn cách đem về chuẩn bị lo hậu sự.
Nhưng may mắn, có một số người hay tin cha tôi chữa được bệnh rắn cắn bằng cục sừng kỳ lạ nên bật mí cho người nhà chạy xuống cha tôi cầu cứu. Cha tôi nghe vậy tức tốc đến bệnh viện và dùng cục sừng đưa vào vết rắn cắn cho cục sừng “hít chặt” hút hết chất độc trong cơ thể người bệnh. Một thời gian sau, người thanh niên trên khỏe lại và xuất viện về nhà”.
Cũng theo lời của bà Tuất,vào năm 2004, khi cha bà qua đời, gia đình sợ có người lợi dụng cơ hội gia đình có tang sẽ lấy trộm cục sừng nên nhờ một người bà con cất giùm. Quả nhiên có người lẻn vào nhà lục soát nhiều nơi. Gia đình bà cho rằng kẻ gian định tìm cục sừng nhưng không thấy. Từ đó, bà Tuất là người duy nhất trong gia đình được người cha truyền lại cục sừng và cách dùng quý giá để cứu người khi bị rắn độc và chó cắn.
Bà Tuất kể, hay tin bà có “báu vật” chữa được vết thương do rắn độc và chó dại cắn, có người không ngần ngại bỏ số tiền lớn mua lại cục sừng nhưng bà Tuất không bán. Với bà, cục sừng này chỉ dùng để cứu người. Người bệnh trả công bà cũng tùy tâm.
Câu chuyện về cục sừng có tác dụng hút chất độc này hiện vẫn chưa được khoa học kiểm chứng và vẫn gây tò mò với nhiều người.
Thiên Ân - Báo Pháp Luật VN