Chung tay vì bình đẳng giới ở xã Tiên Châu
Trong Tháng hành động vì bình đẳng giới (BĐG), mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới đã được triển khai tại xã Tiên Châu (huyện Tiên Phước). Thực tế cho thấy, bạo lực về giới chỉ có thể được giảm khi cả xã hội cùng vào cuộc, thay đổi nếp nghĩ trọng nam khinh nữ.
Còn nặng tư tưởng phân biệt
Tiên Châu là một xã thuần nông của huyện Tiên Phước với hơn 90% dân số sống bằng nghề nông, lâm nghiệp. Sống ở vùng nông thôn, tư tưởng phân biệt con trai - con gái, việc ông - việc bà vẫn còn đeo bám dai dẳng trong tâm thức của mỗi người, dù là nam giới hay phụ nữ.
Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát bỏ túi với 10 người là nam giới và 10 người là nữ giới, gồm cả nông dân và trí thức, với 2 câu hỏi: “Ông/bà nghĩ gì về việc vợ chồng chia sẻ với nhau trong công việc gia đình?” và “Ông/bà có phân biệt trong việc sinh con trai hay con gái?” Với câu hỏi thứ nhất, chỉ có 2 người nam nghĩ rằng đôi khi cần chia sẻ với vợ trong việc gia đình; 8 người cho rằng đó là công việc của phụ nữ, chỉ trừ khi vợ ốm đau mới làm giúp. Trong khi đó, cả 10 phụ nữ đều nghĩ rằng việc của phụ nữ không nên để đàn ông làm vì như vậy là hạ thấp giá trị người đàn ông. Tuy nhiên, trong đó có 3 chị mở ngoặc rằng cũng mong muốn có sự chia sẻ của người chồng trong công việc gia đình.
Tham vấn ý kiến địa phương để xây dựng mô hình bình đẳng giới tại xã Tiên Châu
Với câu hỏi thứ hai, cả 20 người đều trả lời trong nhà “có nếp có tẻ” vẫn vui hơn sinh một bề. Tám người nam còn nhấn mạnh nhất thiết phải có con trai để nối dõi tông đường, 2 người còn lại cho rằng trai hay gái cũng con mình, nhưng có con trai vẫn hơn. Còn các chị thì nghĩ đã có con thì thương yêu như nhau, nhưng nếu không sinh được con trai, họ cảm thấy “có tội” với gia đình chồng. Chỉ qua một cuộc khảo sát nhỏ, đã thấy rằng sự phân biệt giới tính, phân biệt công việc của từng giới còn rất nặng nề.
Bà Phạm Thị Thông - Chủ tịch UBND xã Tiên Châu cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 36 cặp vợ chồng thường xuyên gây gổ, có dấu hiệu của bạo lực gia đình. Nguyên nhân chủ yếu là người chồng uống rượu say về rồi ghen tuông, kiếm cớ gây chuyện, đánh vợ. Người vợ thì có tâm lý cam chịu, vì con cái, sợ tan vỡ hạnh phúc gia đình nên không dám nói ra. Khi bực mình có đơn thư gửi lên xã, nhưng khi có người đến tìm hiểu thì nói cho xin rút đơn lại”. Bà Thông còn cho biết, trong thời gian tới, xã sẽ mời 36 người chồng này đối thoại xem vì sao đánh vợ, từ đó tìm biện pháp giải quyết phù hợp. Từ thực tế trên cho thấy, chỉ có BĐG khi cả xã hội cùng vào cuộc và tư tưởng phân biệt nam - nữ vẫn còn “bám rễ” trong mỗi người được loại bỏ.
Giảm bạo lực trên cơ sở giới
Theo Liên hiệp quốc, khái niệm bạo lực trên cơ sở giới được hiểu là bất kỳ một hành động bạo lực nào dựa trên cơ sở giới dẫn đến, hoặc có khả năng dẫn đến những tổn thất về thân thể, tình dục, tâm lý hay những đau khổ của phụ nữ. Trong đó bao gồm cả sự đe dọa, cưỡng bức hay tước đoạt một cách tùy tiện sự tự do, dù nó xảy ra ở nơi công cộng hay trong cuộc sống riêng tư. Bạo lực đối với phụ nữ, nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính khi sinh, bạo lực gia đình vì định kiến giới, xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, tảo hôn... đều là những biểu hiện của bạo lực trên cơ sở giới.
“Tiên Châu là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới vì đảm bảo tính đại diện, khả thi và có khả năng nhân rộng khi mô hình phát huy hiệu quả. Đây là lần đầu tiên Quảng Nam xây dựng mô hình này nên vừa thực hiện, vừa rút kinh nghiệm để làm tốt hơn” - ông Lê Huy Tứ, Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH cho biết. Hơn nữa, lãnh đạo xã Tiên Châu có sự quan tâm đến công tác này. Xã đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức hội thảo xác định lại vai trò của địa phương trong phòng chống bạo lực gia đình. Thông qua việc thực hiện mô hình này, người dân trong khu vực được nâng cao nhận thức về BĐG, đặc biệt là bạo lực trên cơ sở giới, tìm hiểu rõ nguyên nhân và tác hại của nó. Từ đó, người bị bạo lực được tiếp cận ít nhất một hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu tác hại.
Đường mới xã Tiên Châu đi Tiên Hà
Theo bà Thông, trước mắt Tiên Châu sẽ kiện toàn lại ban chỉ đạo cấp xã, sau đó sẽ thành lập các câu lạc bộ ở thôn, thành lập tổ phòng, chống bạo lực giới gồm công an và ban quân - dân - chính của thôn. Thông qua các câu lạc bộ, người dân sẽ được cùng tham gia sinh hoạt, cùng chia sẻ kiến thức về BĐG, từ đó nâng cao nhận thức để họ thay đổi suy nghĩ, hành vi về BĐG.
Các câu lạc bộ sẽ là nền tảng tạo nên môi trường thân ái, đoàn kết trong khu dân cư, biết cách giải quyết mâu thuẫn, hạn chế xung đột. Các tổ phòng, chống bạo lực giới sẽ chủ động ngăn chặn kịp thời các vụ bạo lực trên cơ sở giới thông qua đường dây nóng hoặc địa chỉ tin cậy. Từ đó các thành viên của tổ cố gắng bảo vệ cao nhất sự an toàn sức khỏe, tính mạng cho nạn nhân ở các khu dân cư khi bạo lực xảy ra.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam