Chăm sóc lúa đông xuân
Đến nay, huyện Tiên Phước đã cơ bản gieo sạ xong vụ đông xuân 2014 - 2015. Hiện bà con nông dân ở các xã đang tu sửa lại các đập bổi, tích nước và tiến hành dặm tỉa, bón phân cho cây lúa…
Gieo sạ đạt kế hoạch
Vụ đông xuân năm nay, huyện Tiên Phước gieo sạ hơn 2.400ha, đạt 100% kế hoạch đề ra. Đây là vụ mùa chính trong năm 2015 nên người dân ở các thôn xã đầu tư công sức làm vệ sinh đồng ruộng, cày bừa và chọn giống gieo sạ đúng theo lịch thời vụ. Các giống lúa 0M4900, TBR45, HT1, PC6... có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày, qua thực tế cho thấy phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương nên được gieo sạ đại trà.
Gia đình anh Huỳnh Đức Thắng ở thôn 5 xã Tiên Mỹ gieo sạ hơn 12 sào ruộng với các giống lúa TBR45, 0M 4900, Xi21 và NX30 đến nay đã lên xanh tốt. Anh Thắng cho hay: “Đây là vụ mùa chính trong năm nên tôi chuẩn bị khá chu đáo ở các khâu với hy vọng sẽ có một mùa vàng bội thu. Cuối tháng 11 (Â.L) này, ruộng lúa đã lên xanh nên gia đình tôi dặm tỉa, bón phân theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông”. Vụ đông xuân năm nay, xã Tiên Mỹ gieo sạ 216ha. Nhờ có chủ động ở các khâu ngay từ đầu nên việc sản xuất vụ mùa của bà con nông dân trên địa bàn xã khá thuận lợi. Theo ông Ngô Minh Hòa - Phó ban Nông nghiệp xã Tiên Mỹ, trước khi tiến hành gieo sạ, địa phương đã vận động bà con chú trọng khâu làm đất, xử lý mầm bệnh hại lúa…
Nông dân Tiên Phước chăm sóc lúa vụ đông xuân 2014 – 2015. |
Qua kiểm tra của các địa phương, đến nay hầu hết cánh đồng gieo sạ trà 1, trà 2 cây lúa lên xanh tốt và chưa bị sâu, chuột và ốc bươu vàng phá hại. Bà con nông dân ở các xã đang tập trung nhân lực ra đồng làm cỏ, dặm tỉa, bón phân. Thời tiết những ngày gần đây se lạnh, mưa phùn, tạo điều cho cây lúa phát triển nhưng cũng là cơ hội cho các loại sâu bệnh xuất hiện gây hại lúa. Ở một số địa phương như Tiên Cảnh, Tiên Lộc, Tiên Mỹ, Tiên An... đã bắt đầu xuất hiện rải rác sâu cắn lá, ốc bươu vàng trên diện tích lúa gieo sạ trà 1.
Ông Huỳnh Đức Thương - Phó phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết: “Phòng đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, tăng cường chăm sóc ruộng lúa. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết mưa lạnh kéo dài, chúng tôi khuyến cáo bà con giữ nước để tăng độ ấm cho cây lúa, kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh, chuột bọ gây hại để thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, không để ảnh hưởng đến cây lúa. Đồng thời chúng tôi cũng phân công cán bộ xuống các xã phối hợp với ban nông nghiệp nắm tình hình sinh trưởng của cây lúa trên từng cánh đồng…”.
Tu sửa kênh mương, hồ đập
Với địa hình miền núi, đồng đất ở huyện Tiên Phước hầu hết là ruộng bậc thang nên nguồn nước tưới chủ yếu dựa vào nước trời. Để đảm bảo cho cây lúa phát triển xanh tốt, ngay từ đầu vụ huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động bà con nông dân tu sửa, nạo vét các kênh mương, đắp đập bổi nhằm tích nước tưới cho đồng lúa.
Xã Tiên Cảnh là một trong những địa phương có diện tích gieo sạ lớn nhất huyện, trên 323ha. Năm 2014, xã đã xây mới kênh mương Đập Hầm ở thôn 5 và kênh mương Đồng Xoài ở thôn 1 với chiều dài gần 1,6km, đảm bảo nguồn nước tưới cho 12ha lúa. Bên cạnh đó, đập Đá Vách ở thôn 5 cũng được cấp trên hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo nước tưới cho 30ha lúa. Ông Đào Anh Đấu - cán bộ Ban Nông nghiệp xã Tiên Cảnh, cho biết: “Xã cũng đã vận động người dân tích nước ở các ao hồ, khe suối… để dự phòng. Hiện tại, diện tích lúa đông xuân trên địa bàn xã phát triển tốt”.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Tiên Phước có 7 hồ chứa, 121 đập dâng và 1 đập trung thủy nông Đá Vách với trên 114km kênh mương nội đồng đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 37% diện tích lúa, hoa màu, còn lại phụ thuộc vào nước trời. Ngoài ra, còn có khoảng 300 đập bổi nhỏ do các hộ dân tự bỏ công sức ra ngăn đắp, lấy nước tưới cho khoảng 1.000 ha.
Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Với đặc điểm thổ nhưỡng và địa hình bậc thang, xây dựng các đập thủy lợi là yếu tố quyết định giúp sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển. Tuy nhiên, các đập dâng, hồ chứa trên địa bàn được đầu tư xây dựng còn hạn chế và phần lớn đều đã xuống cấp. Để đảm bảo sản xuất vụ đông xuân năm nay gieo sạ hết diện tích và chủ động nguồn nước tưới, chúng tôi tận dụng tối đa sự đầu tư của cấp trên, tranh thủ các nguồn tài trợ và huy động nguồn lực nhân dân đầu tư xây mới, sửa chữa các hồ, đập, kênh mương nhằm tận dụng nguồn nước tưới cho các đồng lúa…”. Với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương và sự tập trung chăm sóc bảo vệ của bà con nông dân ở các xã, thị trấn, diện tích lúa đông xuân ở huyện Tiên Phước phát triển tốt tươi.
Nguyễn Hưng - Báo Quảng Nam