Câu chuyện về tên của một con đèo
Trải qua thời gian cùng những biến thiên của đời sống, con đèo nằm ở ranh giới tự nhiên giữa hai làng An Sơn và Đại An (Tiên Phước) lại có tên gọi khác nhau và vẫn còn lưu truyền đến ngày nay.
Đèo... cây
Đường đèo không cao lắm, chỉ quanh co trải dài nhưng khí hậu nơi vùng đèo lại hoàn toàn khác biệt. Ở bên làng An Sơn, buổi sáng cơm nước xong, mặt trời lên đã được hơn ba đòn gánh, ánh sáng khắp nơi thế mà đi đến chân đèo, sương vẫn còn sà xuống dày đặc, sương đậm đến nỗi đi cách nhau cỡ mười bước chân đã không thể thấy nhau.
Con đèo này một bên dựa vào núi, một bên là đồng ruộng bậc thang nhỏ hẹp. Nơi lưng chừng đèo có cây gạo rất to, đứng chênh vênh. Gốc gạo đó cỡ ba vòng tay ôm không xuể. Chiều cao phải hơn hai chục mét, tán lá trải rộng cả khoảng không gian lớn.
Thường vào tháng Ba âm lịch, gạo nở hoa màu đỏ chói, cánh to và nặng. Người sống ở làng An Sơn cách xa ba cây số cũng có thể nhìn thấy. Cây gạo ấy không biết có tự bao giờ, nhưng cái tên đèo cũng được gắn vào nó, gần gũi mà thơ mộng: đèo Cây Gạo.
Đi một đoạn lên gần đến đỉnh đèo, lại có ba cây cốc cổ thụ khá lạ mắt mà dân cả hai làng An Sơn và Đại An cũng không biết nó có tự bao giờ. Ba cây cốc đứng thành thế chân vạc sừng sững.
Bên này một cây, bên kia hai cây, con đường nằm ở giữa. Rễ của chúng nhô lên khỏi mặt đất, ngoằn ngoèo và vươn dài xung quanh. Nhờ vậy mà trải qua không biết bao mùa gió bão, ba cây cốc này vẫn không hề lay chuyển.
Gốc cây cốc to đến nỗi ba người đứng bên này không nhìn thấy ba người đứng phía bên kia. Tán lá che rợp cả vùng khoảng hai sào đất. Bởi hình ảnh độc đáo này nên phần lớn dân cư bên dưới đèo lại gọi là đèo Cây Cốc.
Thời ấy, trong dân gian có câu ca dao “Đèo mô cao bằng đèo Cây Cốc, dốc mô dài cho bằng dốc Hội An”, có lẽ chỉ hai địa danh ở Tiên Cảnh và Tiên Châu, còn mãi đến ngày nay.
Sau này, do yêu cầu mở rộng đường giao thông nên hai cây đã bị san ủi làm mặt bằng. Hiện vẫn còn một cây cốc to nằm lặng lẽ bên đường, ít ai để ý đến. Còn cây gạo bên chân đèo đã chết tự bao giờ, thay vào đó là một cây gạo tơ khác, đã ba bốn mùa hoa nở.
Chuyện xưa kể lại
Câu chuyện tên đèo quê tôi không chỉ gắn với thiên nhiên thơ mộng của vùng trung du xứ Quảng. Dân gian còn truyền lại câu chuyện buồn và ghi nhớ tên con đèo như một sự cảm khái phận người. Đèo Cây Gạo (hay đèo Cây Cốc) nằm giữa hai vùng núi lớn, một bên là núi Hòn Ngang; bên kia là dãy Cửa Rừng trùng điệp.
Ngày xưa, rừng già cây cối rậm rạp nên đa dạng muông thú sinh sống như các loại: khỉ, mang, nai, cọp, beo… Đôi khi có cả voi xuất hiện nữa. Bởi vậy, ban đêm chẳng ai dám đi. Trường hợp khẩn, muốn qua đèo ban đêm, phải có ít nhất ba người cùng đi. Một người cầm cây đuốc thật lớn, hai người kia cầm gậy gộc để tự vệ.
Có hai vợ chồng từ đâu đến, dựng ngôi nhà nhỏ bên đường, ngay đỉnh đèo để mở quán. Không rõ lai lịch của họ, người chồng cho biết ông tên Tám Chí. Thế là từ đó, cái tên Tám Chí gắn liền với khách bộ hành mỗi khi có dịp qua đây.
Hàng của vợ chồng Tám Chí là những món ăn bình dân như bún, mỳ, vài nải chuối chín, mấy xâu bánh ú mới vớt ra còn nóng hổi treo lên trước quầy. Thêm vào đó vài chồng bánh tráng, hũ kẹo đậu phụng…
Dưới thời Pháp thuộc, mặc dù đây là con đường huyết mạch nối liền từ Tam Kỳ - Tiên Phước lên huyện miền núi Trà My nhưng đường sá nhỏ hẹp, lại là đường đất nhấp nhô sỏi đá. Thời ấy chủ yếu là... đi bộ.
Thỉnh thoảng, có người cưỡi ngựa đi qua, đó là những ông chánh, phó tổng hoặc người giàu có. Hiếm hoi lại được trông thấy vài người bận đồ tây đi những chiếc xe đạp dàn ngang không dè không gạc.
Nghe nói đó là các ông Thương chánh (như chức quản lý thị trường hiện nay). Họ về các vùng quê để lùng bắt phạt những người nấu rượu lậu, sản xuất nhiều thuốc lá, bông vải hoặc dầu phụng.
Do tình trạng đường sá vắng vẻ nên đường đèo về đêm càng có vẻ thâm u, pha chút rùng rợn của vùng bán sơn địa. Quán Tám Chí vì vậy, cỡ năm sáu giờ chiều đã đóng cửa.
Có chàng trai người làng Đại An phía dưới chân đèo lên lấy vợ ở làng Lộc Yên, nên thường qua lại nơi đây. Buổi chiều nọ, anh lên thăm nhà vợ. Sau bữa tối cơm nước xong, còn chuyện vãn hồi lâu, anh mới xin phép ra về.
Bà con ai cũng can ngăn vì sợ bất trắc xảy ra. Nhưng anh nhất quyết ra về trước sự lo lắng của mọi người. Gặp đêm sáng trăng nên chẳng cần đèn đuốc, anh cứ thế đi. Sáng hôm sau, người đi chợ sớm phát hiện có người bị cọp bắt đang nằm trên vũng máu...
Sau cái đêm rùng rợn đó, quán Tám Chí cũng đóng cửa. Vợ chồng ông thu xếp gồng gánh ra đi. Cũng chẳng ai biết họ đi về đâu, chỉ để lại thêm một cái tên cho con đèo: đèo Tám Chí. Mỗi lần nhắc đến, người ta thường kèm theo câu chuyện thương tâm về người bị cọp vồ chết...
Nguyễn Đình Liên - Báo Quảng Nam