Câu chuyện dế & bánh quy
Bánh quy... dế, cái tên nghe thật lạ lẫm với nhiều người, nhưng Nguyễn Hữu Đạt và nhóm bạn của anh đã rất táo bạo khi đưa dế kết hợp với nguyên liệu làm bánh, thành bánh quy dế, đang từng bước chinh phục người tiêu dùng.
Ý tưởng táo bạo
Nguyễn Hữu Đạt (xã Tiên Thọ, Tiên Phước) cùng 3 người bạn khác là Tô Hữu Chương, Thái Bá Toàn, Trần Thanh Vinh, mỗi người mỗi tính cách nhưng lại gặp nhau ở niềm đam mê sáng tạo sau 4 năm ngồi trên ghế giảng đường Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Ra trường, 4 chàng trai trẻ cũng trải qua vài phen thử sức với những công việc ở các công ty, rồi bon chen vật lộn với thương trường bằng quán cà phê. Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm thêm kinh nghiệm sống, bao nhiêu vốn liếng gia đình đầu tư cho họ đều bay theo mây khói. Không nản lòng, Đạt đề xuất một ý tưởng táo bạo, đó là biến côn trùng thành thực phẩm sạch.
Ban đầu, cả nhóm nghe cũng sợ, không biết có làm được không, nhưng tính khí của người trẻ không buộc họ đầu hàng. Thử thì thử, các chàng trai bắt đầu nghiên cứu tìm loại côn trùng nào phù hợp với khẩu vị của người Việt để thử nghiệm trước. Đạt cho biết: “Xuất phát từ vấn đề thực phẩm bẩn và các ảnh hưởng của thịt đỏ, ý tưởng dù khó thực hiện nhưng sẽ phù hợp với thị trường trong tương lai không xa. Ý tưởng ra đời với mục đích tạo ra một nguồn dinh dưỡng mới an toàn và có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nhóm của Nguyễn Hữu Đạt bên gian hàng trưng bày sản phẩm bánh quy dế tại một hội chợ ở Đà Nẵng. |
Ban đầu là làm thực phẩm từ côn trùng và thực vật. Sau quá trình tìm hiểu, nhóm nhận thấy dế là loại côn trùng có nhiều tiềm năng nhất, vì con dế tự bản thân nó đã sạch, thức ăn chủ yếu của dế là rau cỏ không có hóa chất. Dế rất mẫn cảm với các độc tố, nên nếu rau nó ăn vào còn tàn dư thuốc trừ sâu hoặc phân bón hóa học tự nó sẽ chết. Dinh dưỡng của con dế lại cao, từ các bài thuốc Đông y đến các nghiên cứu khoa học phương Tây đều đánh giá cao dinh dưỡng từ dế”.
Theo Đạt, qua nghiên cứu thì được biết Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) đã công bố có khoảng 2 tỷ người (khoảng 30% dân số thế giới) sử dụng côn trùng làm thực phẩm và con số này ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các nước phương Tây - những nước từng xem việc ăn côn trùng là điều gì đó rất kinh dị. Một trong những lý do côn trùng được sử dụng làm thực phẩm nhiều hơn là vì giá trị thực phẩm của chúng rất cao nhưng chi phí nuôi lại thấp và ít tác động đến môi trường. Chính vì vậy, dế và các loại côn trùng nói chung đang được xem là nguồn thực phẩm của tương lai.
Ban đầu, Đạt cùng với các thành viên của nhóm bắt tay vào nghiên cứu phương thức chế biến và tìm cách phát triển sản phẩm. Kết quả đầu tiên của nhóm là bánh snack dế đóng gói với dế nguyên con. Tuy nhiên sản phẩm này không được đón nhận rộng rãi bởi nhiều khách hàng vẫn còn e dè và “sợ” khi ăn côn trùng nguyên con, dù đã được chế biến theo hướng cải tiến cho ưa nhìn hơn. Nhóm quyết định thay đổi cách chế biến lẫn mẫu mã sản phẩm, sao cho sản phẩm gần gũi hơn và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Từ đó, bánh quy dế Crickie ra đời. Mỗi chiếc bánh quy được tạo thành từ dế nguyên con sấy khô, nghiền thành bột, bột mỳ, bơ, đường và các hương liệu tự nhiên như cacao, dừa, mè đen...
Đưa sản phẩm ra thị trường
Đạt cho biết, ban đầu nhóm gặp rất nhiều khó khăn từ khâu nguồn nguyên liệu, tạo ra quy trình sản xuất, nhất là tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cơ hội mở ra khi nhóm đem ý tưởng đến cuộc thi Tìm kiếm và ươm tạo Start-ups của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) hồi tháng 9.2016, lúc đó dự án chỉ hình thành ở ý tưởng. Qua cuộc thi, dự án được đánh giá là một trong 9 ý tưởng tốt nhất và được chọn vào chương trình ươm tạo. Dự án đồng thời lọt vào top 5 ý tưởng được Quỹ đầu tư Mekong Capital theo dõi đầu tư với cái tên Demeater. Quỹ đánh giá đây là ý tưởng táo bạo và sáng tạo, là startup tiên phong tại Việt Nam trong việc phát triển mảng thực phẩm sạch từ côn trùng - một trong những hướng đi mới hiện nay. Ngoài ra, thời gian vừa qua dự án còn nhận được sự hỗ trợ từ một tổ chức trong việc truyền thông và quảng bá hình ảnh.
Có “bà đỡ”, nhóm bắt đầu tìm nơi để mua dế đáp ứng đủ yêu cầu về chất lượng, sản lượng. Nhóm đã làm việc với nhiều trang trại và may mắn đã tìm và hợp tác với một trại dế quy mô 2 tạ dế/ngày ở huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), đảm bảo ổn định nguồn cung cả về số lượng lẫn chất lượng. Ở đây nhóm còn được chủ trang trại giúp đỡ rất nhiệt tình từ những ngày còn nghiên cứu sản phẩm. Có nơi cung ứng dế, nhóm tiếp tục hành trình tìm nơi sản xuất sản phẩm và tìm đến cơ sở sản xuất bánh của Công ty CP Tuấn Lê Văn (một nơi làm bánh uy tín tại Đà Nẵng). Công ty CP Tuấn Lê Văn đã nhiệt tình vào cuộc giúp đỡ cho ý tưởng của nhóm thành hiện thực.
Sau hơn nửa năm nghiên cứu quy trình sản xuất, sản phẩm bánh quy dế thêm một bước tiến mới. Sản phẩm đã được đưa đến Sở Y tế TP.Đà Nẵng để kiểm định. Sau quá trình phân tích và kiểm tra, đầu tháng 5.2017, sản phẩm đầu tiên bánh quy dế Crickie đã được Sở Y tế Đà Nẵng cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP số 058/2017/YT ĐNa-XNCB để chính thức thương mại hóa sản phẩm này.
Đạt cho biết, trong tương lai nhóm sẽ tiếp tục đưa ra các sản phẩm khác chế biến từ côn trùng và thực vật như bánh mặn, bột dinh dưỡng, thanh protein, chả dế… nhằm tạo ra một xu hướng mới trong sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, góp phần giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường, đồng thời nghiên cứu thêm các quy trình chế biến để tăng hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm. Nhóm đang lên kế hoạch tìm nguồn tài chính để xây dựng nhà máy sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất để có thể mở rộng ra thị trường toàn quốc và mở hướng xuất khẩu.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam