"Cái Làng Quê" trong "Khúc ru Về Phía Mặt Trời" của Mỹ An
Người Việt Nam, dù nói dù không ai cũng có một “cái làng quê” của mình nên khi đi xa ai cũng thắc thỏm mang trong mình một “cái làng” riêng. Tế Hanh dù đã tập kết ra Bắc nhưng trong ông vẫn không thể quên “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới”; Bách Mỵ, nữ nhà thơ Đại Lộc (Quảng Nam) nước mắt tràn mi trong cái “đêm bỏ làng theo sông” về nơi phố chợ; một nhà thơ Quảng Nam khác (Nguyễn Ngọc Hạnh) mang theo cả cái làng của mình dù đi bất cứ nơi đâu “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi”,...Và “cái làng quê” trong thơ Nguyễn Bính thì như một bức bích họa với đầy đủ gam màu của tình yêu và nỗi nhớ.
Không hiểu sao đọc tập thơ Khúc ru VỀ PHÍA MẶT TRỜI của Mỹ An trong tôi vẫn cứ bị ám ảnh bởi “cái làng quê” anh đã miêu tả với muôn vàn cung bậc cảm xúc. Làng trong thơ anh đâu chỉ là không gian địa lý của một vùng quê Tiên Phước, Quảng Nam mà dưới lớp trầm tích ấy là muôn vàn ký ức về ông bà, về mẹ, về cha, về người thầy, người bạn, người thương, về vẻ đẹp và cả niềm đau, về những kỷ niệm và lòng yêu mến của con người. Hơn 60 năm cuộc đời, có dễ phải hơn nửa thế kỷ Mỹ An hầu như gắn chặt với chỉ một vùng đất ấy, và dĩ nhiên nó trở thành một “vùng thẩm mỹ” trong các sáng tác của anh (Tự truyện Thị trấn ven sông, 2014; Tập thơ Chiều nghiêng, 2017) và rất đậm đặc trong Khúc ru VỀ PHÍA MẶT TRỜI. Đọc toàn bộ tập thơ, ta thấy làng quê đã làm nên một thế giới nghệ thuật trong thơ Mỹ An.
Thế giới ấy trước tiên là mảnh đất thân thương của làng Mỹ An, Tiên Kỳ, Tiên Phước với mọi cạnh khía vui, buồn, hờn, giận, yêu, ghét của các phạm trù thẩm mỹ. Mảnh đất này mỗi lần nhớ về là nhớ cái khốn khó đời này sang đời khác như một lẽ ở đời càng khổ, càng đau càng lay lắt nhớ: “Khoai lang hột mít ghé quanh mùa”, “Mẹ cha mưa nắng khổ một đời” (Khúc ru về phía mặt trời), “Xa nhớ đói ngày cơm áo vá/ Mấy đời cày cuốc mấy hồi no”, nhớ về cái thời Hợp tác xã đi cấy cả ngày được mấy lạng thóc mà mẹ còn bị cách chức vì cái “tội” để xã viên lười ra đồng (Giữa chợ),...Mảnh đất ấy còn là sự đong đầy của bao kỷ niệm ấu thơ: tiếng ve mùa hè “Cung trầm rưng rức sắt se giữa đời” (Phía mặt trời thiếu em). Những hàng sưa “Sưa vàng hoa rụng đường quê”, những cây trảu ra hoa “Nhớ mùa hoa trảu tháng Ba/ Lá vàng xẻ cạn hoa ra trắng ngần (Hoa trảu trắng), nhớ chiếc ngõ đá “Xanh rong rêu phủ dặm trường” (Ngõ đá),...
Nhà thơ Mỹ An - Nguyễn Khánh trong buổi giới thiệu tập thơ "Khúc ru Về Phía Mặt Trời"
Đặc biệt là nỗi nhớ về dòng sông chảy ngược quê anh. Rất nhiều lần anh nhắc đến dòng sông ấy và mỗi lần là một “cách nhớ” khác nhau: “Chèo lái trên sông nước ngược đời”, “Dòng sông chảy nước ngược về lên mãi” (Phố bên sông), “Nước dưới chân cầu chảy ngược còn cuộc đời có chảy xuôi theo bài học ngày xưa trên lớp?” (Gặp lại), “Sông còn nhớ những cơn mưa [....] Bến sông dạo ấy đâu rồi hỡi em ?” (Nhóm lửa Lệ thanh minh), “Đêm sông Tiên chảy ngược dòng lên mãi/ Ăn trái cây vườn Tiên Phước bòn bon” (Về thăm xứ Quảng),...và còn ở rất nhiều bài khác. Nỗi nhớ cảnh quê trong thơ Mỹ An nhiều khi tưởng như trái ngược: làng lên rừng đau đã đành. Lấy đất trồng keo “Để keo hút nước hại ba bốn đời” khiến đất bạc khô nên “Nỗi buồn trên phố bỏ rừng ra đi!”, nhưng làng lên phố văn minh hơn vẫn cứ đau, vẫn cứ ngậm ngùi vương vấn cảnh xưa bởi “Làng lên phố giờ còn ai thắp lửa/ Túi áo nào/ còn giữ lấy/ que diêm?” vì thế mà ngồi gặp lại bên sông dẫu “Rượu có ngon vẫn còn vài giọt đắng/ Phố có về/ vẫn còn nợ/ làng xưa ...! (Phố bên sông). Thì ra sự vô lý chỉ là trên bề mặt câu chữ thôi còn trái tim vẫn có lý của nó: vì quá yêu nên giận hờn mà còn giận hờn nghĩa là còn yêu! Đó là cái giận hờn kiểu Nguyễn Bính “Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa” đấy thôi, còn thì như anh tự thú trong bài Làng vừa lên phố: đó chính là món “nợ miền làng xưa” đấy!
Thế giới nghệ thuật trong Khúc ru VỀ PHÍA MẶT TRỜI của Mỹ Ăn đậm đà nhất, sâu lắng nhất là cái tình của những con người nơi làng quê ấy. Mỹ An nhiều lần nhắc đến mẹ, đến cha khi thì trực tiếp (Nhớ mẹ, Mố cầu, Bên mộ mẹ, Giữa chợ, Đôi mắt) khi thì qua một kỷ niệm (Khúc ru về phía mặt trời, Đường tơ, Tìm câu cá cũ, Chiều nghĩa trang, Hạt gạo trắng,...). Chỉ một búi tóc của mẹ thôi, anh đã 2 lần nhắc đến và dành cả một bài thơ dài với những câu thơ da diết, cảm động đến ngậm ngùi: “Người đi qua mấy dặm trường/ Vẫn chưa bằng mẹ tóc vương búi tròn”. Một búi tóc thôi mà trong suốt cuộc đời con vẫn “gỡ mãi chẳng rời mẹ ơi!” (Búi tóc mẹ). Mỹ An nhắc đến cha với niềm tự hào không giấu diếm: nếu mẹ là ở chi tiết “búi tóc” thì ở cha là “đôi mắt” được đặc tả “Cha là ngôn ngữ bầu trời/ Là tia chớp sáng giữa đời của con”, “Cha là non nước trời yêu”, “Đất trời/ biển rộng/ bao la/ Từ trong/ đôi mắt/ cha già/ của con”! (Đôi mắt).
Mỹ An cũng dành cho em tràn đầy tình yêu đắm say của một thời phiêu lãng nhưng đến giờ vẫn day dứt khôn nguôi đến mức nhìn cái gì, gặp cái gì, nói cái gì,...cuối cùng cũng chỉ để nói em bởi “Em là hương sắc của làng quê”, cũng là cái đích hướng “về phía mặt trời” chăng? Nỗi day dứt ấy càng dầy thêm, cồn cào hơn, xót xa hơn khi Phía mặt trời thiếu em! Ta hiểu vì sao trong 65 bài của tập thơ Mỹ An đã dành đến 24 bài để nói về em ở mọi cung bậc và trong những hình tượng khác nhau. Em là các học trò “khách sang sông” (Đường tơ), là “nắng cuối ngày tháng Tư” (Bóng hoàng hôn), là “Tấm khăn quàng cổ giờ này ấm không” (Rét đi), là ký ức của “ta đói em mùa chín” (Mùa vàng ký ức), là cái bến đò xưa cũ mà anh hằng nhớ (Bến sông), là mùi sưa đem lại “hương sắc nồng nàn” (Gửi nắng cho sưa)...Ta cũng gặp lại em trong các bài thơ khác nữa (Trở rét, Màu hoa đỏ năm xưa, Bóng mồ côi, Ra ngõ tháng Giêng, Hoa không tên, Giọt nắng thu, Hoa trảu trắng, Tiếng ve, Tình xuân còn bao mùa nhớ,... ).
Cái làng quê của Mỹ An (cũng như bao làng quê khác) có niềm vui và cả những nỗi buồn, có hạnh phúc và cả khổ đau, có cái bình yên của làng quê truyền thống và có cả cái nhốn nháo trong buổi giao thời của làng lên phố. Chúng ta gặp tất cả phức cảm ấy trong Đường tơ (“Khách đi trăm ngả thuyền một bến”) “Phấn bảng ngàn năm mưa gió dạt”), trong Tóc râm (“Ngọt cay đắng vị đời thầy”), trong Đời lại sáng lên (“Đạo đức lúc này dường như quá mong manh”; “Thế gian bây giờ trần trụi, nhiêu khê”), cha sợ con, thầy sợ trò và đủ thứ sợ không phải là vô lý. Nhưng với sự bao dung, nhân hậu, Mỹ An vừa tha thứ vừa tự vấn về mình (“Có giận đời vẫn cứ phải tơ vương”, “Ừ phải đúng rồi cũng tại ta”, “Dạy người không hiểu lỗi do ta”...). Xem ra “cái làng quê” nhỏ bé của Mỹ An thế mà cũng bộn bề, chật chội với bao cảnh, bao người, bao kiếp người, bao sự kiện,...chẳng khác gì một xã hội thu nhỏ.
Mỹ An trình bày thế giới nghệ thuật ấy chủ yếu qua hồi ức, kỷ niệm bằng giọng trữ tình tha thiết. Tôi được biết Mỹ An từ khá lâu (trong cái tên “hành chính” Nguyễn Khánh của anh). Giờ đọc thơ anh, tự nhiên tôi cứ liên tưởng đến câu “Người thơ phong vận như thơ ấy”, bởi cái giọng điệu trong thơ Mỹ An cũng chẳng khác gì cái chất giọng hàng ngày của Nguyễn Khánh Trưởng phòng Giáo dục hay Nguyễn Khánh Hiệu trưởng THPT cả! Đọc cả tập thơ không thấy một thán từ hiệu triệu (ơi, ôi, hỡi, hãy,...) mang “tính sử thi” nào cả mà chỉ toàn gặp những tiếng thủ thỉ, tâm tình, nhẹ nhàng, điềm tĩnh. Có lẽ đó là cái “tạng” của anh chăng? Nếu vậy thì đó sẽ là cái riêng, cái độc đáo (mang phẩm chất thẩm mỹ) của anh - bước đầu hình thành nên một phong cách thơ?
Nếu có một chút mong muốn trong tập thơ này của Mỹ An và cả trong sáng tác của anh thì có lẽ mong anh nên đổi mới một chút trong lối viết. Thơ Mỹ An nhìn chung chân chất, hiền lành, dung dị, không “lạ hóa”, như cái làng quê bình dị của anh. Nhưng nông thôn giờ cũng đổi thay triệt để theo hướng công nghiệp hóa, trở thành “nông thôn mới”. Mỹ An đã “cày sâu cuốc bẫm” trên cánh đồng chữ nghĩa về hiện thực ấy rồi, giờ phải chăng đã đến lúc cần đưa “công nghệ 4.0” vào cánh đồng mới này để “tình yêu thêm sắc thêm màu” trong thơ anh. Mong lắm thay!
Xin trân trọng giới thiệu tập thơ của Mỹ An cùng bạn đọc.
TS. Nguyễn Khắc Sính - Nguyên Hiệu trưởng trường ĐHSP Đà Nẵng
* Lời giới thiệu trong tập thơ Khúc ru VỀ PHÍA MẶT TRỜI của nhà thơ Mỹ An - Nguyễn Khánh vừa ra mắt bạn đọc vào ngày 11.11.2018