Cụ Huỳnh Thúc Kháng dự lễ “Thu tế” tại Văn Miếu - Hà Nội
Theo tục lệ, hàng năm Hội Tư văn tổ chức lễ tế vào mùa Thu để tưởng niệm Đức Khổng Tử. Ngày 21-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự cuộc lễ này.
Ngày 22-9-1946 (tức ngày 27-8 âm lịch), vào thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đang thăm nước Cộng hòa Pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng giữ quyền Chủ tịch nước dẫn đầu đoàn đại biểu gồm: Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Bộ Công chính giao thông Trần Đăng Khoa. Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ Nguyễn Xiển. Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng... tới dự kỳ Thu lễ tại Văn Miếu Hà Nội.
Trước khi cử hành lễ, cụ quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đọc bài diễn văn:
"Thưa ông Hội trưởng Hội Văn miếu Văn học Hiệp hội, các ngài hội viên, các thân hào và đồng bào các giới...
Thưa các ngài!
Lịch sử văn hóa nước Việt Nam ta, về thời đại Hán học cùng Khổng giáo nước Trung Hoa, một mạch lưu thông nhau, quan hệ không ít. Thành Thăng Long danh tiếng này là một thủ đô thời Lý, thời Trần và thời Lê, đều đại thành sáng lập đã lâu. Đời Nguyễn đóng đô ở trong Thuận Hóa, cũng có chế độ nền văn minh chỉ như thế. Trải mấy thời kỳ văn học đã có lễ Xuân tế, Thu tế thánh vào hai ngày Đình Lâu ngày tự điển văn miếu như thế cứ màu sắc "Thân quyền và phong kiến sai với chân tưởng Khổng học rất xa...".
Năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, lại đóng thủ đô thành Thăng Long này, đất xưa nước mới, trăm việc đều cải thiện vươn lên, tập quán tế tự sai lầm gần quét sạch cả.
Năm Dân chủ Cộng hòa thứ hai (1946), học giới Hà thành này có tổ chức thành Hội Văn miếu Văn học Hiệp hội, hội viên quyết nghị "Thường năm ngày 27 tháng 8 âm lịch, là ngày sinh nhật Khổng Tử, làm lễ kỷ niệm tại Văn Miếu, bãi bỏ "Tế Đinh" cũ. Chính phủ ưng chuẩn, sẽ đặt làm định chế thông tri toàn quốc.
Các nhà phụ trách điều chỉnh (chuẩn) bị sắp đặt nghi tiết trước sẵn, đến ngày áo khăn tới dự đông đủ, cửa đền mở toang, chuông trống rập hòa, trật tự tề chỉnh, đốt hương dâng rượu, phẩm vật đơn giản, một vùng không khí trang nghiêm thành kính, bao bọc cả trong ngoài đền, một tòa cung tường màu sắc cũ xưa, bỗng hiện ra quang thế thời đại văn minh mới.
Tôi, Huỳnh Thúc Kháng lấy tư cách đại diện Chính phủ cung kính đứng làm lễ, lễ xong, kính soạn câu đối khắc vào hai cột, tiêu biểu tấm lòng ngưỡng mộ của quốc dân đối với một bậc tiên thánh, đồng thời viết vài lời cùng đồng nhân trong Văn Hội và cả quốc dân ghi nhớ cái ngày không quên này".
Theo Tập san Nho Y Nghiên Cứu số 2, tháng 10 năm 1946, tr. 7, Thư viện Quốc gia: C.1077.