www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cụ Huỳnh “truyền cảm hứng” cho người trẻ

 “Những bài viết của cụ Huỳnh trên báo Tiếng Dân về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã gợi cảm hứng cho chúng tôi tiếp tục nghiên cứu về vấn đề trọng đại của dân tộc”, nhóm nghiên cứu trẻ của Trung tâm Nghiên cứu biển và đảo - trường Đại học KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy tại hội thảo Thân thế và sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng.

 Chuyện kể rằng du học sinh Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau tại Hoa Kỳ đều nhất mực khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngay khi cuộc “khẩu chiến” xảy ra, cả hai đều không đưa ra được chứng cứ cụ thể nên hẹn một tháng sau sẽ gặp lại để tiếp tục tranh luận… “Câu chuyện về cuộc khẩu chiến đã khiến cho thế hệ trẻ chúng tôi nhiều suy nghĩ” - chị Hà Thị Sương (thuộc nhóm nghiên cứu) cho biết. 

Nhóm nghiên cứu trẻ đến từ Trung tâm Nghiên cứu biển và đảo phần lớn thuộc thế hệ 8X và tương đối “trẻ” về tuổi nghề. Trong quá trình làm việc, nghiên cứu tại trung tâm, câu chuyện của những du học sinh về biển đảo trên báo Tiếng Dân đã cuốn hút họ. Chị Hà Thị Sương tâm sự: “Quá trình nghiên cứu cũng là tự giải tỏa ấm ức từ chuyện đấu tranh của du học sinh được lưu truyền trong cộng đồng mạng. Từ đó, nhóm quyết tìm tòi, nghiên cứu và bắt gặp cảm hứng từ những bài viết trên báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh”.

Các nhà nghiên cứu trẻ cũng cho biết ngay từ rất sớm, các vị tiền nhân như Lê Quý Đôn, Huỳnh Thúc Kháng đã có ý thức ghi chép lại, chứng minh thực quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng dường như chúng ta, các thế hệ sau vẫn chưa ý thức hết được tâm tư nguyện vọng của thế hệ cha ông đã để lại qua các tài liệu. Vì vậy, hiện nay vẫn chưa có kế hoạch nghiên cứu toàn diện một cách bài bản các tài liệu trên để công bố, tạo thành “sách đọc, sách hay” giáo dục nhân dân trong nước, nhất là thế hệ trẻ như mong muốn của Huỳnh Thúc Kháng.

                       

Có thể thấy, việc tập hợp tư liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực hiện một cách hệ thống, hoàn chỉnh. Phần lớn các cứ liệu nằm rải rác ở các bảo tàng thuộc nhiều tỉnh - thành khác nhau. Anh Nguyễn Thế Trung (thành viên nhóm) cho rằng: “Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi được tiếp cận với tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng nên càng có thêm cảm hứng tìm hiểu về vấn đề biển đảo từ những góc nhìn của cụ. Chúng tôi may mắn có cơ hội được tiếp cận với nguồn tư liệu quý, mong muốn góp phần đưa đến nhiều thế hệ người Việt Nam những bằng chứng, chứng cứ cũng như công cụ, phương pháp đấu tranh để chứng minh chủ quyền biển đảo lúc cần thiết”.

          

                              Nhóm nghiên cứu trẻ tại hội thảo khoa học về cụ Huỳnh

Theo nhóm các nhà nghiên cứu trẻ, điều trước mắt cần phải làm ngay đó là đưa các bài học lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp, từ tiểu học cho đến đại học với nội dung phù hợp. Qua các website chính thức, trang bị ngay cho học sinh, kể cả du học sinh Việt Nam những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu, dịch ra nhiều thứ tiếng để các thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế biết được các bằng chứng mà ta có được về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 

Khi các nhà nghiên cứu trẻ tìm hiểu, nhìn lại toàn bộ chương trình lịch sử ở các cấp học thì thấy không có chương trình nào, bài nào nêu rõ ràng quá trình làm chủ không thể chối cãi và quá trình khai thác Hoàng Sa của ông cha ta. Có chăng chỉ là một vài câu chữ ở môn địa lý trình bày cương vực lãnh thổ đất nước là có những quần đảo đó. Nhưng vấn đề là làm sao để câu chuyện “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” không chỉ bó hẹp ở khẩu hiệu, mà đi kèm theo đó là luận cứ thuyết phục ăn sâu vào máu thịt của từng người Việt Nam như những luận cứ mà chính cụ Huỳnh đã chứng minh trong bài viết của mình cách đây 75 năm. 

Phan Hạo Nhiên - Báo Quảng Nam