www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cả nhà cùng duy tân

Người anh làm duy tân, người em cũng vậy. Rồi hai người con và cả đứa cháu nội của người anh cũng không thể dửng dưng trước cuộc duy tân như sóng triều đang giục họ dấn thân.

Người anh cùng đứa con lớn chết trong lao tù, thi thể của người con bị vùi nơi biên địa, mất tăm mồ mả. Còn người em thì bôn tẩu ở nước ngoài, mất luôn tăm tích.

Không bia đá bảng vàng ghi công nhưng dân làng vẫn luôn nhắc đến họ: cả nhà làm duy tân...

Đó là gia đình ông Lê Vĩnh Huy (1850-1916) ở làng Thạnh Bình, nay thuộc xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).

Cha - con - ông - cháu một lòng

Sau cuộc biến 1908, ông Lê Vĩnh Huy thoát được tù đày, nhưng con và cháu ông bị tù mỗi người 3 năm.

Đến cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân, năm 1916, Lê Vĩnh Huy bị bắt giam và chết ở lao Hội An. Con trai ông là Lê Triêm bị đày ra Lao Bảo, bị bắn chết ở đó vì tham gia phản đối sự tàn ác của bọn cai tù hồi năm 1918.

Quả là điều đáng nói, nhà của các chí sĩ duy tân kiệt hiệt của đất Quảng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, Lê Vĩnh Huy đều nằm ở vùng núi non khuất xa, cách trở. Lê Vĩnh Huy ở cùng làng với cụ Huỳnh Thúc Kháng, hai nhà cách nhau hơn một cây số.

Xế chiều. Những dãy núi bao quanh thung lũng sẫm màu. Trong ngôi nhà cấp 4 được dựng lại trên nền xưa, ông Lê Quốc Dân (86 tuổi) không giấu được xúc động khi nhắc lại chuyện của ông cha mình.

Thắp một nén nhang cắm lên bàn thờ ông cha và bái lạy, ông Dân vào chuyện: “Ông Lê Vĩnh Huy là ông nội tui. Còn các ông Lê Triêm, Lê Duyện là bác ruột tui. Ông Lê Liễn là anh con ông bác ruột tui. Tính ra bốn người là cha-con-ông-cháu đều làm duy tân hết. Đã đi làm cách mạng mà còn đem một mớ tiền của trong nhà ra hiến cho tổ chức. Cha tui nói gia cảnh ông cha tui sau đó sa sút cũng vì các cụ san sớt của tiền lo cho việc nước...”.

Chuyện cả nhà ông Lê Vĩnh Huy làm duy tân nay ở làng Thạnh Bình nhiều người đều biết bởi kẻ trước truyền người sau, ai cũng lấy đó làm niềm tự hào cho quê xứ của mình.

Đậu tú tài, đường khoa bảng chưa đi trọn lại gặp khi Nghĩa hội Quảng Nam nổi lên chống Pháp để phò trợ vua Hàm Nghi, Lê Vĩnh Huy liền tham gia tổ chức kháng chiến Cần vương này. Có trí dũng, mưu lược, ông được giao làm bang tá rồi đến tán lý quân vụ.

Đến khi nghĩa hội thất bại, năm 1887 ông về nhà ẩn thân luyện chí. Rồi cũng như những tráng sĩ mài gươm dưới nguyệt đợi thời trong vùng, khi Duy Tân hội của hai ông Nguyễn Thành và Phan Bội Châu thành lập, Lê Vĩnh Huy đã tìm đến ngay.

Không tiếc của tiền cho đại cuộc, ông bỏ ra gần nửa gia tài trong số tiền bán quế - nguồn lợi quan trọng của nhà mình cho Duy Tân hội làm quỹ hoạt động và đưa thanh niên được chọn sang Nhật du học trong chương trình Đông du của hội này.

Ông cũng mạnh dạn đưa hai người con trai là Lê Triêm, Lê Duyện, và đứa cháu nội là Lê Liễn của mình tham gia Đông du. Tuy sang Nhật để cầu học nhưng đây cũng chính là con đường dấn thân cách mạng đầy gian khó, hiểm nguy vậy mà ông không ngại, đưa cả ba người con - cháu ra đi.

Sau ngày rã ngũ nghĩa hội, nhờ học vấn và uy thế gia đình - thân phụ ông là phó bảng Lê Vĩnh Khanh (1819-1884) từng là tri huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định), có tiếng thanh liêm - ông được cử làm chánh tổng, và ông đã nhận làm để mưu tìm thuận lợi cho những hoạt động cách mạng sau này.

Bởi vậy, nhờ uy thế của mình, ông đã góp phần tích cực vào hoạt động duy tân trong vùng. Còn con cháu ông từ Nhật trở về cũng tiếp tục tham gia hoạt động duy tân, riêng Lê Duyện dạy tiếng Nhật cho một số người.


Mộ cụ phó bảng Lê Vĩnh Khanh, thân phụ cụ Lê Vĩnh Huy, vừa được chính quyền địa phương xây dựng. Mộ cụ Lê Vĩnh Huy sẽ được xây dựng kề bên 

Bôn ba xứ người

Dốc lòng cho cuộc duy tân cứu quốc, ông Lê Vĩnh Huy còn tiễn người em trai út của mình là Lê Quý Liên - thành viên duy tân thứ năm trong gia đình ông - sang Nhật trong chương trình Đông du của Duy Tân hội.

“Tui lớn lên nghe mẹ tui kể lại là ông Lê Quý Liên qua Nhật để làm cách mạng. Vợ ông là bà Hoàng Thị Tòng cũng qua Nhật, bà biết đến mấy thứ tiếng, sau bà trở về đây với hai đứa con, cả ba mẹ con đều bị bệnh đậu mùa chết hết, chôn một chòm mả kề nhau...” - ông Lê Văn Thìn (75 tuổi), cháu gọi ông Lê Quý Liên là ông nội chú, người lo việc thờ tự ông Lê Quý Liên và vợ con ông, kể lại.

Không như ba người con - cháu ông Lê Vĩnh Huy từ Nhật trở về nước sớm hơn, ông Lê Quý Liên ở lại Nhật cho đến khi chính phủ nước này ký thỏa ước với người Pháp, trục xuất du học sinh thuộc diện Đông du khỏi Nhật vào năm 1909 (khiến một số chính khách Nhật không giữ được lời ước giúp đỡ Phan Bội Châu).

Nhưng ông Lê Quý Liên không trở về nước, từ sau năm 1909 ở quê nhà bặt luôn tin tức về ông.

Ông Trần Ngọc Chương (đã qua đời) - một cán bộ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - hồi tháng 8-1958 đã sao lục được từ Sở Lưu chiểu trung ương bức thư đề ngày 1-5-1909 của ông Lê Quý Liên từ Đông Kinh, Nhật Bản gửi về cho “Hoàng Đình Diên - tức Bá Ba” (là nhạc phụ của ông Lê Quý Liên, ở làng Thanh Lâm, nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước). Thư không ghi địa chỉ người nhận, không ghi tên người gửi, nội dung lại được viết theo lối mã hóa. Bởi vậy, chánh chủ sự Sở Mật thám Trung Kỳ Léon Sogny trong trình văn đề ngày 15-5-1909 gửi chánh giám đốc Nha Mật thám Đông Pháp đã giải mã bức thư này rất cặn kẽ.

 

Ông Lê Quốc Dân, cháu nội cụ Lê Vĩnh Huy

Mật thám Trung kỳ đã gọi đích xác “người buôn thuốc nam” được ghi trong thư “không ai khác là Lê Quý Liên, tức Kim Tổ Lê Quý Liên, con trai cựu tri phủ Lê Vĩnh Khanh (đã chết) ở làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, sang Nhật Bản hồi tháng 8-1905, vào học ở Đồng Văn thư viện, Đông Kinh. Gần đây hắn đổi tên là Dương Tấn Đạt tự Sâm Uy hay Hải Sâm Uy chỉ là bí danh của hắn...Cuối thư hắn có viết tên cô Lưỡng Song có nghĩa là hai đôi cọng lại là bốn, dân địa phương thường gọi là tư (anh tư chị tư) tức con gái thứ tư Hoàng Đình Diên là Hoàng Thị Tòng, vợ của hắn chứ chẳng ai khác...”(Bức thư của Lê Quý Liên được ông Trần Ngọc Chương chép tay theo nguyên bản. Bản báo cáo và giải mã bức thư này của mật thám Trung kỳ do Hoàng Ngọc Phách dịch sang tiếng Việt, Hà Nội tháng 9-1958).

Sau khi bị Chính phủ Nhật trục xuất, “chủ tướng” Đông du Phan Bội Châu sang Quảng Đông (Trung Quốc) hồi tháng 2-1909, rồi sau đó sang Xiêm (Thái Lan), không rõ Lê Quý Liên sau đó có theo Phan Bội Châu, hay theo Cường Để sang Hong Kong, hoặc đến Trung Quốc hay dạt đến một nước nào khác?

Ông Lê Văn Thìn nói chắc: “Mẹ tui kể ông Lê Quý Liên ra đi là đi luôn không về nữa. Cái mả ông sau vườn là cái mả giả, đắp lên với dựng cái tấm bia là để nói ông Lê Quý Liên chết rồi, để Pháp nó không theo dõi làm khổ gia đình mình. Ông chết ở Nhật hay ở mô không biết. Gia đình tui tiếc chuyện vợ ông Liên là bà Hoàng Thị Tòng, nghe kể lại cũng có qua Nhật, cũng đi làm cách mạng rồi về chết mà không thấy nói đến...”, ông Thìn trăn trở.

                                                          Huỳnh Văn Mỹ - Báo Tuổi Trẻ