Cả gia đình khuyết tật
Gia cảnh éo le của ông Phạm Văn Bằng (thôn Hội Lâm xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước), khiến ai cũng thương cảm. Gánh nặng gia đình 4 người khuyết tật đè lên đôi vai người vợ.
Ông Phạm Văn Bằng (40 tuổi) ngậm ngùi cho biết: "Hai đứa con từ lúc sinh ra đã khuyết tật, tôi cũng chẳng khác gì con, chỉ loay hoay trong nhà, tất cả đều một tay vợ tôi lo". Mẹ ông Bằng tuổi đã cao, bản thân bà cũng là người khuyết tật, thêm bệnh tuổi già, bà quẩn quanh cả ngày cùng con trai và hai cháu nội. Bà nói, không hiểu sao bà sinh con ra bị khoèo chân, rồi cháu nội cũng khoèo chân, đứa nào đứa nấy đi lại khó khăn. May mà có con dâu hiền.
Vợ ông Bằng, bà Trương Thị Thúy (38 tuổi) một mình xoay xở cơm áo gạo tiền cho cả gia đình 5 miệng ăn. Bà kể: "Ngày nào cũng vậy, sáng sớm tôi đưa hai con đến trường, rồi mới về đi làm, làm được vài tiếng là lo tranh thủ đón con về, cứ như thế lâu rồi cũng quen. Tôi nghĩ có thế nào đi nữa con mình cũng phải học để có chữ, bù đắp một phần những thiệt thòi cho chúng".
Gia đình ông Phạm Văn Bằng |
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ bà Trương Thị Thúy, thôn Hội Lâm, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. |
Đất vườn không được bao nhiêu, ruộng quanh năm mất mùa vì thiếu phân bón, có bữa bà Thúy phải mượn gạo ăn. Trong làng, ai cũng biết gia cảnh khó khăn tật nguyền của gia đình ông Phạm Văn Bằng nên hay giúp đỡ, động viên sẻ chia từng miếng cơm, manh áo.
Ông Võ Văn Vân, người trú cùng thôn cho biết: "Ở đây thấy chị Thúy phải một thân một mình gồng gánh nuôi cả nhà khuyết tật ai cũng thấy thương cảm và khâm phục chị. Tôi rất mong các nhà hảo tâm các cấp quan tâm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh này". Còn bà Thúy thì lúc nào cũng lo một nỗi con cái không được ăn học tới nơi tới chốn. Bà nói: "Khổ mấy cũng được, chỉ mong con được học hành. Chỉ sợ tôi không còn sức khỏe, làm sao đưa chúng đến trường".
Ngọc Tự - Báo Quảng Nam