Cơ hội cho vùng đất khó
Là một trong những xã được chọn đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020, Tiên Lộc (huyện Tiên Phước) xem đây là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tự lực
Khi các xã khác của Tiên Phước bắt đầu công cuộc xây dựng điểm NTM, cán bộ và nhân dân xã Tiên Lộc cũng bắt tay xây dựng NTM trên cơ sở tự lực, trong đó chủ yếu là vận động nhân dân chung tay khi chưa có nguồn lực Nhà nước đầu tư. Với địa hình của một vùng đất mà rừng sản xuất quá ít, ruộng đồng mấp mô xen lẫn đồi núi, hệ thống kênh mương, đập tưới tiêu khó khăn khiến việc sản xuất của người dân manh mún, nhỏ lẻ và thiếu tính hệ thống.
Ông Nguyễn Văn Học - Chủ tịch UBND xã Tiên Lộc, cho biết: “Đại bộ phận nhân dân trong xã sống bằng nông nghiệp, lực lượng lao động tại địa phương dồi dào chiếm gần 50% tổng dân số nhưng đa số là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, các dịch vụ tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề có phát triển nhưng chưa mạnh, lao động làm nông thời gian nông nhàn nhiều hơn nhưng không có hướng làm ăn hiệu quả, hàng năm thường phân tán đi làm ăn xa theo mùa vụ; lao động trẻ phải ly hương đi làm ăn ở các tỉnh, thành phố lớn vì thiếu việc làm tại địa phương”.
Cổng làng, đường bê tông được nhân dân Tiên Lộc đóng góp công sức, tiền của xây dựng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước. |
Với thực trạng trên, cán bộ và nhân dân Tiên Lộc xác định phải phát triển dựa trên nội lực. Được đầu tư xây dựng NTM trong năm 2016, Tiên Lộc đã đạt được 10/19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia. Trong đó, người dân chung tay xây dựng các khu văn hóa thể thao ở thôn, xây dựng giao thông nông thôn sôi nổi nhất. Các khu văn hóa thể thao ở 5 thôn của xã đều có sự chung sức của nhân dân, với nhiều hình thức như đóng góp ngày công, tiền của làm sân thể thao, nhà vệ sinh, cổng vào nhà thôn. Các tuyến đường liên thôn, liên xóm cũng được nhân dân hiến đất đai, cây cối và công sức, tiền của để bê tông hóa khoảng 4,5km, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, thông thoáng, có mặt bằng để Nhà nước và nhân dân cùng làm hiệu quả hơn.
Nâng cao thu nhập
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống điện đường trường trạm, thủy lợi hay giao thông trong tiêu chí NTM cũng nhằm phục vụ cho đời sống, sản xuất của nhân dân. Hiện nay, mức thu nhập bình quân đầu người ở Tiên Lộc đạt 16,6 triệu đồng/năm. Vì vậy, Tiên Phước xác định đầu tư cho sản xuất, phát triển kinh tế tại chỗ bằng cách tạo ra những mô hình hiệu quả mới là hướng tăng trưởng thu nhập bền vững cho nhân dân. Với cây lúa, xã Tiên Lộc xác định xây dựng 2 cánh đồng kỹ thuật tại thôn 1 và thôn 3, là nơi có điều kiện làm thủy lợi để tưới tiêu, tạo thành tiểu vùng sản xuất lúa an toàn, đạt năng suất cao. Đồng thời những chân ruộng kém hiệu quả, năng suất thấp sẽ được chuyển đổi sang trồng các loại cây có hạt cho năng suất và hiệu quả kinh tế tốt hơn.
Kinh tế vườn, kinh tế trang trại cũng là một định hướng phát triển theo cách cải tạo vườn tạp, tập trung vào những loại cây bản địa cho hiệu quả kinh tế như tiêu, dó bầu, thanh trà, lòn bon… Những khó khăn trong tưới tiêu sẽ được giải quyết bằng cách đầu tư các loại hình tưới nước như giếng đào, giếng khoan, hệ thống tự chảy, máy bơm, bể chứa, hệ thống tưới tiết kiệm phục vụ cho cây trồng, hạn chế thấp nhất tình hình hạn hán để tập trung thâm canh, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ đã hình thành trong nhân dân sẽ được định hướng để phát triển mạnh hơn, hiệu quả hơn bằng các nguồn lực đầu tư để người dân mạnh dạn xây dựng những trang trại, gia trại. Một số hộ có diện tích rừng nhiều được khuyến khích kết hợp chăn nuôi trâu bò dưới tán rừng sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời với việc tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, lãnh đạo xã Tiên Lộc cũng đang tìm những đầu mối cung cấp cây con giống an toàn cũng như chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho người dân. Khi nền sản xuất của nhân dân ổn định, sẽ tạo ra được nguồn thu nhập đảm bảo mang tính bền vững hơn.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam