Biến văn hóa thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ở Tiên Phước
Bên cạnh các giá trị văn hóa lịch sử, thiên nhiên nơi đây cũng đã ưu ái ban tặng cho Tiên Phước những phong cảnh hữu tình mà gắn với nó là cả một không gian văn hóa giàu bản sắc của cư dân vùng trung du. Dòng sông Tiên hiền hòa thơ mộng bao đời chảy ngược, bãi đá Lò Thung trải dài hàng trăm mét với những hang, hốc lớn nhỏ hết sức thú vị nằm trên sông Đá Giăng; 5 tầng thác Ồ hùng vĩ và hoang sơ của làng quê Tiên Châu, hệ thống hang động kỳ thú nằm trên địa bàn thôn 3 Tiên An là những thắng cảnh đẹp đến nao lòng. Nét độc đáo, riêng có của vùng bán sơn địa này có thể kể đến những ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm.
Để làm được điều đó, hơn bao giờ hết, việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong những năm qua, cùng với việc tuyên truyền vận động người dân, chủ nhân các ngôi nhà cổ tham gia bảo tồn, gìn giữ không gian văn hóa nhà vườn, huyện đã thực hiện thành công đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp bảo tồn phát huy giá trị không gian văn hóa nhà cổ Lộc Yên, Quảng Nam”. Đề tài đã thiết lập một hành trình quan trọng cho phát triển du lịch sinh thái làng Lộc Yên. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học, Tiên Phước đã xây dựng Đề án bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng giai đoạn 2011- 2020.
Chùa Tế Nam, thôn Hữu Lâm thị trấn Tiên Kỳ
Theo lộ trình của đề án, 26 di tích lịch sử - văn hóa và 5 danh thắng trên địa bàn huyện sẽ từng bước được trùng tu, tôn tạo và quy hoạch bảo vệ. Huyện cũng đã sưu tầm biên soạn sách Văn nghệ dân gian huyện Tiên Phước, tổng hợp được các vốn văn hóa phi vật thể còn được lưu giữ trong quần chúng. Đây là những cơ sở bước đầu để có thể biến di sản thành tài sản hay nói cách khác là khai thác các giá trị văn hóa, di tích, di sản thành sản phẩm du lịch. Để phát huy lợi thế của không gian văn hóa làng quê, những năm đến, Tiên Phước tập trung đầu tư xây dựng mô hình du lịch sinh thái theo kiểu homestay kết hợp tham quan các di tích lịch sử - văn hóa. Đây là loại hình du lịch đã và đang chiếm ưu thế vì tính hấp dẫn của nó đối với du khách nước ngoài. Đồng thời cũng là cơ hội để Tiên Phước biến những tài sản văn hóa quý báu này thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, xem đó là động lực, là lợi thế để thúc đẩy sự phát triển KT-XH địa phương.
Du khách nước ngoài thăm làng cổ Lộc Yên - Tiên Cảnh
Triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch dài hạn nhằm chống xuống cấp di tích. Đối với quần thể kiến trúc nhà cổ tại làng Lộc Yên, cần khảo sát lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích đối với những ngôi nhà đạt tiêu chuẩn về kiến trúc và niên đại, trên cơ sở đó đưa vào quản lý, trùng tu. Chú trọng nghiên cứu phục dựng lại nhà lá mái, loại nhà rội có hai tầng mái, cột chôn xuống đất đã từng được phổ biến ở vùng quê Tiên Phước. Trong quá trình tôn tạo trùng tu di tích phải tôn trọng ý kiến, quyền lợi và phối hợp chặt chẽ với nhân dân, qua đó tạo được sự vào cuộc của nhân dân cả trong đóng góp vật chất và tinh thần.
Một ngôi nhà cổ ở thôn Hội An xã Tiên Châu
Đây là cách làm tốt nhất nhằm hạn chế được sức nặng kinh phí về phía Nhà nước, vừa tăng cường trách nhiệm của nhân dân trong quá trình tôn tạo, bảo tồn di tích.Để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và phát huy các giá trị đó trong phát triển kinh tế, Tiên Phước xác định một số giải pháp là: Trước hết, cần đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ các hoạt động thông tin tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về bảo tồn di sản văn hóa trong quần chúng nhân dân tạo nhận thức xã hội đúng đắn, làm cho người dân thấy được việc bảo tồn và phát huy không gian văn hóa truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong môi trường giao lưu văn hóa mở rộng hiện nay. Làm sao để chính người dân sẽ tự nguyện tham gia vào quá trình bảo tồn và tìm hướng đi mới cho chính họ trong việc phát huy giá trị di sản, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Di tích Đồng Trại xã Tiên Cẩm
Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, các phong tục tập quán tốt đẹp của các cộng đồng dân cư. Việc bảo tồn văn hóa phi vật thể cần quán triệt quan điểm bảo lưu những vốn quý, những giá trị văn hóa tích cực theo hướng gạn đục khơi trong và đưa những giá trị đó trở lại với mỗi người dân. Đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa khác làm phong phú cho bản thân và tạo ra những điều kiện phát triển cao hơn. Trên cơ sở đó hình thành phòng trưng bày văn hóa của người dân vùng trung du Tiên Phước. Vận động nhân dân phục hồi lại một số phong tục tập quán tích cực, lồng ghép trong cuộc vận động xây dựng thôn văn hóa, gia đình, tộc họ văn hóa.
Thác Ồ Ồ xã Tiên Châu
Phát triển kinh tế ở Tiên Phước, trên cơ sở thiết lập và dựa vào khai thác giá trị không gian văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh thiên nhiên, làng sinh thái là một chủ trương đúng đắn. Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, Tiên Phước có đủ các điều kiện để đầu tư xây dựng điểm du lịch cộng đồng lý tưởng, có khả năng kết nối đi vào hành trình không gian các tuyến - các tour du lịch khu vực phía Nam của tỉnh. Từ đó mở ra hướng đi mới, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, Báo Quảng Nam