www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Bài học từ việc gần dân

 Việc tranh chấp quyền sử dụng đất tưởng chừng đơn giản, nhưng TAND hai cấp huyện và tỉnh giải quyết trong 15 năm với 8 bản án vẫn không kết thúc được. Thế nhưng, khi chủ tịch huyện trực tiếp tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết thì mọi chuyện ổn thỏa...

          Đến năm 1987, Thánh thất Cao đài Trung Phước ở thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) chuyển đi nơi khác và chuyển nhượng lại toàn bộ diện tích hơn 2.000m2 đất cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiến, bà Nguyễn Thị Diệp được Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh chứng thực có kèm theo sơ đồ tứ cận. Vợ chồng ông Hiến đăng ký kê khai, quản lý sử dụng và xây dựng nhà ở ổn định. Năm 1995, UBND huyện Tiên Phước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hộ ông Nguyễn Văn Hiến.

         Năm 1998, ông Huỳnh Văn Thoàn - người cùng xóm, cho rằng ông Hiến lấn chiếm đất của mình và khiếu nại. Sau khi xem xét vụ việc, UBND huyện Tiên Phước ra quyết định thu hồi điều chỉnh lại diện tích đất của ông Hiến còn lại khoảng 1.476m2; diện tích còn lại là 527m2 giao cho hộ ông Thoàn. Không đồng tình với cách giải quyết của UBND huyện, ông Hiến khởi kiện và bản án hành chính phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Nam xử hủy quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Phước, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình ông Hiến.

 

Giấy tờ sổ đỏ UBND huyện Tiên Phước cấp cho hộ ông Hiến.Ảnh: T.P.T
Giấy tờ sổ đỏ UBND huyện Tiên Phước cấp cho hộ ông Hiến.

 

       Cuối năm 2003, ông Thoàn kiện ông Hiến bằng vụ án dân sự và lần này TAND hai cấp huyện và tỉnh lại giải quyết ngược lại, buộc ông Hiến phải tháo dỡ 9,8m2 hiên nhà và thu hoạch hoa màu để hoàn trả lại cho ông Thoàn 527m2 đất mà vợ chồng ông Hiến quản lý sử dụng hợp pháp từ năm 1987. Và cơ quan Thi hành án dân sự huyện cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ hiên nhà, cây cối để lấy 527m2 đất của vợ chồng ông Hiến giao cho ông Thoàn theo bản án dân sự phúc thẩm (!?).

         Bà Diệp - vợ ông Hiến khởi kiện vụ án hành chính, TAND hai cấp huyện và tỉnh giải quyết lại nhiều lần và cuối cùng bản án phúc thẩm ngày 13.7.2012 xử: Chấp nhận khởi kiện và kháng cáo của bà Diệp, buộc Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước khắc phục hậu quả do hành vi hành chính trái pháp luật gây ra và bồi thường thiệt hại cho gia đình bà Diệp 26.995.000đ.

        Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, trực tiếp đến tận nơi tìm hiểu nguyên nhân và nhận ra cái sai do cán bộ dưới quyền tham mưu không đúng, khiến vụ việc kéo dài 15 năm với ba đời chủ tịch huyện vẫn chưa giải quyết xong. Do đó, ông Hường Văn Minh chủ động gặp gỡ vợ chồng ông Hiến, vợ chồng ông Thoàn hòa giải, tạo điều kiện cho hai bên gia đình thỏa thuận với nhau. Gia đình ông Hiến vì tình làng nghĩa xóm, không so hơn tính thiệt, chấp nhận diện tích đất của mình 1.930m2 và UBND huyện Tiên Phước cấp sổ đỏ cho hộ ông Hiến, không phải như phán quyết của bản án dân sự sơ thẩm, phúc thẩm buộc ông Hiến phải tháo dỡ hiên nhà, thu hoạch cây cối để trả lại cho ông Thoàn 527m2 đất.

        Cách giải quyết thấu tình đạt lý của ông Hường Văn Minh làm cho nhiều người phải suy nghĩ. Giá như, ngay từ đầu khi xảy ra vụ việc, những người có trách nhiệm đã có cách nghĩ và cách làm như ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước hiện nay, thì vợ chồng ông Hiến không phải khổ tâm, tốn tiền, tốn công đi kiện suốt 15 năm qua. Và TAND hai cấp ở Quảng Nam cũng không cần phải mất đến 8 bản án mà vụ việc vẫn chưa có hồi kết.

                                                      Thân Phước Thành - Báo Quảng Nam