"Bốn nhà" cùng bàn phát triển măng cụt
Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học đã cùng ngồi lại trong một hội thảo do UBND huyện Tiên Phước tổ chức nhằm bàn giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và định hướng phát triển cây măng cụt trên địa bàn.
Chia sẻ kinh nghiệm
Đến từ thôn Trà Lai (xã Tiên Mỹ, Tiên Phước), lão nông Ngô Minh Hòa khẳng định cây măng cụt thích nghi nhiều loại đất, và những điều kiện bất lợi của thời tiết, do đó việc trồng và đầu tư chăm sóc thuận lợi.
Măng cụt dễ trồng nhưng tốn diện tích đất và thời gian lâu mới cho thu hoạch, nên người dân tuy trồng nhưng còn dè dặt, nên ông Hòa kiến nghị cần tuyên truyền, hỗ trợ và hướng dẫn nông dân trồng hiệu quả hơn.
Ông Hòa nói: “Tôi kiến nghị cần có một quy trình chuẩn về sử dụng phân bón, cũng như các chế phẩm sinh học để măng cụt ra trái tập trung, không bị cách niên, hạn chế rụng quả, từ thực tiễn và phân tích yếu tố thổ nhưỡng, đảm bảo sản xuất hữu cơ bền vững thân thiện với môi trường, cho ra sản phẩm an toàn. Đây cũng chính là yếu tố nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập.
Huyện nên xây dựng mô hình vườn thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là gió bão bằng hình thức chằng chống, neo hoặc bằng những giải pháp tối ưu khác nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai, để các chủ vườn tham quan học tập, nhân rộng. Từ đó tạo sự yên tâm cho bà con đầu tư trồng măng cụt”.
Theo ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, địa phương có lợi thế lớn về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và du lịch sinh thái làng quê. Trong giai đoạn 2020 - 2025, Tiên Phước tập trung xây dựng thành huyện trung du miền núi vùng duyên hải miền Trung đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu và tập trung phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái gắn với xây dựng bản sắc văn hóa thuần Việt giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng với việc huy động nguồn lực rất lớn từ nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã…, nhân dân Tiên Phước đã ưu tiên phát triển cây măng cụt theo hướng hình thành vùng trồng sản xuất tập trung, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất, tăng diện tích, sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Đến nay toàn huyện trồng hơn 500ha măng cụt, trong đó có 68ha đang trong thời kỳ cho quả. Trong những năm qua, giá bán trung bình 60 - 80 nghìn đồng/kg, đặc biệt có thời điểm giá tăng cao lên 150 - 160 nghìn đồng/kg.
Bình quân mỗi héc ta măng cụt thu hoạch từ 300 - 500 triệu đồng/vụ. Sản phẩm trái măng cụt đã được công nhận đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Ngoài giá trị kinh tế, cây măng cụt còn mang lại giá trị về môi trường sinh thái, tạo nét đặc trưng gắn với phát triển du lịch xanh.
Qua nhiều đợt thiên tai gần đây, cho thấy cây măng cụt là cây có sức chống chịu gió bão rất tốt. Tuy ban đầu đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc phát triển cây măng cụt của địa phương vẫn chưa tương xứng tiềm năng và lợi thế của huyện; chưa phát huy tối đa giá trị, hiệu quả của sản phẩm.
Nhiều vấn đề khó khăn, thách thức đang đặt ra, cần có dự hỗ trợ, hợp tác để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và định hướng phát triển cây măng cụt trong thời gian tới.
Hiến kế mở rộng thị trường
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Việt Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Quế Trà My cho biết công ty đã hợp tác với Tiên Phước để đưa các sản phẩm từ trái lòn bon, tiêu Tiên Phước (đã chiết xuất thành sản phẩm tinh dầu), sản phẩm chế biến sâu từ măng cụt của Tiên Phước xuất khẩu sang Singapore.
Ông Hùng cho biết: “Đối với trái măng cụt, công ty đã hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore nghiên cứu, sẽ ra mắt sản phẩm rượu vang từ ruột măng cụt, rượu từ vỏ, kết hợp với lòn bon còn sản xuất bia, vỏ còn làm mặt nạ dưỡng da, viên nang giúp giảm cân...
Để sản phẩm của nhà nông thành công, thì “4 nhà” phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Doanh nghiệp khi làm sản phẩm công nghiệp và sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu thì phải hy sinh trong thời gian đầu, xung phong trong nghiên cứu, tìm thị trường cho bà con.
Sản phẩm tiêu thụ tốt trên thị trường thì phải nghĩ đến tầm xuất khẩu, đưa sản phẩm ra quốc tế. Mẫu mã sản phẩm cũng là yếu tố quyết định đến việc người tiêu dùng tiếp nhận hay không tiếp nhận. Việc đầu tư ngay từ đầu sẽ đạt chất lượng, hiệu quả tốt hơn”.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương - Phó Giám đốc CoopMart Tam Kỳ chia sẻ, CoopMart sẵn sàng hợp tác với nông dân Tiên Phước cung ứng sản phẩm trái cây kinh doanh trong siêu thị.
Bà Sương nói: “Trái cây Tiên Phước có một số sản phẩm đã vào siêu thị. Để trái cây bán trong siêu thị thì cần các điều kiện về hồ sơ pháp lý như giấy đăng ký kinh doanh, chứng nhận an toàn thực phẩm; chất lượng, lượng và giá hàng hóa phải đảm bảo có cam kết của hộ nông dân, tổ hợp tác hay hợp tác xã. Cơ sở sản xuất cũng cần quan tâm đến mẫu mã, bao bì sản phẩm thân thiện môi trường; cam kết nguồn cung lâu dài”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các ngành của tỉnh, chính quyền huyện Tiên Phước có sự tư vấn cho người dân từ cây giống, quy trình kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, liên kết tạo đầu ra cho măng cụt. Muốn xuất khẩu được măng cụt thì sản lượng phải nhiều, tỉnh đã xác định Quảng Nam là vùng trồng, Tiên Phước phải là thủ phủ của vùng trồng măng cụt. Nên khâu chọn giống phải ưu tiên số 1, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.
Tiên Phước cần có kế hoạch xuất khẩu trong năm 2023, có sản lượng cụ thể, theo tiêu chuẩn của xuất khẩu. Măng cụt thành cây chủ lực dẫn dắt các loại trái cây khác. Tỉnh sẽ hỗ trợ Tiên Phước trong xúc tiến, giới thiệu sản phẩm đi 3 vùng kinh tế lớn, đi các thị trường châu Âu, Nhật, Mỹ, Úc, Trung Đông...
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam