www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Bảo vệ "vùng đất đen"

Ở xã Tiên An (Tiên Phước), một  số khu vực có cấu tạo địa chất rất kỳ lạ, màu lóng lánh đen như ruột bút chì, đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

      Theo UBND xã Tiên An, khu vực đất đen có diện tích rộng hơn 1ha, nằm giáp ranh giữa thôn 3 và thôn 4 thuộc xã Tiên An, có 50 hộ dân đang sinh sống từ bao đời nay. Những năm trước đây, thấy đất có màu kỳ lạ, nên chính quyền xã và huyện Tiên Phước nhiều lần yêu cầu các ngành chức năng về tìm hiểu, lấy mẫu kiểm tra để an dân. Nhiều cơ quan chức năng của Trung ương đến chuyên gia nước ngoài về “nằm vùng” nghiên cứu nhưng đến nay vẫn chưa có một câu trả lời cụ thể nào để cho người dân cũng như chính quyền an tâm vì sao vùng đất này lại có màu đen.

       Nằm cách trụ sở UBND xã Tiên An chừng 500m là đến khu vực “đất đen”. Hộ ông Đoàn Ngọc Long (thôn 3) đưa chúng tôi ra sau nhà, tự tay bới lòng đất, cho biết: “Màu của đất khác thường, không phải tự nhiên. Đất rất mềm dẻo, tơi xốp. Điều đặc biệt hơn, vùng đất này chỉ thích ứng với cây trồng lâu năm như keo, bạch đàn, dứa và những cây có sức sống dẻo dai; còn trồng hoa màu, cây ngắn ngày là chết tức thời liền, vì đất có sức hâm nóng. Vợ chồng tôi xây dựng nhà ở và làm ăn trên vùng đất này hàng chục năm nay”.

       Khu vực đất đen bù lại nước trong veo nên người dân rất an tâm sinh sống, không hề có tâm lý hoang mang. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, vất vả nhất của bà con là tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt. Nhiều hộ phải kéo đường ống dài cả trăm mét để dẫn nước của các hộ khác về sử dụng. Theo quan sát của chúng tôi, dù đất đen lóng lánh nhưng nguồn nước ở đây rất trong, không bị bẩn đục. Dân sống trên vùng đất đó vẫn sinh hoạt, sản xuất bình thường, chưa phát hiện bệnh lý nào liên quan đến ô nhiễm môi trường đất và nước.

 Đất đen lóng lánh như màu bút chì. Ảnh: BÍCH HẠNH
Đất đen lóng lánh như màu bút chì.

      Theo Sở Tài nguyên - môi trường, ngoài xã Tiên An, trên địa bàn tỉnh còn thêm 2 nơi cũng có loại đất đen nằm rải rác ở huyện Đại Lộc và huyện Nam Giang. Tổng cục Địa chất khoáng sản Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường đã bàn giao 3 bộ hồ sơ về kết quả nghiên cứu loại đất đen này. Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh cũng đã cung cấp thông tin cần thiết cho chính quyền địa phương 3 huyện nêu trên. Vì đây là “hồ sơ mật” nên không thể cung cấp rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

         Ông Bùi Văn Ba, Trưởng phòng Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, loại đất đen trên có chứa một chất phóng xạ, chứa quặng uranium. Ngành từng khuyến cáo đến lãnh đạo địa phương không nên đầu tư cơ sở vật chất kiên cố trên vùng đất này. Còn người dân sinh sống trên vùng đất đen đó cũng không nên trồng những loại cây ăn quả, cây lúa, sắn, ngô khoai.

        Khuyến cáo người dân không được cày xới hoặc làm sạch mặt đất, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của bà con. Hiện tại, khu vực trên được bảo vệ nghiêm ngặt, không tổ chức cá nhân nào được phép thăm dò, hay khai thác trái phép. Trong khi đó, theo chính quyền xã Tiên An, về lâu dài Nhà nước nên di dời dân ra khỏi “vùng đất đen” để quản lý khoáng sản quý tốt hơn và an dân lâu dài.

                                                       Bích Hạnh - Báo Quảng Nam