Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích LSVH gắn với phát triển du lịch Tiên Phước
Tiên Phước nằm ở vùng trung châu của miền núi và đồng bằng, nơi giao nhau của các tuyến giao thông huyết mạch, trọng điểm trên hành lang kinh tế Đông - Tây, trục QL40B, ĐT614, ĐT615 kết nối đồng bộ hệ thống giao thông nội tỉnh, liên tỉnh, liên thông với QL1A, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ, thành phố Hội An, Khu kinh tế mở Chu Lai, thành phố Đà Nẵng…
Tiên Phước là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Cùng với quá trình hình thành và phát triển, huyện đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và đa dạng. Trong khối “Di sản” quí báu ấy, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh là một bộ phận cấu thành đầy sắc màu độc đáo và riêng có của vùng trung du Tiên Phước, có vị trí và vai trò quan trọng, cần được bảo tồn gìn giữ và phát huy trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà, là tài nguyên, là lợi thế rất quan trọng để Tiên Phước thể khai thác cơ hội phát triển du lịch chung của vùng, tạo thêm những sản phẩm du lịch mới dựa trên những nguồn lực tài nguyên của mình.
Toàn huyện có 98 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh thắng có giá trị nổi bật (trong đó có 4 di tích cấp Quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh và 31 di tích, danh thắng đang được bảo vệ, từng bước lập hồ sơ đề nghị công nhận); nhiều danh thắng nổi tiếng gắn với những câu chuyện truyền thuyết thú vị như sông Tiên chảy ngược, Bãi đá Lò Thung, Vũng Dội, thác nước Ồ Ồ - Tiên Châu, thác Ồ Vực Vin, hang Dơi Tiên An, thác nước Cẩm Lãnh… Tiên Phước có Làng cổ Lộc Yên và một số làng còn lưu giữ không gian nhà ở truyền thống của người Việt như nhà cổ, nhà rường, vật dụng lao động truyền thống, vật dụng thờ cúng cổ xưa,… Đặc biệt, không gian văn hóa Làng cổ Lộc Yên và vùng phụ cận với hơn 20 ngôi nhà cổ còn lưu giữ một phong cách kiến trúc độc đáo của các nghệ nhân Mộc Vân Hà. Hầu hết các nhà cổ được bố trí trong một không gian hài hòa, sinh động mang bản sắc riêng có của làng quê Tiên Phước, đại diện cho vùng trung du xứ Quảng, đó chính là không gian văn hóa đá: ngõ đá, bờ vườn đá, giếng đá, lối đi lát đá, những bờ rào bằng đá gắn cây xanh và hàng rào bằng chè tàu,…tất cả được sắp xếp, bố trí một cách hài hòa đẹp mắt, tạo nên miền quê xinh đẹp, đáng sống.
Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử văn hóa đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều di tích đã và đang được đầu tư nhằm giữ gìn các giá trị kiến trúc, giá trị văn hóa lịch sử và phát huy vài trò giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đến nay toàn huyện đã thực hiện gắn bia thông báo tại 12 điểm di tích; xây dựng nhà bia tưởng niệm và nâng cấp khu di tích Đồng Trại Tiên Cẩm và Gò Vàng Tiên Sơn; trùng tu di tích Lăng đường Nghĩa Trũng Tiên Phú Tây, nhà cổ Nguyễn Huỳnh Anh; cải táng, tôn tạo mộ danh nhân Lê Vĩnh Khanh, Lê Vĩnh Huy; tôn tạo khu di tích Nơi thành lập chi bộ Thạnh Bình, Tài Đa. Đối với di tích cấp quốc gia Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc Tiên Thọ, Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam đang được trùng tu, tôn tạo, mở rộng xứng tâm với giá trị lịch sử của di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, Di tích Quốc gia Làng cổ Lộc Yên còn giữ được giá trị nguyên sơ, độc đáo giữa những sôi động của cuộc sống hiện đại. Việc trùng tu, tôn tạo và giữ gìn các giá trị di tích, danh thắng sẽ làm tiền đề để phát triển du lịch trong thời gian tới.
Thực hiện chủ trương phát triển du lịch sinh thái làng quê, xây dựng Tiên Phước thành vùng đặc trưng của trung du xứ Quảng, Tiên Phước đã có nhiều động thái tích cực. Từ giai đoạn 2015-2020, Huyện ủy, HĐND, UBND đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai phát triển du lịch trên địa bàn gắn với xây dựng bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt đã trình lãnh đạo tỉnh thống nhất cho Tiên Phước thực hiện Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 – 2025. Theo đó, huyện đã đề ra nhiều nhiệm vụ, danh mục hỗ trợ như bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, hỗ trợ xây dựng các mô hình homestay, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, nhà vệ sinh tư nhân phục vụ du khách; đặc biệt là nhiệm vụ cải tạo vườn, chất bờ đá, trồng cây ăn quả, xây dựng các mô hình vườn xanh - sạch - đẹp - hiệu quả phục vụ phát triển du lịch đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng ….
Trên cơ sở đề nghị của huyện và tỉnh, Bộ NN-PTNT đã có Quyết định Phê duyệt “Kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm” trong đó có nội dung xây dựng thí điểm mô hình Làng văn hóa du lịch Làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh trở thành sản phẩn OCOP đặc trưng phục vụ phát triển du lịch trong thời gian tới. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 12/4/2021 Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/HU về đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái, xây dựng bản sắc văn hóa thuần Việt giai đoạn 2021-2025 với nhiều nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với du lịch sinh thái.…Như vậy, Tiên Phước là điểm nhấn quan trọng đối với cả hệ sinh thái du lịch Nam Quảng Nam.
Huyện Tiên Phước xác định Làng văn hóa du lịch Lộc Yên là điểm nhấn, là trung tâm du lịch của huyện. Theo đó, cùng với việc bảo tồn phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh thắng trong phát triển kinh tế du lịch, huyện cũng đã xây dựng hệ sinh thái du lịch Lộc Yên và vùng phụ cận, trong đó tập trung khai thác những lợi thế của các điểm tiềm năng như Làng cổ Lộc Yên, danh thắng Lò Thung, Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, điểm sinh thái Xóm Bàu, xây dựng điểm bán hàng OCOP, xây dựng các mô hình homestay….đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp và nhân dân trong vùng cùng đầu tư xây dựng hạ tầng và các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch như dịch vụ ẩm thực, điểm bán hàng lưu niệm, làng nghề truyền thống….
UBND huyện đã phối hợp với các cơ quan của tỉnh tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo “Tạo lập và phát triển hệ sinh thái du lịch từ Làng cổ Lộc Yên”; Phối hợp với Tập đoàn Thiên Minh khảo sát xây dựng tour du lịch Lộc Yên và ký kết biên bản ghi nhớ về cam kết hỗ trợ phát triển hệ sinh thái du lịch Lộc Yên. Chỉ đạo Phòng VHTT xây dựng website Du lịch Tiên Phước trên cổng thông tin điện tử của huyện; Phát hành 1000 tập gấp quảng bá du lịch Tiên Phước; thường xuyên quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch Tiên Phước trên các phương tiện truyền thông của Trung ương và địa phương như thực hiện nhiều phim tài liệu, phóng sự truyền hình, báo viết, ảnh chụp tuyên truyền về giá trị văn hóa, tiềm năng tự nhiên của Tiên Phước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Tổ chức cuộc thi, triển lãm ảnh “Nét đẹp xứ Tiên”, có 157 bức ảnh sáng tác về Tiên Phước gửi dự thi, trong đó có 13 tác phẩm đoạt giải. Tổ chức đêm ca nhạc chào mừng sự kiện Festival di sản Quảng Nam lần thứ VI - năm 2017 và quảng bá hình ảnh Tiên Phước trong hành trình di sản Quảng Nam với chủ đề “VỀ MIỀN TRUNG DU”. Đây là những bước đi đầu tiên, là tiền đề, làm cơ sở để Tiên Phước có thể đột phá phát triển du lịch trong thời gian tới.
Dù du lịch Tiên Phước chưa chính thức khai trương các sản phẩm cụ thể nhưng lượng khách về Tiên Phước tham quan, thưởng lãm ngày càng tăng. Năm 2019, ước tính đón khoảng 15 ngàn lượt khách, năm 2020 dù dịch bệnh nhưng khách về Tiên Phước cũng trên 10 ngàn lượt. Đó là những con số không nói lên kết quả mà nói tiềm năng du lịch của Tiên Phước trong tương lai gần.
Trong thời gian đến UBND huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, huyện ban hành các chương trình, nghị quyết, kế hoạch về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tăng cường truyền thông, tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và có trách nhiệm với những giá trị to lớn của các di tích lịch sử văn hóa văn hóa để bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch thông qua các hoạt động như phiên chợ xứ Tiên, Hội làng Lộc Yên, Lễ hội trái cây, Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ngày hội thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp… Tranh thủ các cơ chế ưu tiên để hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa; vận dụng và lồng ghép các nguồn từ các dự án để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động đón đoàn lãnh đạo Trung ương, Tỉnh, cơ quan Báo chí tham quan, các famtrip, presstrip,… cũng sẽ tạo thêm cơ hội cho công tác bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa và phát triển du lịch trong thời gian tới.
Phùng Văn Huy - Phó Chủ Tịch UBND huyện Tiên Phước