www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Bước chuyển kinh tế vườn, trang trại

Nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, nông dân các địa phương của tỉnh có điều kiện đầu tư phát triển mạnh mô hình kinh tế vườn - kinh tế trang trại hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển và thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.   

Tiếp sức nhà nông

Ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng thích hợp và đầu ra sản phẩm khá ổn định nên 5 năm trở lại đây nông dân một số địa phương trên địa bàn huyện đầu tư khai hoang, cải tạo nhiều diện tích đất vườn, đồi để phát triển mô hình trồng tiêu theo phương thức hàng hóa.

Bên cạnh việc tổ chức các khóa tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch hại trên cây tiêu, những năm qua UBND huyện Duy Xuyên đã chi gần 650 triệu đồng hỗ trợ các vùng trồng tiêu chuyên canh xây dựng hệ thống giao thông nội bộ và lắp đặt đường dây điện thủy lợi hóa phục vụ sản xuất theo Quyết định số 11/QĐ-UBND (ngày 24.5.2013) của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển một số cây trồng gắn với kinh tế vườn, kinh tế trang trại. “Nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, đến nay nông dân Duy Xuyên đã hình thành được hàng trăm mô hình trồng tiêu với tổng diện tích không dưới 15ha, trong đó chủ yếu tập trung ở 4 xã gồm Duy Phú, Duy Thu, Duy Hòa, Duy Sơn” - ông Ánh nói.

Nhiều mô hình trồng tiêu ở vùng tây huyện Duy Xuyên cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ
Nhiều mô hình trồng tiêu ở vùng tây huyện Duy Xuyên cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ

Không riêng Duy Xuyên, những năm gần đây ngành nông nghiệp và chính quyền nhiều nơi khác của tỉnh cũng tích cực hỗ trợ người dân phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế vườn nhằm nâng cao nguồn thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống. Ông Bùi Quốc Hiền - chuyên viên Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, thực hiện Quyết định số 11 của UBND tỉnh, từ năm 2013 đến nay các địa phương đã hỗ trợ hơn 9,5 tỷ đồng cho nông dân cải tạo những khu đất vườn, đồi núi trồng mới gần 314ha cao su tiểu điền, tiêu, lòn bon, thanh trà, măng cụt. Theo ông Hiền, trong số diện tích vừa nêu, phần lớn tập trung ở các huyện Hiệp Đức, Tiên Phước…

Hiệu quả kinh tế

Ông Bùi Quốc Hiền - chuyên viên Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, ngoài hàng nghìn mô hình kinh tế vườn cho thu nhập cao, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 140 trang trại sản xuất nông nghiệp (48 trang trại có liên kết với các doanh nghiệp) đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 27 của Bộ NN&PTNT. Trong đó, có 119 trang trại chăn nuôi, 5 trang trại thủy sản, 5 trang trại lâm nghiệp, 11 trang trại tổng hợp với tổng số lao động thường xuyên làm việc là 590 người. Theo thống kê, hàng năm giá trị sản phẩm và dịch vụ của 140 trang trại vừa nêu đạt hơn 266 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại đạt 1,9 tỷ đồng/năm. Dù đạt nhiều kết quả nhưng nhìn chung lĩnh vực này vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Thực tế cho thấy có một số tồn tại cần phải quan tâm giải quyết là việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại chưa kịp thời. Phần lớn chủ trang trại thiếu nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là chưa qua đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, tổ chức sản xuất - kinh doanh...

Ông Trần Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú (Duy Xuyên) cho biết, nhờ ngành nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều mặt, thời gian qua nông dân trên địa bàn các thôn Bàn Sơn, Trung Sơn, Mỹ Sơn… của Duy Phú đã hình thành 80 mô hình trồng tiêu chuyên canh trên những khu đất vườn nhà, gò đồi. Trong số 80 mô hình trồng tiêu vừa nêu, hiện nay đã có 30 mô hình cho thu hoạch và ước tính bình quân hàng năm mỗi mô hình mang lại cho nhà nông mức thu nhập khoảng 95 - 100 triệu đồng. “Mặc dù diện tích chưa nhiều nhưng thành công bước đầu của các mô hình trồng tiêu theo phương thức hàng hóa ở địa phương những năm gần đây đã mở ra cho Duy Phú hướng mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Hy vọng rằng, thời gian tới mô hình sản xuất này sẽ góp phần giảm nghèo hiệu quả và bền vững” - ông Hải nói. Ông Huỳnh Văn Ánh thông tin thêm, trong tổng số 15ha tiêu được trồng tại nhiều nơi của huyện thì tính đến thời điểm này đã có 10ha cho thu hoạch. Ông Ánh nói: “Qua khảo sát tại một số vùng cho thấy, bình quân mỗi năm 1ha tiêu đạt giá trị 250 - 300 triệu đồng, tăng gấp 5 - 7 lần so với trước đây nông dân trồng các loại cây khác”.

Ông Nguyễn Phước Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) cho hay, thời gian qua chính quyền địa phương thường xuyên vận động, hướng dẫn nhân dân cải tạo các khu vườn tạp để đầu tư xây dựng thành những mô hình kinh tế. Kết quả nhân dân trên địa bàn xã đã hình thành được rất nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp huyện và tỉnh hỗ trợ gần 300 triệu đồng, còn lại do nhân dân bỏ ra. “Hiện giờ, tại khu vực làng cổ Lộc Yên đã xuất hiện không ít mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là khu vườn của các hộ Nguyễn Đình Hoan, Nguyễn Đình Sưu, Đồng Viết Mão, Nguyễn Đình Mẫn với các loại cây trồng đặc trưng như thanh trà, lòn bon, măng cụt, sầu riêng…; hàng năm mỗi mô hình cho thu nhập 90 - 120 triệu đồng. Đến nay mô hình kinh tế này đã được nhân rộng ra các thôn khác của xã với tổng cộng 7 câu lạc bộ, 115 thành viên tham gia” - ông Dương nói.

Ông Lê Văn Phụng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết, nhờ nắm vững điều kiện thổ nhưỡng từng nơi và thực hiện tốt khâu quy hoạch nên Tiên Phước đã hình thành rất nhiều vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa tập trung. “Hiện nay, toàn huyện có 5.607ha đất vườn cơ cấu các loại cây trồng phù hợp, cho hiệu quả kinh tế khá cao. Nếu năm 2008 tổng giá trị sản xuất từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại của Tiên Phước chỉ đạt 14 tỷ đồng thì năm 2017 tăng lên 214 tỷ đồng” - ông Phụng chia sẻ thêm.

                                                             Nguyễn Sự - Báo Quảng Nam