Anh Mai Thúc Lân với vùng cao Tiên Phước
Khi về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ) , anh Mai Thúc Lân thường đi cơ sở. Nhất là những nơi xa xôi hẻo lánh , căn cứ địa cách mạng. Tôi, một phóng viên trẻ lúc đó, giờ khó quên về một chuyến đi cùng anh vào năm 1994.
Năm 1994, Bộ Chính trị phân công anh Mai Thúc Lân về làm bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam- Đà Nẵng. Có biết bao việc phải làm cho cái tỉnh có diện tích lớn và dân số đông nhất nhì miền Trung này. Từ công tác tổ chức đến chỉ đạo phát triển KT-XH, việc gì cũng quan trọng hàng đầu. Bởi vậy, thấy anh nhỏ con lại gầy nên không ít người lo anh có đủ sức khỏe để vượt qua khó khăn khi về lại nơi chôn nhau cắt rốn? Trong bộn bề công việc của những ngày đầu về với QN-ĐN , dù rất bận nhưng anh thường hay dành thời gian đi cơ sở. Đặc biệt là những căn cứ địa cách mạng năm xưa. Vì theo anh, những nơi ấy bà con hy sinh nhiều song còn lắm gian khổ.
Những năm đầu của thập kỷ 90, tôi là phóng viên phụ trách mảng Xây dựng Đảng của Đài Phát thanh tỉnh QN-ĐN. Bởi vậy, sau này khi anh về, tôi may mắn thường cùng đi cơ sở với anh. Đầu tháng 7-1994, lãnh đạo Đài đưa tôi một giấy mời của Tỉnh ủy. Nhìn qua, tôi biết cùng đi với anh về căn cứ địa Sơn Cẩm Hà ( gồm 3 xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm và Tiên Hà của H. Tiên Phước). Hai mươi năm trước, giao thông cách trở không thuận tiện như bây giờ. Muốn làm việc với các địa phương như Tiên Phước không ít lãnh đạo các cơ quan từ Đà Nẵng phải đi từ chiều hôm trước. Trong giấy mời kèm theo lịch trình tập trung tại Trụ sở Tỉnh ủy lúc 13 giờ, khởi hành lúc 13 giờ 30. Nghỉ, ngủ qua một đêm, sáng mai 7 giờ 30 đến các xã nêu trên.
Cùng đi với anh Lân, ngoài cánh PV của một số cơ quan báo chí còn có lãnh đạo các Sở ban ngành liên quan. Giờ giấc anh rất nghiêm túc. Đúng như trong giấy mời, 13 giờ 30 xe anh khởi hành. Đi gần 100 cây số từ Đà Nẵng đến trụ sở Huyện ủy Tiên Phước, ai trong chúng tôi cũng khá mệt, muốn rửa ráy ăn cơm nghỉ để mai đi sớm. Ra đón anh Lân lúc đó có Bí thư Huyện ủy Lê Thanh Châu, Chủ tịch UBND huyện Hường Thanh cùng nhiều lãnh đạo các ban ngành của huyện lúc đó. Dù mệt , nhưng anh Lân vẫn tranh thủ làm việc với lãnh đạo huyện về tình hình đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế ở các địa phương trong huyện.
Nét bình dị của anh Mai Thúc Lân. |
Sáng ngày hôm sau đi vào căn cứ địa cách mạng Sơn- Cẩm- Hà chỉ đi ô-tô qua hết địa phận xã Tiên Châu. Khi vào địa phận xã Tiên Hà đường quá xấu lại hẹp, cầu cống tạm bợ nên xe không đi được. Cả đoàn đều đi bộ. Lãnh đạo xã Tiên Hà bố trí một cán bộ dùng chiếc xe máy DD màu đỏ (xe được tài trợ cho các xã miền núi khó khăn) để chở anh. Lúc đó, xe máy DD đỏ được coi hàng hiếm, thời thượng, dân ít ai mua nổi. Nhưng đi được vài đoạn, anh Lân lại đi bộ cùng với đoàn.
Lịch trình trong ngày anh đến thăm làm việc với lãnh đạo 3 xã tại trụ sở UBND các địa phương. Song anh vẫn tranh thủ thời gian đến với nhiều hộ gia đình ở ba xã. Hai mươi năm trước, đến hộ gia đình nào cũng khó khăn, nhà tranh vách đất, anh đều biểu lộ sự đau đáu trong lòng rồi động viên bà con rồi đây Đảng và Nhà nước sẽ quan tâm hơn nữa để bà con có cuộc sống tốt hơn. Anh còn đến với từng trường học ở đây. Trường nào cũng xuống cấp, anh chỉ đạo lãnh đạo huyện, các sở ban ngành phải lo hỗ trợ giúp đỡ.
Tôi nhớ, chiều đến một hộ chính sách, anh nắm tay một bà mẹ ân cần thăm hỏi sức khỏe, về cuộc sống hiện tại. Nhìn ngôi nhà tranh, vách bằng tre đan treo mấy Huân chương, Bằng Tổ Quốc ghi công đã úa vàng, trong anh lại trỗi dậy nhiều cảm xúc. Khi anh tâm sự với người mẹ liệt sỹ, PV Đài Truyền hình Đà Nẵng Hiền Thắm lúc đó muốn có khuôn hình chuẩn, đẹp, còn tôi làm phát thanh muốn có âm thanh tốt. Hai anh em tôi say nghề nên thiếu phối hợp, hiểu lầm. Anh cũng tâm lý với cánh PV chúng tôi và sắp xếp để hai anh em phỏng vấn. Chúng tôi toại nguyện.
Song, sau phỏng vấn, anh nhắc tôi: " Về căn cứ địa cách mạng này mới thấy sự hy sinh to lớn của bà con cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thế nhưng, cuộc sống bà con còn khó quá. Điện, đường, trường, trạm hầu như chưa có gì đáng kể . Gần như chúng ta có lỗi với người dân Sơn- Cẩm- Hà. Riêng em, làm báo đi lần này, ngoài đưa tin cố gắng phải viết một phóng sự phản ánh đầy đủ về những khó khăn ở đây để kêu gọi cộng đồng cùng với các ban ngành, chính quyền giúp đỡ bà con".
Một tuần sau, trong chương trình phát thanh tổng hợp chủ nhật của Đài Phát thanh QN-ĐN, phóng sự thu thanh "Mong mỏi Sơn-Cẩm-Hà" của tôi được phát sóng. Tâm huyết của một PV trẻ, được chắp cánh bởi giọng đọc của PTV Minh Luận, phóng sự của tôi đã đi vào lòng người. Mấy tháng sau, anh Truyền, Phó giám đốc Sở Tài chính QN-ĐN lúc đó báo tin: "Qua bài viết Công ty Xổ số tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng để sửa chữa một số phòng học". Khi lên lại Tiên Phước, công tác, anh Hường Thanh, Chủ tịch UBND huyện lúc đó phấn khởi: "Cảm ơn em, đường vào Sơn- Cẩm- Hà được tỉnh đầu tư rải nhựa 2 km". Bây giờ, những con số đó không là gì nhưng 20 năm trước quả là kỳ tích.
Tôi may mắn được đi cùng với anh khá nhiều khi còn là PV Đài Phát thanh QN-ĐN cũ . Bởi thế, tôi cảm kích sự gần gũi, luôn muốn đến với những vùng khó khăn, nhất là những căn cứ địa cách mạng xa xôi khi anh Mai Thúc Lân về với QN-ĐN của những tháng đầu năm 1994. Và cái tâm: "Đền ơn đáp nghĩa" của anh Lân làm tôi xúc động, giúp tôi khá hơn khi làm cái nghề Đi - Đọc - Nghĩ - Viết này .
Sáng sớm lên mạng, biết tin anh mất, tôi hẫng hụt và vội viết mấy dòng tâm sự này.