www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

“Gắng gượng con ơi!”

 Đó là câu nói mà người mẹ bị “cùm” bởi một giàn thép vít vào chiếc chân bị gãy và người cha bị ung thư lưỡi động viên người con trai 25 tuổi đang cố gánh vác gia đình. Đó cũng là lời dỗ dành mà đôi vợ chồng khốn khổ này nhận được từ người mẹ già nua mong con vượt qua cơn đau cùng trăm nỗi lo đè nặng...

           Bất hạnh dồn dập

       Đến thôn Hội Lâm, xã Tiên Châu (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) hỏi nhà vợ chồng ông bà Hồ Tấn Sơn (50 tuổi) – Trần Thị Duyên (49 tuổi), người trong thôn ai cũng tỏ vẻ thương xót, rồi buột miệng: “Nhà sao mà rủi ro quá chừng, nạn này chưa rồi bồi nạn khác”. Ngôi nhà nằm bên lũng ruộng hẹp sát chân núi của họ trông thật u buồn, quạnh vắng. Buổi mai, bà Duyên gượng ngồi dậy trên giường, huơ nhẹ đôi tay nắn bóp khắp người. “Đau nhức lắm nhưng phải ráng, nằm lâu một chỗ cứ sợ lưng sẽ bị lở loét. Tính ra tui nằm một chỗ đã hơn tám tháng rồi đó”. Bên chiếc chõng xếp kề bên, ông Sơn cố nén tiếng rên, nằm nhìn ra đứa con trai út 20 tuổi đang qua lại trên sân với đôi nạng gỗ lê theo chiếc chân băng bột. Nơi chái bếp um khói, mẹ ông Sơn loay hoay chuẩn bị bữa ăn cho ba người bệnh. “May có người hàng xóm đem cho ít thịt bò, tui cắt ít đem nấu cháo cho thằng Sơn. Ba tháng nay nó chỉ ăn được cháo...”, bà mẹ 75 tuổi nghễnh ngãng vì mắt mờ, tai nặng lại phải làm người điều dưỡng bất đắc dĩ, nói.

 

Dũng – người khoẻ mạnh duy nhất trong nhà, làm vệ sinh cho mẹ. Kề bên là em trai của Dũng, bị gãy xương ống chân vì tai nạn giao thông

 

        Bà Duyên kể, cuộc sống bình yên của gia đình bị đảo lộn khi tai nạn đầu tiên giáng xuống cho bà hồi tháng 10 năm ngoái. Quê nghèo, không đủ sống với dăm sào ruộng nước trời, từ lâu bà theo nghề bán thịt heo để xoay xở thêm. Vào cái ngày xui xẻo đó, trên đường từ chợ về bà đã tự té ngã khi tránh chiếc xe tải lớn trên con đường hẹp. Bị văng khỏi xe va mạnh xuống nền đường, chân bà bị gãy giập nặng ở đùi, đầu gối và ống chân. “Tui như chết đi sống lại, mổ xẻ đến mấy lần, đau đớn không nói được. Tui mới tái khám hôm trước, bác sĩ nói cũng phải hơn một năm nữa mới có thể tháo mở ốc vít ra được. Vậy là còn phải nằm một chỗ đến chừng đó...”, bà Duyên nói.

       Hơn hai tháng nằm ở bệnh viện, bà cứ điếng người mỗi khi nghĩ đến khoản tiền hơn 20 triệu mà chồng phải chạy vạy để “đắp” vào chiếc chân gãy. Vậy mà... trong nỗi buồn một cái tết hẩm hiu bởi nợ nần, tai ách lại giáng thêm xuống mái nhà này: đứa con trai út cũng bị tai nạn giao thông. “Tính ra nó có phần lỗi nên thuốc thang mình tự lo là chính. Nhưng rủi là vết thương nặng, văng mất hai mảnh xương nên khó lành. Đến hạn cắt bột hồi tháng trước, nhưng cắt xong bác sĩ cho băng lại vì xương chưa liền...”, vẫn lời bà Duyên.

       “Hoạ vô đơn chí”, chỉ nửa tháng sau khi đứa trai út mang chiếc chân băng bột từ bệnh viện trở về, người cha lại được thông báo mình bị ung thư lưỡi giai đoạn muộn khi đến bệnh viện tỉnh “khám thử, sao cái lưỡi nó lồi lên cục thịt nhỏ, uống thuốc mua ở tiệm hoài vẫn không lành”.

         Gắng gượng sao đây?

       Ông Sơn cứ nghĩ hoạn nạn đổ xuống nhà mình vậy là quá lắm rồi, mình cố gắng vượt qua rồi đến lúc bình yên. Nhưng căn bệnh quái ác ấy bộc phát mạnh ngoài dự tưởng của ông. “Đến bệnh viện tỉnh họ xét nghiệm là chuyển ngay ảnh đến bệnh viện Huế. Cứ mối lần đi tốn chừng mươi lăm triệu. Khổ là nhà chừ không còn cách chi xoay xở...”, bà Duyên buồn buồn cho biết chỉ non tuần nữa là đến kỳ hẹn chồng phải trở ra bệnh viện Trung ương Huế để “bắn tia” lần thứ ba, nhưng không biết kiếm đâu ra tiền. Lúc bà Duyên nằm viện, gia đình đã phải thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng để vay 30 triệu. Đến khi ông Sơn lâm bệnh, còn mảnh vườn rừng mới đây vợ chồng bà cũng đã bán 20 triệu.

 

                                                                      Mẹ ông Sơn bón cháo cho con

 

         Nhìn tình cảnh của họ, bà con chòm xóm ai cũng cảm thương. Bà Huỳnh Thị Châu, nhà ở kề bên, cho hay họ còn nợ bà con kẻ ít người nhiều, kẻ vàng người tiền đến khoảng 25 triệu. “Bà con thấy thương quá nên phải giúp. Nhưng không biết vợ chồng họ xoay xở thế nào tiếp theo đây. Ông Sơn thì không kể, còn bà Duyên thì khó mà lành lặn như trước để trở lại nghề cũ...”, bà Châu nói. Dũng – đứa con trai 25 tuổi nay ngoài việc lo cày cấy ruộng nương, còn nhận làm thuê mọi việc để kiếm tiền bồi bổ cho ba mẹ, em và bà nội. Nhưng quê nghèo dễ đâu ngày nào cũng có việc. Dũng lại không thể đi làm xa vì phải chăm sóc bốn con người đau ốm và già nua.

       “Vợ chồng tui cứ khuyên thằng Dũng gắng gượng với gia đình. Rồi tụi tui nghe nhẹ lòng khi bà con khuyên mình cố bình tâm, biết đâu rồi có ngày... Nhưng nhiều lúc vợ chồng tui cũng không biết mình sẽ gắng gượng sao đây”, bà Duyên nói.

        Ông Nguyễn Địch, thôn trưởng thôn Hội Lâm cho biết: “Hoàn cảnh của vợ chồng ông Sơn bà Duyên thật quá thắt ngặt. Đến nay ban thôn đã ba lần vận động bà con giúp đỡ cho họ, được gần 5 triệu. Chừ thì khó vận động thêm nữa, chỉ có bà con thơm thảo biếu cho đồng quà tấm bánh. Cái lo của họ phía trước lớn quá, khoản nợ của họ cũng lớn quá rồi...”

                                                                    Văn Nguyễn - Báo SGTT