www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Độc đáo kiến trúc nhà lá mái cụ Huỳnh

Từ những khảo cứu ban đầu, có thể thấy nhà lưu niệm cụ Huỳnh được xây dựng theo lối kiến trúc nhà lá mái (nhà bỏ đất) phổ biến ở Tiên Phước những năm 40 của thế kỷ XX.  Cụ Huỳnh Thúc Kháng thuở nhỏ ở với thân sinh là ông bà Huỳnh Văn Phương và Nguyễn Thị Tình tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, Quảng Nam. Đó là ngôi nhà gỗ có mái lợp tranh, vách đất khá phổ biến với kiến trúc vùng trung du của xứ Quảng. 

 

Tọa lạc trong khu vườn đồi yên tĩnh, ngôi nhà với vật liệu khai thác tại chỗ như mít, tre, đất đá… tạo nên kiến trúc phù hợp khí hậu, mùa đông ấm, mùa hạ mát mà người dân thường gọi là nhà bỏ đất/ lá mái. Dẫu xa chốn kinh kỳ, không thuận tiện trong giao thông nhưng hôm nay ta vẫn cảm thấy sự “địa lợi - nhân hòa” của con người và cảnh quan nơi đây. Chính không gian sống này là nơi lý tưởng để cụ Huỳnh trau dồi kinh sử, hun đúc thêm tinh thần hiếu học, là đại diện xuất sắc trong các nhân sĩ kiệt hiệt hết lòng vì nước, thương dân của vùng đất Hà Đông xưa. 

      

                        Mặt chính nhà cụ Huỳnh

Nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng hiện tọa lạc tại thôn 1, xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) được thân sinh là ông bà Huỳnh Văn Phương - Nguyễn Thị Tình xây dựng năm 1869. Ngôi nhà có kiến trúc dân gian xứ Quảng theo kiểu chữ nhất do thợ làng Thạnh Bình xây dựng và thợ làng mộc Kim Bồng (Hội An) chạm khắc. Nhà chính được làm theo kiểu thức nhà 8 cái (hay gọi là nhà 3 gian, hai chái), nghĩa là 8 cột cái được phân chia đều ở 4 dãy hàng cột, mỗi dãy cột gồm hai cột cái (1 tiền, 1 hậu), ngoài ra còn có cột hàng nhì và cột hàng ba (cả tiền và hậu). Tất cả được phân chia theo kết cấu kèo đỡ đòn tay với kiểu thức kẻ chuyền (kèo chồng) gồm 3 thanh kèo (kèo lòng I, kèo lòng II và kèo lòng II hay còn gọi là kèo tam đoạn) nối các dãy cột theo hàng ngang. Trên lưng trính đỡ một trụ trốn gọi là bộ phận trỏng quả (gồm lá quả, trụ đội, quả bí và đế tôm) vươn lên đỡ kèo lòng nhất ở vị trí giao nguyên (kèo nóc tiền và hậu). Ngoài ra, nhà có 3 bộ cửa bố trí ở ba gian, mỗi bộ gồm 4 cánh với tên gọi là cửa bàn khoa, cổng nhà được làm bằng tre.

          

                                              Ngõ vào

Thông qua khảo tả cùng thông tin trong những lần trùng tu, có thể thấy ban đầu đây là ngôi nhà rường bằng vật liệu gỗ phổ biến khắp nông thôn miền Trung Việt Nam trong những thế kỷ trước, được các phú nông xây dựng. Điểm khác biệt ở chỗ, ngôi nhà có phần mái lợp tranh như loại nhà rội (cột chôn xuống đất) thường bố trí là nhà phụ với tranh tre, vách đất và chỉ xuất hiện ở vùng Bình Trị Thiên. Khảo sát các kiến trúc ở Tiên Phước, đặc biệt những ngôi nhà cổ ở làng Lộc Yên, hầu như trước năm 40 của thế kỷ XX đều có mái lợp tranh. Cụ Nguyễn Huỳnh Anh - chủ nhân ngôi nhà đẹp nhất Lộc Yên - lúc còn sống kể rằng ngôi nhà trước đây có hai tầng mái: mái dưới (trần) đắp đất trên sàn đỡ bằng gỗ, mái trên bằng khung tre lợp tranh. Để chống đỡ mái tre này người ta dùng đá liên kết với đất, đắp ụ trên các đầu cột gỗ bên dưới, phần chống trên nền đất có sàn gỗ và thân kèo bên dưới thì dùng cây chống có đất đắp ụ. Những chi tiết về kỹ thuật kết cấu loại mái đất và mái tranh cũng được cụ Huỳnh Toản (cháu cụ Huỳnh) lý giải để phòng cháy. Bởi vùng trung du hay có sấm sét, người dân dùng lớp đất đắp làm tầng mái dưới với chức năng trần ngăn lửa, bảo vệ bộ khung nhà rường chạm trổ công phu. Từ những cứ liệu trên, có thể khẳng định kiểu kiến trúc nhà lưu niệm cụ Huỳnh phổ biến ở Bình Định trước đây với tên gọi nhà lá mái. 

         

                                         Cổng nhà cụ Huỳnh

Với mặt bằng sinh hoạt ở ngôi nhà chính, có thể hình dung bên trái và bên phải là hai chái nhà có ngăn lồi ra phía trước. Ngăn lồi bên phải là nơi cụ Huỳnh thường ngồi làm việc, ngăn lồi bên trái là nơi gia đình ngồi ăn cơm, cửa ra vào chính ở ba gian và ô hoa thông gió cho tường phía trước của ngăn lồi ở hai chái. Qua đó có thể kết luận ngôi nhà lưu niệm của cụ Huỳnh thuộc loại nhà lá mái phổ biến ở Tiên Phước trước những năm 40 của thế kỷ XX. Tường được làm từ thân tre đan, phủ bên ngoài cùng bằng một hỗn hợp đất sét trộn với rơm, quét vôi. Đặc biệt, tường nhà được nối liền mạch với phần mái đất có tác dụng chống cháy triệt để. Phần mái đất dày khoảng 15- 20cm, bên dưới là giàn tre hoặc gỗ khép kín và để đỡ bộ khung này gồm đòn tay/ huỳnh tử, kèo và cột. Ngày xưa, đối với những vị trí xa trung tâm sản xuất gạch ngói, người dân đã sáng tạo nên loại kiến trúc chống cháy, chống nóng và cả chống bão một cách hữu hiệu. Điều này thể hiện qua lần trùng tu thứ nhất ngôi nhà của cụ Huỳnh khi thay mái tranh bằng ngói vào năm 1932. Đáng chú ý, ngôi nhà của thân sinh cụ Huỳnh được làm bởi phường thợ mộc Văn Hà (nay thuộc xã Tam Thành, Phú Ninh), thể hiện ở phong cách tạo dáng thanh trính/tránh với nhiều đường gấp trong kỹ thuật bào xoi và thanh kèo giả tai (kèo ngắn ăn mộng vào thân kèo quyết để đỡ cột, giữ cánh cửa ra vào ở đầu chái). Rất tiếc khi cải tạo 2 chái thành loại nhà 5 gian không chái (người địa phương gọi là nhà đít voi) những người thợ đã phá dỡ mà không phục hồi theo phong cách cũ.

              

                                                   Cột kèo bên trong nhà

Ngoài ngôi nhà chính nói trên, cụ Huỳnh Toản cho biết thêm ngôi nhà ngang được bố trí thẳng góc với nhà chính. Mặt bằng bố trí chung của những ngôi nhà nơi đây là nhà ngang nối với nhà chính nhờ nhà cầu và thông ra nhà lớn bằng cửa ra vào bên trái. Phần mái của nhà cầu và nhà chính được đặt máng xối hứng nước mưa, đầu xối chạm trổ hình đầu cá lớn dẫn nước từ xối ra ngoài. Ngôi nhà ngang (nhà dưới) trước đây được xây theo kiểu xuyên lạng (trốn cột bằng cách đặt trên lưng xuyên) nhà có ngăn buồng, nền nhà bằng đất, lợp tranh, cửa hình lá quạt, cửa sổ được thiết kế đơn sơ. 

Về kiến trúc ban đầu ngôi nhà cụ Huỳnh đến nay vẫn chưa có sự đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu. Rất mong cơ quan hữu quan bổ sung thêm hình ảnh hay bản vẽ, mô hình về kiến trúc độc đáo này tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh. Đồng thời qua đó nâng cao giá trị kiến trúc nhà ở dân gian cổ truyền của vùng trung du Tiên Phước nói riêng và Quảng Nam nói chung, góp phần tạo sự phong phú trong quỹ kiến trúc cổ truyền tại Quảng Nam.

Thượng Hỷ - Kim Thiện,  Báo Quảng Nam