www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tìm cách thích ứng với hạn ở Tiên Phước

 Tiên Phước thường bị khô cằn vào mùa hạn. Do nguồn nước ít và hiếm vào mùa khô, nên nông dân cùng ngành nông nghiệp huyện đã chủ động tìm cách thích ứng với hạn hán.

 Thích ứng bằng mọi cách

Vườn tiêu 300 choái cả mới lẫn cũ của ông Võ Văn Đỏ (thôn 4, xã Tiên Phong) trong những ngày nắng nóng không thể thiếu nước, nếu không dây tiêu sẽ xuống, rất dễ bị hư. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ông Đỏ đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, có sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp huyện cả về kỹ thuật lẫn kinh phí. Ông Đỏ cho biết: “Hệ thống tưới tiết kiệm sẽ giúp việc tưới nước cho các loại cây trồng lâu năm không bị lãng phí, nhất là trong thời tiết nắng nóng như thế này. Hồ chứa nước được thiết kế tận dụng nguồn nước mưa dùng dần, khi nào hết thì mới chuyển sang nguồn nước giếng”. Nhờ thế, vườn tiêu 300 choái của ông Đỏ vẫn giữ được màu xanh trong thời tiết nắng nóng.   

                      Hệ thống tưới nước tiết kiệm giúp nông dân tiết kiệm nguồn nước trong mùa nắng hạn.              Ảnh: D.LỆ
Hệ thống tưới nước tiết kiệm giúp nông dân tiết kiệm nguồn nước trong mùa nắng hạn

 

        Cánh đồng sông Đong (thôn 2, xã Tiên Lộc) rộng chừng 4ha, vụ đông xuân người nông dân trồng lúa, nhưng vụ hè thu này đã được chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng cạn khác như bắp, sắn, đậu xanh, đậu phụng... Trong cánh đồng này, vẫn có một diện tích đất khoảng 7 sào bị bỏ hoang do thiếu nước, đất khô cằn nên nông dân không trồng được loại cây nào.

        Mặc dù nằm gần sông Đong, nhưng bà con có đất canh tác tại đây cũng chỉ dùng máy bơm hút nước ngoài sông tưới cho cây trồng 1 lần/tuần. Bà Nguyễn Thị A (thôn 2, xã Tiên Lộc), nói: “Vụ trước có nước nên trồng lúa được, nhưng vụ ni thì chịu. Tranh thủ dùng máy bơm tận dụng nguồn nước cạn từ sông Đong tưới mấy sào bắp, nhưng tình hình nắng nóng kéo dài thế này không biết mùa màng thế nào”.

         Từ tháng 3.2013, Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước đã xây dựng phương án phòng, chống hạn năm 2013 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương án này nhằm tạo điều kiện trợ sức cho người nông dân ứng phó với hạn hán. Theo ông Đinh Thương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước thì lượng mưa trong các tháng cuối năm 2012 rất ít, dự trữ nước ở các hồ, đập vào đầu mùa mưa đạt thấp, nhiều nhất chỉ đạt 2/3 lượng nước của các năm, vì thế nguy cơ thiếu nước trong năm 2013 là lẽ tất yếu.

       Ông Thương cho biết: “Đến thời điểm này, nắng hạn chưa đến mức khô cháy nhưng nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng là điều chắc chắn xảy ra, khi nắng nóng tiếp tục kéo dài. Lúa mới gieo sạ được hơn 20 ngày nhưng có một số diện tích đã cạn nước. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp huyện đã tăng cường kiểm tra các hồ, đập, buộc các địa phương tiết kiệm nước bằng cách đóng giữ nước, tận dụng nước mưa để sản xuất. Nước trong hồ đập giữ lại đến khi hết nước mưa thì xả nước hồ tiếp ứng cho cây trồng”.

              Trợ sức cho nông dân

Riêng ở xã Tiên Phong, 15ha đất nông nghiệp đang được sản xuất có nguy cơ thiếu nước trầm trọng nếu như phương án dẫn nước từ đập Phấn ra các chân ruộng không được thi công kịp thời. Nguyên do khi thi công Thao trường E885, đơn vị thi công đã lấp đường kênh dẫn nước từ đập Phấn ra tưới cho 15ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Tiên Phong. Đến nay, đơn vị thi công đã đưa ra phương án đặt ống dẫn bằng bi lớn để đưa nước ra cho bà con nông dân sản xuất, tưới tiêu. Hiện phương án này mới chỉ được bàn tới mà chưa được triển khai khiến bà con nông dân rất lo lắng.

        Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp Tiên Phước đã rà soát ở 15 xã, thị trấn của huyện, hơn 2.900ha lúa và cây màu, các cây trồng khác sử dụng nước trời có nguy cơ thiếu nước. Thậm chí, gần 2.000ha chủ động nước tưới cũng sẽ thiếu nước nếu không có mưa, hạn hán tiếp tục kéo dài. Dự báo trước tình hình, cán bộ nông nghiệp vận động bà con nông dân chuyển diện tích trồng lúa nhờ nước trời sang trồng các loại cây trồng cạn cần ít nước hơn, thậm chí nếu thiếu nước trong 1, 2 tuần cũng không ảnh hưởng nhiều.

          Toàn huyện đã có trên 300ha sản xuất lúa đã được bà con nông dân chuyển sang trồng cây màu. Đồng thời, người dân đã bỏ công để nạo vét hệ thống kênh, mương, đắp lại những đoạn kênh bị sạt lở để dẫn nước từ các sông, suối về ruộng nhanh và tiết kiệm nước hao hụt. Toàn huyện có 8 hồ chứa và 128 đập nhỏ nằm ở các xã, tổ quản lý thủy nông của các công trình này sẽ điều tiết nguồn nước hợp lý.

           Năm 2012, Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước đã trang bị 30 máy bơm nước cho các xã có nhu cầu cấp thiết nhất, với nguồn kinh phí 224 triệu đồng do tỉnh hỗ trợ và ngân sách huyện. Trong năm 2013, nếu xã nào thực sự có nhu cầu bức thiết về máy bơm nước, Phòng NN&PTNT huyện sẽ tiếp tục đề nghị bổ sung, giúp nông dân không có điều kiện mua máy bơm có thể mượn để bơm nước tưới cho cây trồng.

         Các địa phương cũng vận động nông dân dùng máy bơm điện để bơm nước từ giếng ra tưới những chân ruộng gần nhà. Các xã Tiên Phong, Tiên Mỹ, Tiên Thọ là vùng hạn hán khốc liệt nhất đã được huyện đồng ý cho khoan giếng khoan, tưới cho diện tích cây màu đã được chuyển từ đất trồng lúa.

                                            Diễm Lệ - Báo Quảng Nam