www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nghĩa vụ thiêng liêng

Hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo Đề án 1237 như là nghĩa cử thiêng liêng, tấm lòng tri ân những người đã ngã xuống cho quê hương qua hai cuộc chiến…

Hơn 70 tuổi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khôi (xã Tiên Phong, Tiên Phước) vẫn không thôi miệt mài khắp nẻo rừng để cùng đồng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ. Suốt hơn 30 năm, ông Khôi tìm về những chiến khu xưa, lần dò ký ức để tìm nơi chôn cất đồng đội.

Trong tâm niệm của người cựu chiến binh già, chừng nào đồng đội còn nằm đâu đó trong đất lạnh, thì chừng ấy người thân của các liệt sĩ vẫn còn đau đáu niềm mong. Vậy là bất kể tuổi tác, bất kể những gian nan của hành trình và cả không ít lần thất bại, ông Khôi vẫn không từ bỏ những cuộc tìm kiếm.

Ông bộc bạch: “Cứ mỗi lần nhận được thư hay cuộc gọi của người thân liệt sĩ, tôi lại cầu mong cho mình còn được đủ sức khỏe để cùng họ đi tìm. Tôi may mắn hơn đồng đội của mình, may mắn hơn vô vàn những người đã ngã xuống, thì chút công sức bỏ ra này có đáng gì”.

Tấm lòng người đang sống

Tại hội nghị sơ kết thực hiện đề án Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2013 - 2015 (Đề án 1237), cựu chiến binh Nguyễn Văn Khôi là một trong những điển hình được vinh danh vì những cống hiến của mình. Có cả những người trẻ, cán bộ của huyện đội, thị đội phụ trách công tác xác minh, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ.

Là mảnh đất ác liệt trong chiến tranh, với hơn 20% dân số thuộc đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, từ sau ngày đất nước thống nhất, toàn tỉnh đã quy tập gần 60.000 hài cốt liệt sĩ đưa vào các nghĩa trang an táng và hơn 20.000 mộ liệt sĩ do gia đình quản lý ở nghĩa trang gia tộc.

Nhưng đâu đó trên mảnh đất này, vẫn còn những ngôi mộ tập thể, những hài cốt liệt sĩ nằm sâu dưới đất lạnh, đồng đội chưa thể tìm thấy bởi những biến động của địa lý, tháng năm xóa hết dấu vết cũ. Trong khi đó, những người còn nhớ, còn biết thông tin về mộ liệt sĩ ngày càng ít đi. Đó là chưa kể, hơn 25.000 mộ liệt sĩ đã an táng ở các nghĩa trang vẫn chưa xác minh được thông tin, tên tuổi…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh (bên trái) trao đổi với cựu chiến binh Nguyễn Văn Khôi về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ảnh: P.G
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh (bên trái) trao đổi với cựu chiến binh Nguyễn Văn Khôi về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ảnh: P.G

Khó khăn chồng chất, nhưng với truyền thống uống nước nhớ nguồn, với lòng biết ơn và sự tri ân, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được những người đang sống hôm nay nỗ lực thực hiện. Hàng trăm cuộc khảo sát, tìm kiếm đã được triển khai, trong đó có nhiều cuộc khai quật lớn, sử dụng các thiết bị hiện đại.

Đại tá Đoàn Thế Tùng - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã được các địa phương triển khai thường xuyên, liên tục, trong đó phải kể đến các địa phương Điện Bàn, Tiên Phước, Phước Sơn, Núi Thành, Tây Giang… “Qua công tác tuyên truyền, vận động, các ban ngành đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp nhận được nhiều thông tin do cựu chiến binh, tổ chức, nhân dân cung cấp, trong đó có nhiều thông tin giá trị giúp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2013 đến nay, đã có hơn 250 thông tin về mộ liệt sĩ do nhân dân cung cấp, 65 thông tin do hội cựu chiến binh cung cấp, từ đó giúp xác định được nơi hy sinh và an táng ban đầu của 403 liệt sĩ, tiến hành khai quật, quy tập được 222 hài cốt liệt sĩ” - ông Tùng nói.

Tiếp tục nỗ lực

Tại hội nghị sơ kết thực hiện Đề án 1237, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh - Trưởng ban Chỉ đạo đề án yêu cầu các ban, ngành cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cung cấp thông tin; chủ động hoàn thiện hồ sơ danh sách liệt sĩ và gặp gỡ, tiếp nhận thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ từ cán bộ, nhân dân cùng thời ở địa phương. “Đây không chỉ là trách nhiệm thiêng liêng, mà còn là việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Mỗi cá nhân, mỗi tập thể cần chung tay tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện tốt nhất cho thân nhân liệt sĩ và cơ quan quân sự trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói.

Đại tá Bùi Văn Trí - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho hay, Quảng Nam được Quân khu 5 đánh giá là địa phương đi đầu trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đây được xem là cố gắng rất lớn của Quảng Nam trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội. “Chính quyền, nhân dân và các đoàn thể xã hội của tỉnh luôn tập trung, nỗ lực cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xem đây là một trong những nhiệm vụ thiêng liêng đối với những cống hiến máu xương của các liệt sĩ đã ngã xuống. Nhờ công tác quán triệt, phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, chủ động tìm tòi, kết nối, xác minh thông tin mà công tác này đạt được nhiều kết quả. Đây tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền và ban ngành, đoàn thể trong thời gian tới” - ông Trí nhấn mạnh.

Do công tác hoàn thiện danh sách liệt sĩ ở cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn, địa phương không nắm chắc số lượng liệt sĩ thuộc những đơn vị thuộc bộ, quân khu đóng chân, chiến đấu, hy sinh trên địa bàn nên chỉ có thể dự ước vẫn còn khoảng hơn 2.000 mộ liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập.

Tập trung cho công tác này trong những năm tới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hướng đến việc chỉ đạo thu thập thông tin, xác minh, kết luận tiến hành quy tập ở các khu vực có mộ tập thể như Núi Quế (Hương An, Quế Sơn), sân bay Khâm Đức (thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn), A Nông, Bha Lêê (Tây Giang), Đại Đồng, Đại Quang (Đại Lộc). Ngoài ra, tập trung tìm kiếm ở những khu vực trước đây có các đơn vị chủ lực của Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 đóng chân và chiến đấu; ở các bệnh xá, bệnh viện dã chiến, khu căn cứ cách mạng… từ thông tin do cựu chiến binh cung cấp; vận động nhân dân thông tin mộ liệt sĩ ở trong vườn nhà, khu sản xuất để xác minh, kết luận.

                                                Phương Giang - Báo Quảng Nam